Phân bổ giáo sư, phó giáo sư bất hợp lí

18/11/2013 13:03
Xuân Trung
(GDVN) - Sáng nay (18/11), Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã trao giấy chứng nhận cho 57 tân giáo sư và 514 tân phó giáo sư, đây là những cá nhân đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của năm 2013.
Phân bổ giáo sư, phó giáo sư bất hợp lí

Theo số liệu thống kê của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, tỷ lệ nữ giáo sư năm nay chỉ có 3 trong tổng số 57 tân giáo sư (chiếm 5,26%), với 514 tân phó giáo sư thì có 116 là nữ (22,57%). Điều đặc biệt năm nay đã có 6 phó giáo sư là người dân tộc ít người, trong đó có 2 người dân tộc Hoa, 3 dân tộc Tày, 1 dân tộc Thái.

TS. Trần Đình Hòa 43 tuổi, ngành Thủy lợi là giáo sư trẻ nhất năm 2013. Ảnh Xuân Trung
TS. Trần Đình Hòa 43 tuổi, ngành Thủy lợi là giáo sư trẻ nhất năm 2013. Ảnh Xuân Trung

Điều đáng mừng là tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng là giáo sư và phó giáo sư trong những năm qua đã tăng đáng kể. Trong số 571 tân giáo sư, phó giáo sư năm nay thì có 453 giảng viên (79,33%), nhiều hơn năm 2012 (76,97%).

Về mật độ phân bố giáo sư, phó giáo  sư, theo Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước thì có sự phân bố chưa hợp lí. Cụ thể, từ năm 2009 đến nay số tân giáo sư, phó giáo sư ở Hà Nội chiếm 73,17%,TP. HCM 10,84%, ở tất cả các tỉnh thành phố còn lại chỉ có 15,99%.
Trẻ hóa tuổi đời giáo sư, phó giáo sư

GS. Trần Văn Nhung – Tổng  thư kí Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho biết, tuổi đời các tân giáo sư, phó giáo sư ngày một trẻ hóa, tuy nhiên so với các nước phát triển thì vẫn còn thua.

Thầy và trò chung vui với các tân giáo sư năm 2013. Ảnh Xuân Trung
Thầy và trò chung vui với các tân giáo sư năm 2013. Ảnh Xuân Trung

Trong 57 giáo sư năm nay, người cao tuổi nhất là nữ TS. Lê Nguyệt Nga, ngành TDTT, 72 tuổi; người trẻ nhất là TS. Trần Đình Hòa, ngành Thủy lợi, 43 tuổi. Phó giáo sư cao tuổi nhất là TS. Lê Văn Thơm, ngành Hóa học, 72 tuổi; phó giáo sư  trẻ nhất là TS. Lê Anh Vinh, ngành Toán học 30 tuổi.

Thống kê từ năm 2009 đến nay cho thấy, tân giáo sư trẻ nhất năm 2009 là 45 tuổi, năm 2010 là 46 tuổi, năm 2011 là 37 tuổi, năm 2012 là 42 tuổi, năm 2013 là 43 tuổi. Cùng theo đó, tân phó giáo sư trẻ nhất năm 2009 là 31 tuổi, năm 2010 là 32 tuổi, năm 2011 là 29 tuổi, năm 2012 là 31 tuổi và năm 2013 là 30 tuổi.

Cũng theo thống kê thì những tân giáo sư, phó giáo sư trẻ nhất trong 4 năm qua hầu hết nằm trong lĩnh vực Toán học, tiếp sau là Vật lí, Hóa học. Tuy  nhiên, năm 2013 ngành Thủy lợi đã lên ngôi.
Tân giáo sư Phạm Hoàng Hải (Viện Địa lí) trong niềm vui ngày nhận giấy chứng nhận chức danh giáo sư năm 2013. Ảnh Xuân Trung
Tân giáo sư Phạm Hoàng Hải (Viện Địa lí) trong niềm vui ngày nhận giấy chứng nhận chức danh giáo sư năm 2013. Ảnh Xuân Trung

Năm 2013 này, giáo sư trẻ nhất là TS. Trần Đình Hòa 43 tuổi, nhành Thủy lợi, giáo sư duy nhất của ngành Toán học là TS. Nguyễn Văn Quảng 56 tuổi. Cùng với Toán học, những ngành Luyện kim, Văn học, Cơ học, Dược học trong 5 năm qua có ít tân giáo sư, phó giáo sư được bổ sung, ngược lại những ngành Y học, Kinh tế học, Khoa học quân sự, Hóa học, Tâm lí học – Giáo dục học được bổ sung nhiều hơn.

Độ tuổi trung bình giáo sư, tân giáo sư trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kĩ thuật và công nghệ thường thấp hơn so với các tân giáo sư, phó giáo sư trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn. Theo GS. Trần Văn Nhung, điều này cũng dễ hiểu vì trong các lĩnh vực khoa học xã hội, các nhà giáo, nhà khoa học cần nhiều thời gian hơn để trải nghiệp và áp dụng nghiên cứu khoa học vào thực tế cuộc sống.
Từ năm 1976 đến năm 2013, sau 37 năm tổng số giáo sư, phó giáo sư đã được công nhận ở nước ta là 10.453, trong đó 1.569 giáo sư và hơn 8.000 phó giáo sư. Cũng theo thống kê, hiện nay chúng ta chỉ có xấp xỉ 1 giáo sư hoặc phó giáo sư/2 vạn dân, không quá 5% giảng viên đại học là giáo sư hoặc phó giáo sư, có 560 sinh viên/1 giáo sư hoặc phó giáo sư. Nhìn ra các nước phát triển như CHLB Đức thì 1 vạn dân có 3 giáo sư và cứu 59 sinh viên lại có 1 giáo sư. 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã kí Nghị định số 141 quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật GDĐH. Trong đó, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác ở các cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc (10 hoặc 7 hoặc 5 năm tương ứng) kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học. 
Xuân Trung