Quân đội Ấn Độ quyết định mua thêm 6 máy bay vận tải C-130J

31/07/2014 10:54
Việt Dũng
(GDVN) - Hợp đồng trị giá 565 triệu USD, gồm cả dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật, theo đó, điều này thể hiện chính sách quốc phòng mới của Ấn Độ.

Trang mạng "Flight International" Anh  đưa tin, công ty Lockheed Martin đã  nhận được một hợp đồng mua sắm của Không quân Ấn Độ (IAF) trị giá gần 565 triệu USD, Không quân Ấn Độ sẽ mua thêm 6 máy bay vận tải chiến thuật C-130J.

Máy bay vận tải C-130J Không quân Ấn Độ
Máy bay vận tải C-130J Không quân Ấn Độ

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 18 tháng 7 cho biết, Không quân Ấn Độ đã sửa hợp đồng, mua thêm 6 máy bay vận tải C-130J Hercules của hãng Lockheed Martin, "tổng kim ngạch hợp đồng là 2,06 tỷ USD".

Giao dịch lần này gồm có dịch vụ bảo trì tại chỗ và hỗ trợ kỹ thuật trong 3 năm sau khi bàn giao, hỗ trợ hết hạn vào ngày 30 tháng 4 năm 2020.

Ủy ban mua sắm quốc phòng Ấn Độ đã nói rõ ý định mua sắm vào tháng 9 năm 2013.

Thời hạn bàn giao được xác định là vào năm 2017, máy bay mới sẽ triển khai ở căn cứ không quân Panagarh, bang West Bengal, phía đông Ấn Độ.

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc thì cho rằng, một khi bàn giao, những máy bay mới này sẽ được triển khai cho trụ sở đơn vị tác chiến miền núi mới 17 của Lục quân Ấn Độ.

Năm 2008, Ấn Độ đã ký kết hợp đồng mua sắm 6 máy bay vận tải C-130J tổng trị giá 1,2 tỷ USD, những máy bay này bắt đầu đi vào hoạt động ở căn cứ không quân Hindon vào năm 2011.

Chính phủ Ấn Độ quyết định không tiến hành mua bổ sung máy bay KC-3803 bị rơi vỡ vào tháng 3 năm 2014.

Máy bay vận tải C-130J Không quân Ấn Độ thả lính dù
Máy bay vận tải C-130J Không quân Ấn Độ thả lính dù

Theo tờ “Hoàn Cầu”, vào tháng 5 năm 2014, một chiếc máy bay vận tải C-130J đã rơi tan ở khu vực thành phố Gwalior, 5 quân nhân trên máy bay gặp nạn, thông tin chính thức cho biết nguyên nhân sự cố là do đuôi máy bay “nhiễu loạn”, chứ không phải là sự cố máy móc gì.

Việc Không quân Ấn Độ mua thêm máy bay vận tải C-130J phần nào thể hiện ý đồ tái cơ cấu vốn phổ biến, phát triển khả năng không vận của họ.

Những năm gần đây, nước này đã ký kết hợp đồng mua sắm 10 máy bay vận tải chiến lược Boeing C-17 Globemaster III, đồng thời đang cùng Nga nghiên cứu phát triển máy bay vận tải chiến thuật động cơ phản lực – máy bay vận tải đa năng (MTA).

Ngoài ra, Không quân Ấn Độ đã mua 12 máy bay vận tải hạng nhẹ Dornier Do-228 do Công ty TNHH hàng không Hundustan sản xuất, đồng thời tranh mua 56 máy bay vận tải hạng trung.

Hơn nữa, năm 2009, Không quân Ấn Độ và nhà cung cấp quốc phòng Ukraine đã ký kết hợp đồng 398 triệu USD, kéo dài tuổi thọ sử dụng của máy bay vận tải An-32 lên 20-40 năm.

Máy bay vận tải C-130J
Máy bay vận tải C-130J

Máy bay trực thăng Ấn Độ rơi vỡ

Liên quan đến Không quân Ấn Độ, được biết, vào chiều ngày 25 tháng 7, một chiếc máy bay trực thăng hạng nhẹ Dhruv của không quân nước này đã rơi vỡ, toàn bộ 7 người trên máy bay đã thiệt mạng (gồm 2 phi công và 5 binh sĩ). Quan chức Ấn Độ đã tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn này.

Quân đội Ấn Độ cho biết máy bay trực thăng này bị cháy hoàn toàn, nhân viên trên máy bay không còn khả năng sống sót. Trước khi sự cố xảy ra, phi công từng phát tín hiệu cấp cứu cho đài chỉ huy, sau đó mất liên lạc.

Quan chức khu vực bang Uttar Ấn Độ nói với truyền thông rằng, một số người dân địa phương đã nhìn thấy máy bay trực thăng bốc cháy, nổ, sau đó lao xuống đất như một quả cầu lửa.

Máy bay trực thăng Dhruv do Công ty hàng không Hindustan quốc doanh Ấn Độ sản xuất, hiện có khoảng 150 chiếc đang phục vụ trong lực lượng hải, lục, không quân Ấn Độ.

Theo báo chí, loại mày bay này từng xảy ra sự cố rơi máy bay khi diễn tập vào năm 2007, khi đó đã làm cho 1 phụ lái thiệt mạng.

Máy bay vận tải chiến lược C-17 Không quân Ấn Độ
Máy bay vận tải chiến lược C-17 Không quân Ấn Độ

Đại diện không quân, hải quân Ấn Độ lần đầu tiên nhậm chức tại Trung Quốc

Theo trang mạng "The Hindu" Ấn Độ ngày 25 tháng 7, đại diện Không quân và Hải quân Ấn Độ đã lần đầu tiên nhậm chức ở Bắc Kinh, đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ mở rộng tiếp xúc quân sự.

Bài báo cho biết, một thượng úy không quân và thượng tá hải quân Ấn Độ bắt đầu từ ngày 25 tháng 7 đảm nhiệm tùy viên không quân và hải quân ở Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc.

Trước đó, Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc chỉ có một tùy viên quốc phòng và một tùy viên phó đến từ Lục quân Ấn Độ.

Theo bài báo, hai nước Trung Quốc, Ấn Độ đã tiến hành thảo luận nhiều năm về đại diện quân sự của Ấn Độ tại Trung Quốc, phía Trung Quốc cuối cùng đồng ý thúc đẩy việc này vào năm 2013. Về truyền thống, Ấn Độ chỉ có tùy viên 3 quân chủng ở Đại sứ quán 3 nước gồm Mỹ, Anh và Nga.

Máy bay vận tải chiến lược C-17 Không quân Ấn Độ
Máy bay vận tải chiến lược C-17 Không quân Ấn Độ

Bài báo cho rằng, Trung Quốc gia nhập vào hàng ngũ những nước nêu trên cho thấy tầm quan trọng của quan hệ quân sự Trung-Ấn không ngừng tăng lên và tiếp xúc quân sự hai nước không ngừng mở rộng, đặc biệt là về hải quân.

Mặc dù hải quân hai nước còn va chạm thường xuyên hơn ở vùng biển quốc tế, nhưng hai bên đều đã gia tăng giao lưu, tầm quan trọng của lập đại diện hải quân đã rất nổi bật.

Việc thiếu vắng tùy viên hải quân tại Trung Quốc đã gây ra một số bất tiện, tùy viên quốc phòng Ấn Độ buộc phải liên hệ với Hải quân Trung Quốc, trao đổi các vấn đề diễn tập và thăm viếng.

Hải quân Ấn Độ nhận tàu tuần tra Saryu thứ tư

Trang mạng “Tin tức Trung Quốc” ngày 28 tháng 7 cho biết, căn cứ vào tuyên bố của Công ty TNHH đóng tàu Goa (Goa Shipyard Limited, GSL), Hải quân Ấn Độ ngày 16 tháng 7 đã nhận được tàu tuần tra duyên hải lớp Saryu thứ tư (NOPV) mang tên Sumitra.

Tàu tuần tra Sumitra do nhà máy đóng tàu Goa chế tạo, dài 105 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.300 tấn, sử dụng 2 động cơ diesel, tốc độ tối đa 24 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục là 6.000 hải lý, thiết kế dùng để nâng cao khả năng theo dõi biển và tuần tra tuyến đường hàng hải của Ấn Độ.

Tàu tuần tra duyên hải lớp Saryu Hải quân Ấn Độ
Tàu tuần tra duyên hải lớp Saryu Hải quân Ấn Độ

Tàu này trang bị pháo bắn siêu tốc 76 mm, tốc độ bắn lên tới 120 phát/phút, tầm bắn 16 km; 2 hệ thống vũ khí phòng thủ gần 30 mm và 6 máy phóng mỗi nhử; còn trang bị radar cảnh báo sớm và dẫn đường mới, sàn hạ cánh máy bay trực thăng, nhà chứa máy bay trực thăng hạng nhẹ (ALH), 2 thuyền máy bơm khí.

Hiện nay, Hải quân Ấn Độ đã mua tổng cộng 4 tàu tuần tra duyên hải Saryu, 3 chiếc trước đã lần lượt được bàn giao vào tháng 12 năm 2012, tháng 9 năm 2013 và tháng 1 năm 2014.

Việt Dũng