Tăng tốc học thi, học trò cuối cấp vật vờ đói ngủ, thầy cô ngao ngán, tức giận

25/02/2018 06:15
Đăng Bình
(GDVN) - Khá nhiều cô cậu học sinh nói rằng “con thèm ngủ hơn thèm ăn. Ước gì con được ngủ thẳng giấc mà không phập phồng ngày mai bị gọi kiểm tra bài”.

LTS: Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng vài tháng nữa là các em học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2017-2018.

Từ đó, trước những áp lực, vất vả trong học tập và ôn luyện của các em, tác giả Đăng Bình đã có bài viết chia sẻ. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Học miệt mài từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối, từ tối đến đêm.

Ngả lưng xuống giường bao giờ cũng là thời điểm đồng hồ chỉ qua ngày, mỗi ngày ngủ chừng 3-4 tiếng đồng hồ.

Đây chính là thời gian biểu của không ít học sinh lớp 12 hiện nay ở nhiều trường trung học phổ thông.

Vật vờ vì đói ngủ, ngáp ngắn ngáp dài chỉ mong trống hết giờ là tranh thủ gục ngay trên bàn học (thời gian chuyển giữa các tiết học) để chợp mắt vội vàng vài phút là hình ảnh thường thấy nhất trong các lớp học hiện nay.

Có thầy cô nhìn trò ngao ngán, tức giận, có thầy cô không dấu nỗi lòng thương cảm, thấu hiểu. Thế nhưng cũng chẳng có cách nào làm khác hơn “guồng quay” đã vận hành.

Học sinh lớp 12 vào thời điểm tăng tốc (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).
Học sinh lớp 12 vào thời điểm tăng tốc (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn).

Một giáo viên trung học phổ thông chia sẻ “có lần, vào tiết dạy thấy cô bé học trò ngủ gục trên bàn một cách say sưa mà không nỡ đánh thức.

Thế là dạy xong cả hai tiết học nhưng cô bé vẫn ngủ mê mệt. Giấc ngủ sâu đầy mệt mỏi vì hình như chưa bao giờ em được ngủ ngon như thế”.

Khá nhiều cô cậu học sinh nói rằng “con thèm ngủ hơn thèm ăn. Ước gì con được ngủ thẳng giấc mà không phập phồng ngày mai bị gọi kiểm tra bài”.

Theo một cuộc điều tra của các nhà chuyên môn, người ta phát hiện trẻ em từ 1-3 tuổi cần 14-16 giờ ngủ một ngày, từ 14-20 tuổi cần ngủ 8-9 tiếng/ngày và 20 tuổi trở lên chỉ cần 7-8 tiếng.

Thế nhưng học sinh bậc trung học phổ thông của chúng ta hiện nay mới ở độ tuổi 16-19 tuổi chỉ được ngủ khoảng 4-5 tiếng/ngày thì làm sao không đói ngủ cho được?

Lịch học dày đặc

Tăng tốc học thi, học trò cuối cấp vật vờ đói ngủ, thầy cô ngao ngán, tức giận ảnh 2Học sinh vào mùa “tụng kinh”

Mỗi ngày, học sinh bậc trung học phổ thông đang phải học gần 20 tiếng đồng hồ. Sáng học 4 tiết, chiều học 4 tiết, tối học hai ca 3 tiếng (quy ra 4 tiết học). Kết thúc một ngày đi học trở về nhà khoảng 9-10 giờ đêm.

Ăn uống, tắm rửa rồi ngồi vào bàn học chuẩn bị bài cho ngày mai (những môn học không tập trung cho thi cử), rồi làm bài tập trong sách, bài tập nâng cao cho những môn trọng điểm đi thi.

Khi việc học tạm ổn, ngả lưng xuống giường thường đồng hồ đã chỉ qua ngày.

Việc học quay cuồng là thế, ngoài ra còn phải tham gia khá nhiều các phong trào và các hội thi của lớp, của trường.

Nào là thi tin học trẻ không chuyên, thi hùng biện tiếng Anh, thi Violympic các cấp, thi học sinh giỏi của trường, của huyện, thi giải truyền thống của tỉnh, của quốc gia, thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, thi học sinh thanh lịch, thi ẩm thực, hội trại…đã tham gia dự thi phải ôn tập và miệt mài “cày xới”. Thế là, học sinh chỉ còn mỗi việc học và học từ sáng đến khuya vì lẽ đó.

Khá nhiều em học sinh chia sẻ “Vài năm trước đây, học sinh bậc trung học phổ thông chỉ học một buổi thì các em còn thời gian nhiều hơn. Nay học cả ngày nhưng vẫn không thể bỏ học thêm. Bởi thế, chẳng còn một chút thời gian rảnh nào cho việc giải trí và nghỉ ngơi cả”.

Học cả ngày sao trò vẫn phải đi học thêm?

Thông điệp của các trường trung học phổ thông tổ chức dạy học cả ngày gửi đến các cấp liên quan và đến ngay phụ huynh học sinh là “nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho các em, hạn chế việc dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay”.

Tăng tốc học thi, học trò cuối cấp vật vờ đói ngủ, thầy cô ngao ngán, tức giận ảnh 3Các sĩ tử dồn sức ôn luyện trước kỳ thi Quốc gia

Thế nhưng mục đích tốt đẹp này vẫn chỉ nằm trên giấy và các bản báo cáo. Bởi, do học cả ngày không hiệu quả, học sinh buộc phải đăng kí đi học thêm bên ngoài vào ban đêm.

Khá nhiều học sinh cho biết “nếu không đi học thêm bên ngoài sẽ chẳng thể có đủ kiến thức để đi thi đặc biệt những học sinh muốn thi vào các trường tốp giữa và tốp đầu.

Bản thân giáo viên dạy buổi hai trên trường cũng chẳng mấy mặn mà vì đồng tiền học trò đóng hàng tháng phải chia năm xẻ bảy (chi phần trăm cho Ban Giám hiệu, cho bảo vệ, kế toán, văn thư, chi cho cơ sở vật chất…). Bởi thế, không ít thầy cô cũng chỉ dạy qua loa cho hết giờ.

Thầy cô không hết mình, trò càng phải nỗ lực. Thế rồi vừa học xong trên trường là lao vội vào lớp học thêm học ca này xong lại lao vào ca khác…

Có không ít ý kiến cho rằng “nhà trường tổ chức học thêm buổi hai không hiệu quả thì cần giải tán chứ cố làm gì cho khổ học sinh ra?”

Nhưng, không dạy buổi hai đồng nghĩa với việc hàng tháng một số người sẽ mất đi một khoản tiền không hề nhỏ hay sao?

Đắn đo, cân nhắc qua lại, khi lòng tham của người đứng đầu chiến thắng thì đương nhiên phần thiệt thòi phải thuộc về những học sinh tội nghiệp mà thôi.

Đăng Bình