Phòng về… thanh tra

10/05/2017 07:06
Nhật Duy
(GDVN) - Dù không muốn, không thích nhưng rõ ràng việc thanh tra vẫn cần thiết và vô cùng quan trọng trong việc đổi mới giáo dục hiện nay.

LTS: Thông thường, các giáo viên đều không mấy thích thú khi có thanh tra của Phòng, Sở giáo dục về kiểm tra.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, tác giả Nhật Duy cho rằng việc thanh tra thường xuyên là rất cần thiết.

Bởi vì, mỗi khi có thanh tra thì mọi hoạt động của nhà trường đều trở nên quy củ, nề nếp.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Phải nói thật rằng chẳng có Ban giám hiệu, giáo viên nào muốn thanh tra của Phòng, Sở giáo dục về thanh tra trường mình. Bởi ai cũng ngại những cán bộ thanh tra sẽ tìm ra những thiếu sót để phê bình mình, nhắc nhở. 

Nhưng, có một sự thật là mỗi lần “phải” đón đoàn thanh tra là mỗi lần trường lớp, giáo viên chỉn chu và hoàn thiện hơn.
   
Bình thường, vào nhà vệ sinh của nhà trường nhiều khi phải… nín thở bởi mùi xú uế.

Phòng về… thanh tra ảnh 1

Con ước ngày nào cũng có thanh tra để không phải đi học thêm

Bởi trường học là nơi đông người, việc dội, rửa không được làm thường xuyên, trong khi một số học sinh chưa ý thức tốt nên cứ vào những tiết cuối của buổi học thì bẩn thỉu vô cùng.

Mỗi lần bước vào nhà sinh đã trở thành nỗi sự ám ảnh của cả thầy và trò.

Thế nhưng, ngày thanh tra về được dọn rửa sạch sẽ, một cảm giác thật dễ thở khi bước vào nơi này. 

Sân trường được quét dọn từ sáng sớm, ngay cả các cửa sổ, các bức tường, trần lớp học cũng trở nên thoáng đãng bởi đã được các lớp quét dọn từ ngày hôm trước…
   
Ngày thường, theo qui định của Ban giám hiệu là sau khi phát bài kiểm tra định kì, thường xuyên cho học trò là giáo viên phải vào điểm sổ lớn theo qui định. 

Thế nhưng, vẫn có nhiều giáo viên gần đến cuối học kì vẫn để trắng trơn phần ghi điểm. Ban giám hiệu, Tổ trưởng chuyên môn nhắc nhở thì cứ hứa lần lữa rồi để đó. 

Vậy mà khi nghe thanh tra về là ai nấy đều răm rắp thực hiện đầy đủ. Bởi vào không đầy đủ theo qui định thì sẽ bị lập biên bản, bị phê bình khi vi phạm qui chế chuyên môn. 

Còn đối với nhà trường nhắc nhở thì nhiều giáo viên cứ mặc nhiên chậm trễ, nhất là một số giáo viên có tư tưởng “bất cần”.

Việc thanh tra trường học thường xuyên là rất cần thiết. (Ảnh minh họa của Báo Giáo dục và thời đại)
Việc thanh tra trường học thường xuyên là rất cần thiết. (Ảnh minh họa của Báo Giáo dục và thời đại)

Trong giảng dạy thì nhiều giáo viên lâu nay vẫn quen thói “dạy chay”. Lên lớp chỉ mang theo giáo án, sách giáo khoa rồi giảng dạy mà không sử dụng đồ dùng dạy học. 

Cho dù nhà trường đã mua sắm nhiều đồ dùng dạy học cho môn học đó nhưng giáo viên vẫn ngại mượn.

Nhưng, ngày có thanh tra Phòng về thì khác, giáo viên nào không sử dụng đồ dùng dạy học trong giảng dạy cũng đồng nghĩa bị góp ý và đưa vào biên bản và điều này sẽ trở thành những hạn chế của nhà trường. 

Vì thế, phần lớn những giáo viên có tiết dạy ngày thanh tra về phải chuẩn bị kĩ lưỡng, không chỉ chuẩn bị đồ dùng dạy học mà bảng phụ cũng được chuẩn bị chu đáo cho từng tiết dạy.
     
Dù đã được chuẩn bị khá kĩ lưỡng, ai nấy đều làm việc hết công suất để đón đoàn thanh tra nhưng rồi cũng không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. 

Hàng loạt đề kiểm tra học kì bị góp ý, hồ sơ sổ sách còn thiếu sót, sơ sài, làm khống, làm lấy lệ. Nhiều giáo viên vẫn chưa hoàn thành các cột điểm theo qui định. 

Phòng về… thanh tra ảnh 3

Giáo viên vừa phải đối phó với các hội thi, vừa đôn đáo vì thanh tra

(GDVN) - Để đánh giá thực chất năng lực giáo viên, chất lượng học tập của học sinh chỉ thông qua vài tiết dự giờ thì có điều gì đó không ổn.

Tuy nhiên, những hạn chế của giáo viên sẽ được đoàn thành tra góp ý, nhắc nhở công tác quản lí của Ban giám hiệu và các Tổ trưởng chuyên môn. 

Bởi, hiện nay, công tác thanh, kiểm tra không còn thực hiện như trước mà hướng vào người đứng đầu. 

Vì thế, việc dự giờ giáo viên cũng chủ yếu để tư vấn, rút kinh nghiệm.

Ngược lại, các thành viên Ban giám hiệu và các Tổ trưởng chuyên môn nhà trường phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lí của mình. 

Vì thế, sau khi kết thúc thanh tra, những hạn chế, yếu kém được ghi nhận vào biên bản của đoàn thì cũng là lúc Ban giám hiệu nhà trường có dịp “giáo huấn” giáo viên trong trường.
    
Phải công nhận một điều rằng hiện nay sức ỳ trong ngành giáo dục rất lớn. Không chỉ đối với giáo viên mà ngay cả trong những cán bộ quản lí. 

Nhiều Ban giám hiệu ít khi kiểm tra, dự giờ giáo viên để có những biện pháp nhắc nhở, chỉ đạo kịp thời.

Một bộ phận giáo viên thì ngại làm mới mình, luôn bằng lòng với hiện tại, làm việc trong tư thế đối phó, ít đầu tư cho chuyên môn thành ra mọi thứ cứ dậm chân một chỗ.

Một số giáo viên rất bảo thủ trong giảng dạy, thậm chí là bất cần, đến đây hay đó.

Mỗi đợt thanh tra về trường là mỗi lần để Ban giám hiệu có thể nhìn nhận lại mình về cả những điều làm được và cả những yếu kém, hạn chế của mình.

Trong bất kì ngành nghề nào thì việc thanh tra định kì hay đột xuất đều không tránh khỏi. Vì thế, việc chủ động trong công việc là cần thiết ở bất bất kì thời điểm nào.

Nếu nhà trường và giáo viên làm tốt nhiệm vụ, chức trách của mình thì mỗi khi đón đoàn thanh tra không phải vất vả và hạn chế được những thiếu sót của mình. 

Người xưa từng nói: “nhân vô thập toàn”, con người dù có cố gắng đến bao nhiêu cũng rất khó hoàn thiện mọi điều, nhất là khi mình tự đánh giá mình.

Dù không muốn, không thích nhưng rõ ràng việc thanh tra vẫn cần thiết và vô cùng quan trọng trong việc đổi mới giáo dục hiện nay.

Nhật Duy