Rác thải nhựa được đưa vào đề thi môn Văn ở kỳ tuyển sinh vào lớp 10

02/06/2018 12:34
Phương Linh
(GDVN) - Đề thi môn Văn ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là khá lạ, khi đưa vấn đề rác thải nhựa vào phần đọc hiểu.

Ngày 2/6, hơn 87.000 thí sinh bước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh, với ngày thi đầu tiên là 2 môn Văn (sáng), Anh (buổi chiều).

Ngay sau khi trải qua 120 phút làm bài ở phòng thi, phần lớn các em học sinh rời khỏi điểm thi với tâm trạng phấn khởi, vì đề thi Văn năm nay lạ, hay, là cơ hội để thí sinh thể hiện tư duy, quan điểm của mình.

Thí sinh chuẩn bị bắt đầu làm bài thi môn Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (ảnh: P.L)
Thí sinh chuẩn bị bắt đầu làm bài thi môn Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 (ảnh: P.L)

Đặc biệt, trong phần đọc hiểu ở câu 1, đề thi đòi hỏi thí sinh chỉ rõ tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống, đưa ra giải pháp hiệu quả nhất làm giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

Ở điểm thi lớp 10 chuyên tại Trường trung học phổ thông Hùng Vương, quận 5, em Bạch Minh Vân cho biết, đề thi năm nay dễ thở, dễ hiểu, đòi hỏi học sinh áp dụng được những kiến thức và kỹ năng của môn học đã được dạy trên lớp.

Hình thức đề thi theo em Vân thì cũng có sự khác biệt so với nhiều năm trước, không khuôn mẫu.

Học sinh ở điểm thi Trường Hùng Vương, quận 5 hồ hởi rời khỏi phòng thi do đề thi dễ thở (ảnh: P.L)
Học sinh ở điểm thi Trường Hùng Vương, quận 5 hồ hởi rời khỏi phòng thi do đề thi dễ thở (ảnh: P.L)

Đồng quan điểm này, em Trương Thị Thu Xuân (học sinh Trường trung học cơ sở Phan Sào Nam, quận 3) cũng đánh giá, đề thi dễ thở, thú vị với thí sinh. Với đề thi nhẹ nhàng như vậy, Xuân nghĩ mình có thể đạt được 7 điểm.

Theo thầy Hoàng Long Trọng – giáo viên Trường trung học cơ sở Văn Lang, quận 1, đề thi năm nay nằm trong những kiến thức trọng tâm của chương trình Văn lớp 9. 

Đề có tính thực tế cao, hướng học sinh đến các vấn đề của xã hội như: rác thải nhựa, mối quan hệ giữa cha mẹ- con cái..từ đó đưa đến cho học sinh những bài học mang tính giáo dục.

Đề có tính phân hóa khá cao, học sinh trung bình có thể đạt điểm 5,6. Với những học sinh khá-giỏi thì điểm 7,8 cũng không quá khó.

Đúng như cấu trúc đề và đề minh họa của thành phố, đề gồm 3 câu như đề thi những năm trước.

Nhưng năm nay đề có tính tích hợp ở câu 1. Tích hợp với kiến thức của môn Hóa, Địa.

Nhưng về bản chất vẫn sử dụng kiến thức môn Văn để trả lời. Chỉ cần học sinh bình tĩnh đọc đề, suy xét kĩ lưỡng sẽ là tốt bài thi.

Nhìn chung, đề Văn hay, mở, rất thú vị ở câu số 2 (nghị luận xã hội), có tính phân hóa, có tính tích hợp.

Phương Linh