Thầy Kiên Trung lật tẩy "tử huyệt và chiêu trò" trong thi quốc gia

09/08/2018 06:10
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Thủ đoạn lấy đề thi, mã đề thi của các thí sinh thuộc diện "gà" giao cho một hoặc nhóm giám thị coi thi đến phòng riêng giải đề, rồi kín đáo đưa cho thí sinh.

LTS: Là người trực tiếp tham gia công tác thi quốc gia, thầy Kiên Trung cuối cùng đã phải lên tiếng.

Theo thầy, tử huyệt dẫn đến gian lận thi cử quốc gia vừa qua, rất nhiều người làm thi đã có thể dự báo được.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả góc nhìn riêng này của thầy Kiên Trung với mong muốn góp thêm một góc tiếp cận để xử lý các sai phạm của kỳ thi.

Trân trọng gửi đến quý độc giả.

Báo chí đưa tin, trong danh sách 23 thí sinh của Lạng Sơn trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân 2018 có 11 thí sinh là chiến sĩ công an nghĩa vụ.

Đây là số thí sinh nằm trong danh sách 35 thí sinh là công an nghĩa vụ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc (E27-Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) đóng quân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có điểm thi cao gây xôn xao dư luận thời gian qua.

18 thí sinh khác trong danh sách này đã trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân.

Thầy Kiên Trung lật tẩy "tử huyệt và chiêu trò" trong thi quốc gia ảnh 1Có 30 chiến sĩ cơ động ở Lạng Sơn đạt điểm đầu vào Học viện an ninh

Trước đó, tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đến kiểm tra, rà soát khâu chấm thi tại Lạng Sơn và chưa phát hiện được những dấu hiệu bất thường ở khâu này.

Ngày 6/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ:

Tôi rất mừng và hoan nghênh vì các chiến sĩ cảnh sát cơ động đạt điểm cao trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn người nghi ngờ về năng lực của các đồng chí.

Có ý kiến băn khoăn, liệu các thí sinh (chiến sĩ cơ động) đạt điểm cao có phải xuất phát từ năng lực thực sự hay có sự trợ giúp nào đó? Tuy nhiên, việc này mới chỉ dừng lại ở nghi vấn.

Muốn khẳng định có tiêu cực hay không thì phải có cơ sở để chứng minh nghi vấn trên.

Trong trường hợp mọi thứ đã được đặt vào thế “đã rồi” thì cần tính tới việc giám sát chặt chẽ, công khai năng lực, kết quả học tập của các sinh viên trong quá trình học tập tại trường khi trúng tuyển”, ông Hòa kiến nghị.

Từ đây, với tư cách  là “người trong cuộc”, tôi muốn cung cấp cho bạn đọc cả nước biết một số thủ đoạn gian lận, tiêu cực do không ít lãnh đạo hội đồng thi, cán bộ, giám thị gây ra trong khâu coi thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi trung học phổ thông Quốc gia lâu nay.

Thầy cô giáo tham gia công tác chấm thi (Ảnh minh họa: TTXVN).
Thầy cô giáo tham gia công tác chấm thi (Ảnh minh họa: TTXVN).

Sau khi nhận được những mong mỏi, gửi gắm… của một số phụ huynh (thường là cán bộ, giáo viên, dân có tiền), lãnh đạo hội đồng thi, điểm thi cùng các thành viên khác “nghiên cứu”, “chọn lựa” những thành phần, cán bộ, thư ký, thanh tra, giám thị… quen biết, ăn rơ với mình trong danh sách cán bộ, giám thị, thanh tra… của Sở Giáo dục và Đào tạo gửi về.

Vì nể nang, vì quan hệ, vì tư lợi… mà một số cán bộ, thanh tra, giám thị (thầy cô giáo) sẵn sàng lên “kịch bản”, “kế hoạch” cụ thể để dàn xếp, hỗ trợ, giúp đỡ một số “gà” (thí sinh) đạt được mục đích trúng tuyển vào đại học, vào lớp 10 theo ý muốn.

Thi tuyển sinh vào lớp 10, chủ tịch hội đồng thi phân công giám thị trực tiếp, muốn phân công, đưa giám thị nào vào phòng thi nào đều nằm trong tầm tay của lãnh đạo hội đồng thi.

Thi trung học phổ thông Quốc gia, theo quy chế 04/2017, phân công giám thị thì dựa vào bốc thăm số phòng ngẫu nhiên. Mà đã dàn xếp, thông đồng với nhau từ trước thì cũng chẳng có khó khăn gì.

Thầy Kiên Trung lật tẩy "tử huyệt và chiêu trò" trong thi quốc gia ảnh 3Những bí mật ít người biết trong chấm bài Ngữ văn thi quốc gia

Thi môn Ngữ văn thì có giáo viên coi thi dạy môn Ngữ văn đến chỉ bài, nháp bài.

Thi môn Toán thì có thầy cô giáo coi thi dạy môn Toán đến chỉ bài, giải bài.

Đặc biệt, thi các môn tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thì việc chỉ, giải bài thuận lợi hơn vì môn thi thành phần môn Lý, đến thi môn Hóa đưa bài; môn thi thành phần môn Hóa, đến thi môn Sinh đưa bài do phiếu trắc nghiệm trả lời đang ở thi sinh, các đề thi môn Lý, Hóa đang có trên bàn của cán bộ coi thi.

Bài thi tổ hợp Khoa học xã hội sẽ tung “chiêu” tương tự như vậy. 

Một thủ đoạn khác, lấy đề thi, mã đề thi (từ thu đề thừa hoặc đem đi photocopy) của các thí sinh thuộc diện "gà" giao cho một hoặc nhóm giám thị coi thi dự phòng trên hội đồng đến một phòng riêng giải đề, rồi kín đáo đưa cho thí sinh bằng cách kẹp dưới tờ giấy thi, giấy nháp hoặc ra ký hiệu riêng cho thí sinh ấy ra ngoài nhà vệ sinh nhận.

Có bài giải sẵn tha hồ chép và tô xong trong chốc lát trước sự “bảo bọc”, “chở che” tuyệt đối của 2 hai giám thị trong phòng thi, giám thị ngoài hành lang, thanh tra thậm chí cả hội đồng coi thi.

Trong trường hợp các thí sinh ngồi bên cạnh thấy “gà” có tài liệu, bài giải hay nhìn ngó, trao đổi, ồn ào thì giám thị “trấn áp” ngay các thí sinh kia và cả phòng thi.

Thầy Kiên Trung lật tẩy "tử huyệt và chiêu trò" trong thi quốc gia ảnh 4Chấm thi là "tử huyệt" nhất định phải được đặc biệt chú ý

Để yên ổn, cùng có lợi, không bị kiện cáo, ghi hình ảnh như vụ Đồi Ngô xảy ra ở tỉnh Bắc Giang năm 2012, “gà” cho một số thí sinh ngồi bên cạnh cho xem đôi chút hoặc giám thị chỉ bài luôn cho các thí sinh khác.

Thủ đoạn thứ 3, các thầy cô giáo giải sẵn đề cho thí sinh.

Trong thời gian làm bài trên phòng thi, các “gà” có thể không làm, tô gì cả hoặc làm, tô những câu dễ.

Hết giờ, thu bài xong, các giám thị dẫn “gà” đến một phòng kín đưa bài giải cho thí sinh tô cả bài hoặc một số câu hỏi khó.

Lúc này, thí sinh đã ra về hết, các thành phần, giám thị khác đang tập trung, tất bật với việc thu, nộp bài, dường như không biết “màn diễn” độc đáo này của một nhóm người trong hội đồng coi thi, điểm thi.

Nếu cố tình thông đồng, cấu kết với nhau để dàn xếp, gian lận, tiêu cực, giúp “gà” trong khâu coi thi thì khả năng thành công rất cao, khó có thể phát hiện ra được.

KIÊN TRUNG