Rưng rưng câu chuyện thầy trò trên đỉnh Ngọc Linh

19/11/2017 07:45
Minh Ngọc
(GDVN) - Chẳng có từ ngữ nào có thể nói hết được những khốn khó nơi đây, nhưng lúc nào cũng thế, tấm lòng của những người thầy nơi đây đều hướng về học sinh thân yêu.

Giờ đây, những lớp học mầm non và tiểu học nằm trên sườn dốc núi cao chênh vênh, đơn sơ, tuềnh toàng tranh tre, nứa lá của con em bà con dân tộc Xê Đăng ở Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) đã dần lùi xa.

Bởi, có những người thầy người cô đã dũng cảm “dời trường” từ trên đỉnh núi xuống nơi có địa bàn bằng phẳng, đường xá đi lại tốt hơn và thực hiện mô hình bán trú dân nuôi để cái chữ đến được với con em đồng bào.

“Dời trường” học ở lưng núi

Thấy chúng tôi vào lớp học, những đứa trẻ ở bậc tiểu học nhanh nhảu đứng dậy, khoanh tay chào khách lạ.

Anh Nguyễn Thanh Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Linh (xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam) làm người dẫn chuyện cho chúng tôi khi đến thăm ngôi trường mà anh và các thầy cô giáo đã phải vất vả mấy năm trời mới dời và xây dựng được khang trang như thế này.

Những ngày đầu tiên khi các thầy cô khăn gói lên đây thắp sáng ước mơ con chữ, bà con dân tộc Xê Đăng trên những nóc cao mây mù này chẳng thể nào tưởng tượng nổi sẽ có một ngày, những đứa con sớm tối lên nương, lên rẫy lại được những người thầy người cô dưới xuôi dạy đánh vần, tập viết, dạy cái chữ Bác Hồ.

Rưng rưng câu chuyện thầy trò trên đỉnh Ngọc Linh ảnh 1Lớp mầm non trên căn nhà dột nát, đi mượn

Trên sườn dốc chênh vênh, 3 phòng học đơn sơ, tuyềnh toàng tranh tre, nứa lá thủa ban đầu là nơi mà học sinh 3 lớp mầm non và tiểu học ngày ngày cùng nhau học bài.

Dù tiếng Kinh còn lõm bõm, nhưng các em luôn miệng “Thưa cô!Thưa thầy!” khiến những thầy cô trẻ tuổi chưa một lần xa nhà cũng phải nao lòng.

Anh Hùng nói, ban đầu có tới 140 cháu độ tuổi đi học mà sĩ số 3 lớp học lúc nào cũng chưa đầy 20 em.

Bởi, người dân muốn con lên rẫy kiếm trái bắp hơn là đến lớp, nhiều lúc các thầy đứng lớp cũng nản ghê lắm, muốn bỏ về cho xong. Nhưng nhìn những đứa trẻ vui đùa, chăm chút viết chính tả, say mê làm con tính, lại không nỡ về lại dưới xuôi nữa.

Trường học ngày ấy nằm trên lưng núi ở thôn 3, không có nổi một mét vuông bằng phẳng để lấy sân chơi, đứng ở sân trường mà cứ dốc đứng như đang leo ngọn dừa, mùa mưa thì đất đá đổ rạt trên đầu. Lo lắm.

Thầy cô và bà con đồng bào chỉ có đôi bàn tay cần cù, trong khi muốn xây trường thì phải có tiền, mà phải nhiều tiền mới đủ.

Vì một bao xi măng lên đến được đây đã có giá 350 nghìn đồng, đắt gấp hơn 3 lần ở dưới xuôi, một viên gạch lên đến đây cũng đội giá lên gần chục lần.

Khi Huyện ủy Nam Trà My quyết định kiên cố hóa trường học, xóa bỏ trường tạm tranh tre, nứa lá, nhưng đến khi rót tiền đầu tư xây dựng trường thì cả một loạt trường bị trả lại.

Lý do chỉ đơn giản: một phòng học xây dựng được đầu tư 50 triệu đồng. Nhà nước cho 50 triệu, nhưng đó là ở dưới xuôi, chứ với trên này số tiền chừng đó chỉ đủ xây… cái móng. Không phải trường không muốn xây, mà tiền ít quá.

Trong khi người dân Trà Linh này 69% là hộ nghèo, vận động cỡ nào đi chăng nữa cũng không đủ.

Và rồi một ý định táo bạo được đề cập, đó là dời trường từ lưng chừng đỉnh Ngọc Linh xuống vùng đất bằng phía dưới cách đó hơn 7 km (7 km tương đương với 4 tiếng đồng hồ đi bộ), khó nhưng vẫn phải làm.

Trường tiểu học Ngọc Linh bây giờ đã khang trang hơn sau khi được dời từ lưng chừng núi xuống (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trường tiểu học Ngọc Linh bây giờ đã khang trang hơn sau khi được dời từ lưng chừng núi xuống (Ảnh: tác giả cung cấp).

Hơn 15 năm cắm bản dạy con chữ cho con em đồng bào Xê Đăng, anh Hùng hiểu lắm những khó khăn vất vả của người dân nơi đây.

Dời trường từ một thôn không có đường đi xuống thôn thấp hơn, điều đó có nghĩa là phải chấp nhận xây trường lại từ đầu. Nhưng, quyết định ấy lại được sự ủng hộ mạnh mẽ của bà con, của những người thầy cô, và của chính quyền địa phương.

Thế là một ngôi trường từ tranh tre nứa lá biến thành một ngôi trường tiểu học kiên cố nằm bên lưng núi.

Ngôi trường mới có được khoảng không gian rộng rãi, làm sân chơi cho học sinh, có nhiều điều kiện để học sinh phát triển giáo dục cả về thể chất và tinh thần.

Để xây được một ngôi trường như thế, các giáo viên phải đi vận động từng gia đình, từng nóc nhà, từng học sinh cùng đồng lòng với giáo viên dời trường.

Thành quả của biết bao công sức, biết bao tấm lòng mong chờ đã được đơm hoa kết trái trên mảnh đất mờ sương, hiện hữu trong một công trình ươm mầm xanh cho đất nước.

Công sức đó có được là của hàng trăm con người trực tiếp gùi từng bao xi măng xây trường trên núi, không quản ngại đóng góp.

Nhớ lại những ngày đó, anh Hùng không khỏi xúc động cho biết: “Vừa làm trường chúng tôi vừa san lấp đất đá để lấy đường đi lên. Có những thời điểm công trình phải chậm lại cả tháng do gặp phải mùa mưa nhưng chẳng ai thấy nản lòng. Có không ít bà con phải đi từ tờ mờ sáng mới tới nơi nhưng họ vẫn sẵn sáng giúp đỡ.

Cảm động hơn khi biết những em học sinh chẳng em nào chịu về nhà với bố mẹ dù đang ngày chủ nhật.

Các em ở lại trường chờ đợi giây phút trọng đại được là chủ nhân của một ngôi trường mới khang trang. Các em cứ háo hức chờ được chuyển trường. Thấy mà thương!”.

Có trường mới rồi, nhưng học sinh tiểu học lại phải đi học quá xa, thế là trong khi chờ đợi chính sách của nhà nước, các thầy cô giáo hàng ngày lại phải đến từng nhà học sinh vận động đi học, rồi ngoài giờ lên lớp phải nhặt nhạnh các thanh tre đóng giường ngủ cho học sinh, đi vận động từng bơ gạo cho lũ học trò của mình có cái ăn để mà đến lớp. Rồi chăn màn, chiếu gối, bát đũa ăn cơm giáo viên đều phải trích từ một ngày lương để mua.

Cuộc sống sinh hoạt của học sinh cũng là nỗi lo thường trực hàng ngày của các giáo viên, bởi các em còn quá nhỏ, chưa thể tự lo cho mình được.

Có cô giáo ban ngày dạy các em trên lớp, tối lại phải ru các em ngủ cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Cô ru cả nỗi nhớ của cô và cả nỗi nhớ của trò…

Cuộc sống của các em học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn và thiếu thốn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cuộc sống của các em học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn và thiếu thốn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Một thời gian sau, chính sách giúp đỡ cho những học sinh ở bán trú cũng đến được trường với số tiền hỗ trợ mỗi em học sinh hơn 400 nghìn đồng/tháng.

Thầy cô cũng bớt lo đi phần nào. Nhưng cũng chỉ bớt đi một phần, bởi giá cả nơi đây vô vùng đắt đỏ, một bát mỳ tôm có giá 20 nghìn đồng, thì hơn 400 nghìn đồng một tháng có thấm vào đâu.

Vẫn cứ điệp khúc vận động, trích tiền lương để lo cho các em, miễn làm sao mỗi sáng tới lớp, thấy lũ học trò của mình có mặt đầy đủ là mừng rơi nước mắt…

Nỗi lòng những người gieo chữ

Đến giờ giải lao, cô trò ùa ra bên sườn núi, từng bóng người hoà tan trong sương, đó là một cảnh đẹp trên đỉnh Ngọc Linh.

Thầy Hùng ngồi trò chuyện với tôi trên tảng đá to hơn cái nhà án ngữ ngay trước sân trường, nơi vừa làm chỗ cho học sinh chào cờ mỗi sáng đầu tuần, cũng là nơi chiều chiều thành sân chơi, cũng là nơi các thầy cô biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con nơi đây mỗi dịp nào đó.

Trong câu chuyện thầy kể, có những niềm vui cười ra nước mắt, có những nỗi buồn ngơ ngác đến buồn cười.

Có lần, thầy cô đưa học sinh xuống thị trấn thi học sinh giỏi, thương lũ học trò nghèo cả năm học chỉ biết ăn rau, ăn sắn quanh năm nên thầy cô quyết định khao học trò một bữa với những món ăn ngon.

Nào ngờ sau khi ăn xong, cả lũ học trò cứ tranh nhau cái nhà vệ sinh vì… bị “Tào Tháo đuổi”. Hóa ra các em quen ăn uống kham khổ rồi, đến lúc đột ngột được ăn miếng ngon thì cái bụng không hợp, thế là cho ra hết.

Nhìn lũ học trò xanh xao sau buổi chiêu đãi, thầy cô đều ứa nước mắt. Thương trò hóa lại làm hại trò. Rút kinh nghiệm lần sau, thầy cô trong trường cứ cơm đùm cơm nắm cho học sinh ăn chắc dạ, làm bài thi lại tốt hơn.

Kể lại chuyện ấy, anh Hùng không khỏi băn khoăn: “Mình thương mấy đứa học trò, tưởng cho chúng ăn ngon để gắng sức làm bài tốt. Ai ngờ không quen nên thế. Thấy học trò ngồi ăn cơm nắm mang theo, nghĩ mà thương!".

Rồi chuyện khi đưa học sinh xuống phố thi, sáng sớm dậy đã thấy tốp học sinh quét dọn hết cả khách sạn. Hóa ra chúng quen với thói quen khi ở nội trú tại trường sáng dậy chia nhau dọn dẹp hết rồi.

Đến lúc khách trọ trong khách sạn thức dậy, ai thấy cũng khen lũ học trò, khiến những người làm thầy như mình cũng thấy vui lây.

Anh kể nhiều, nhiều lắm về lũ học trò nhỏ của mình. Nhưng chừng đó cũng đủ để tôi thấy được tấm lòng vĩ đại của những người gieo chữ trên đỉnh mù sương này.

Trong số những đứa trẻ này, sẽ có được bao nhiêu đứa đeo đuổi nuôi ước mơ con chữ để về xây dựng lại bản làng mai sau (Ảnh: tác giả cung cấp).
Trong số những đứa trẻ này, sẽ có được bao nhiêu đứa đeo đuổi nuôi ước mơ con chữ để về xây dựng lại bản làng mai sau (Ảnh: tác giả cung cấp).

Chiều trên đỉnh Ngọc Linh sương mù chậm rãi, tôi vô tình đọc được mấy dòng nhật ký của thầy Hùng viết vội trong chiếc máy tính xách tay, chiếc máy duy nhất của trường.

Càng đọc, càng thấy hiểu và cảm thông hơn đối với những người ngày đêm gieo chữ nơi đây: “Không có cái buồn nào như cái buồn khi vào mùa mưa ở vùng núi. Tôi đã ở đây 15 mùa mưa rồi đó. Cùng với đó còn có nỗi buồn xa quê, xa nhà vây quanh tôi của các đồng nghiệp.

Mùa mưa trên rừng thật kinh khủng, mưa kéo theo cây cối, gây sạt lở, cuốn theo những gì trên đường con đường độc đạo mà chúng tôi đi. Không có gì ngăn cản nổi từng tảng đá to như cái nhà trôi xuống, nghe chát chúa.

Mùa mưa bắt đầu từ nửa tháng 9 và kết thúc thường vào tháng 2 dương lịch. Trong khoảng thời gian ấy không khi nào mưa ngớt tới 1 tuần.

Trời mưa như thế càng khiến các thầy cô thêm nhớ nhà, nhớ người yêu, chưa kể là những người đã lập gia đình thì nỗi nhớ con, nhớ vợ hoặc chồng càng tăng lên gấp bội…

Nói chung là đủ thứ để nhớ ngay cả những vật rất bình thường như cái cây, mái hiên nhà hay ngay trong trang giáo án cũng không tránh khỏi nỗi nhớ!...”.

Có thể chẳng có một từ ngữ nào có thể nói hết được những khốn khó nơi đây, nhưng lúc nào cũng thế, tấm lòng của những thầy cô nơi đây đều hướng về học sinh, những đứa trẻ vùng cao chân lấm tay bùn.

Từng lứa học trò lớn lên, biết còn mấy đứa sẽ lại lên thôn 3, nơi có trường cấp hai để học. Rồi sẽ còn mấy đứa lặn lội hơn 40 km ra trung tâm huyện ở trọ để tiếp tục nuôi ước mơ con chữ về xây dựng bản làng mai sau.

Anh Hùng cứ băn khoăn mãi, khi màn sương cứ dần len vào từng nhánh cây trên lưng núi, khi cuộc sống thường nhật vẫn còn đầy khó khăn... Nhưng dẫu sao cuộc sống thì vẫn cứ phải hi vọng…

Minh Ngọc