Phần mềm chống "chạy trường" của Đà Nẵng hoạt động ra sao?

11/11/2016 07:50
An Nguyên
(GDVN) - Sau hai năm triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến, Đà Nẵng đã hạn chế được tình trạng chạy trường, học sinh học sai tuyến.

Với kết quả thử nghiệm thành công, trong năm học đến (năm học 2017-2018), TP.Đà Nẵng sẽ triển khai phần mềm này ra tất cả các quận, huyện trên địa bàn.

Nhập học ngay trên mạng

Nếu như Hà Nội chỉ mới triển khai thí điểm phần mềm tuyển sinh trực tuyến từ tháng 6 vừa qua thì Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước chạy phần mềm này từ năm 2015.

Phần mềm tuyển sinh trực tuyến chỉ có tác dụng đối với các khu vực thành phố lớn, đông dân cư. (Ảnh: AN)
Phần mềm tuyển sinh trực tuyến chỉ có tác dụng đối với các khu vực thành phố lớn, đông dân cư. (Ảnh: AN)

Trước đó, các trường tiểu học và trung học ở Đà Nẵng tuyển sinh dựa trên nguyên tắc xét tuyển. Phụ huynh học sinh phải mang giấy tờ, hồ sơ đến nộp tại trường nên thường xuyên xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Phần mềm chống "chạy trường" của Đà Nẵng hoạt động ra sao? ảnh 2Hướng dẫn đăng ký tuyển sinh trực tuyến đầu cấp ở Hà Nội

(GDVN) - Ngày 14/6, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố hướng dẫn đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, năm học 2016 - 2017.

Nhưng vấn đề nhức nhối thời điểm ấy là “nạn” chạy trường, học sinh học trái tuyến. Học sinh đổ dồn về các trường tiểu học, trung học có tiếng ở những quận trung tâm thành phố như: Hải Châu, Thanh Khê… gây nên tình trạng quá tải.

Trước thực trạng trên, Đà Nẵng đã cho Phòng GD&ĐT quận Hải Châu thí điểm triển khai phần mềm ứng dụng trong quá trình tuyển sinh.

Đơn vị xây dựng phần mềm là Công ty NetPlus đã phối hợp với các phường trên địa bàn quận khảo sát và cập nhật thông tin dữ liệu của học sinh ở độ tuổi tuyển sinh vào các cấp học như: tên, tuổi, hộ khẩu thường trú…

Khi tuyển sinh, phụ huynh chỉ cần truy cập vào phần mềm rồi nhập tên tuổi, địa chỉ con em mình lên hệ thống thì sẽ cho ngay ra kết quả em đó sẽ nhập học vào trường nào, thời gian làm thủ tục nhập học, các loại hồ sơ, giấy tờ cần thiết…

“Tất cả thông tin tuyển sinh được công khai, minh bạch. Trường hợp học sinh không cứ trú trên địa bàn nhưng nộp hồ sơ lên học trái tuyến thì hệ thống sẽ không chấp nhận nộp hồ sơ” một cán bộ kỹ thuật Phòng GD&ĐT Hải Châu cho hay.

Trường hợp có người “chạy” hộ khẩu để chuyển con về học trường trung tâm nhưng cũng bị máy phát hiện ngay. Bởi ngoài có hộ khẩu thường trú thì phần mềm này còn bắt buộc học sinh đó phải cư trú thường xuyên trên địa bàn và có xác nhận của chính quyền địa phương.

Theo Phòng GD&ĐT quận Hải Châu, việc chạy hộ khẩu vào quận này đã khó, còn việc xác nhận cư trú càng khó hơn.

Dẹp “nạn” chạy trường

Qua hai mùa tuyển sinh, phần mềm này đã phát huy tác dụng rõ rệt, loại bỏ tình trạng chạy trường, học trái tuyến.

Hà Nội vẫn "giấu" chuyện tuyển sinh đầu cấp ở một số trường trung học (GDVN) - Ngày 30/5, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Hà Nội vẫn "giấu" chuyện tuyển sinh đầu cấp ở một số trường trung học

(GDVN) - Ngày 30/5, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng giáo dục quận Hải Châu cho biết, ưu điểm lớn nhất của phần mềm này là giảm được áp lực về thời gian trong tuyển sinh. Vì phụ huynh chỉ cần nhấp chuột là biết các hồ sơ cần nộp vào trường.

“Phần mềm tuyển sinh trực tuyến cũng giúp cho phụ huynh biết chắc là con họ học trường nào. Qua đó, giảm thời gian chờ đợi nộp hồ sơ. Nhà trường cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý vì đã nắm được số lượng tuyển sinh hàng ngày” bà Hà nói.

Từ thời điểm vận hành phần mềm đã “đánh động” cho phụ huynh, giúp giảm dần ý thức chạy trường, vốn đã ăn sâu vào đời sống người dân đô thị nhiều năm qua. Vì tất cả mọi thông tin đều đã công khai trên mạng nên không thể chạy được.

Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn còn phụ huynh vẫn bỡ ngỡ với phương án tuyển sinh trực tuyến này. Nhiều người vẫn phải nhờ vào sự trợ giúp của các thầy, cô giáo, kỹ thuật viên mới đăng nhập phần mềm đăng ký cho con đi học.

“Lâu nay, quan điểm của nhiều người là đến tận nơi nộp hồ sơ cho chắc chắn, thiếu cái gì thì chạy về nhà bổ sung ngay. Nên dù đã hoạt động 2 năm nhưng nhiều phụ huynh vẫn chưa mặn mà với phần mềm tuyển sinh trực tuyến này” bà Hà cho hay.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, phần mềm này sẽ phát huy tác dụng rất lớn đối với các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều trường học như: Hà Nội hay TP.HCM. Vì tuyển sinh trực tuyến sẽ hạn chế việc đi lại, tiết kiệm thời gian công sức của phụ huynh vào mỗi đợt nhập học.

An Nguyên