Sáng kiến đối với danh hiệu thi đua cao vẫn còn nguyên giá trị

06/08/2017 07:54
Tùng Sơn
(GDVN) - Một số giáo viên hoan hô và cứ truyền nhau “Bỏ sáng kiến trong thi đua giáo viên rồi”. Vậy các thầy cô đã hiểu đúng bản chất của vấn đề chưa?

LTS: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 88/2017/NĐ-CP, nhiều giáo viên tỏ ra vui mừng vì đã bớt gánh nặng viết sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá thi đua.

Tuy nhiên, tác giả Tùng Sơn cho rằng Luật thi đua, khen thưởng vẫn quy định lấy sáng kiến làm tiêu chí cho danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, vì thế, việc bỏ sáng kiến trong đánh giá thi đua vẫn chưa thành hiện thực.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 27/7, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2017 sửa đổi một số điều của Nghị định 56/2015 về đánh giá và xếp loại công chức, viên chức hàng năm.

Cộng thêm trước đó, ngày 12/5 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố tại Quy Nhơn rằng sẽ bỏ tiêu chí sáng kiến trong thi đua giáo viên.

Thế là một số giáo viên hoan hô và cứ truyền nhau “Bỏ sáng kiến trong thi đua giáo viên rồi”. Vậy các thầy cô đã hiểu đúng bản chất của vấn đề chưa?

Giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm thường chỉ mang tính hình thức và sao chép của nhau. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm thường chỉ mang tính hình thức và sao chép của nhau. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Cần phân biệt: Đánh giá viên chức và Thi đua, khen thưởng.

Do chưa phân biệt được hai vấn đề này nên dẫn đến cách hiểu không đúng trong một số giáo viên.

Vì giáo viên là viên chức nên hoạt động theo Luật viên chức và hàng năm phải được đánh giá, xếp loại viên chức.

Mặt khác, trong quá trình công tác, cũng như các ngành nghề khác, giáo viên phải tham gia các phong trào thi đua và bình xét theo Luật thi đua, khen thưởng.

Như vậy, một người giáo viên đồng thời chịu sự chi phối của Luật viên chức và Luật thi đua, khen thưởng.

Hai vấn đề xếp loại viên chức và bình xét thi đua vừa riêng rẽ lại vừa có quan hệ hữu cơ.

Mỗi nhà giáo phải phấn đấu, thi đua tốt thì mới trở thành viên chức tốt/xuất sắc và phải thực hiện tốt các nhiệm vụ của một viên chức thì mới đạt được danh hiệu thi đua cao.

Nghị định 88/2017 chỉ bỏ sáng kiến cho hai mức xếp loại viên chức.

Những năm trước, chúng ta đánh giá viên chức hàng năm theo Nghị định 56/2015.

Theo nội dung Nghị định số 56, viên chức hoàn thành nhiệm vụ trở lên đã phải có sáng kiến. Vậy là viên chức cả nước viết sáng kiến.

Sáng kiến đối với danh hiệu thi đua cao vẫn còn nguyên giá trị ảnh 2

Từ 15/9, bỏ "sáng kiến kinh nghiệm" với tất cả giáo viên

Đây là một điều bất hợp lí và đã tạo cho nhà giáo và viên chức nói chung những áp lực không cần thiết.

Do vậy, ngày 27/7 vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định số 88 cơ bản sửa 2 điều 26, 27 trong Nghị định 56.

Theo đó, hai mức xếp loại là Hoàn thành nhiệm vụ và Hoàn thành tốt nhiệm vụ không cần tiêu chí sáng kiến, chỉ có mức xếp loại cao nhất là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới cần có sáng kiến.

Như vậy, theo tinh thần Nghị định số 88, từ ngày 15/9/2017 trở đi, tình trạng hầu hết viên chức cả nước phải tìm kiếm sáng kiến sẽ được chấm dứt.

Thi đua, khen thưởng thì sao?

Luật thi đua, khen thưởng năm 2003 của Quốc hội quy định Chiến sĩ thi đua cơ sở (trở lên) phải có sáng kiến.

Luật số 39/2013 sửa đổi Luật thi đua, khen thưởng năm 2003 vẫn lấy sáng kiến làm tiêu chí cho danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp.

Mới đây, ngày 31/7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 91 bãi bỏ các Nghị định 42, 39, 65 trước đây và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật thi đua khen thưởng hiện hành.

Sáng kiến đối với danh hiệu thi đua cao vẫn còn nguyên giá trị ảnh 3

Giáo viên không bị bắt buộc viết sáng kiến kinh nghiệm, mơ ước đã thành sự thật!

Khoản 3, Điều 9 của Nghị định số 91 viết:

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”.

b) Có sáng kiến để tăng năng suất lao động hoặc tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận

Toàn bộ điều 9 Nghị định 91/2017 là quy định về tiêu chuẩn chiến sĩ thi đua. Đáng chú ý là, chiến sĩ thi đua toàn quốc thì phải có sáng kiến ảnh hưởng phạm vi toàn quốc; chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Ngành, Tỉnh,… thì phải có sáng kiến được người đứng đầu Bộ, Ngành, Tỉnh,… công nhận.

Như vậy, về vấn đề thi đua, khen thưởng, không có chuyện bỏ sáng kiến đối với nhà giáo nói riêng và viên chức nói chung.

Lời kết: Có lẽ chúng ta nên hiểu, sáng kiến đối với giáo viên thì rất bình thường nhưng sáng kiến với các ngành nghề khác lại rất có ý nghĩa thực tiễn.

Luật thi đua khen thưởng áp dụng cho tất cả người lao động. Do vậy, tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12/5 chưa thành hiện thực và sáng kiến đối với danh hiệu thi đua cao vẫn còn nguyên giá trị.

Tùng Sơn