Thầy Sơn Quang Huyến xin cho học trò được quyền lưu ban

05/05/2018 07:51
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Những ngày cuối năm học là một mùa “gieo cấy” trong trường học. Giáo viên phải tìm mọi cách để nâng điểm cho học sinh để đạt chỉ tiêu đã đăng ký.

LTS: Từng chứng kiến những phụ huynh lên trường xin cho con được lưu ban, thầy giáo Sơn Quang Huyến phản ánh những bất cập trong việc giao chỉ tiêu chất lượng giáo dục và những hệ lụy đáng buồn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngay từ đầu năm, mỗi giáo viên đều đã được đăng thành tích thi đua của bộ môn mình được phân công giảng dạy.

Tỷ lệ của giáo viên phải dựa trên kế hoạch của nhà trường, nếu có giáo viên nào đăng ký thấp hơn chỉ tiêu của nhà trường đưa ra thì tổ, các ban ngành sẽ họp "động viên" để giáo viên nâng chỉ tiêu đảm bảo giữ được hay nâng chất lượng cao hơn năm trước.

Khi chỉ tiêu đã đăng ký, giáo viên phải cố gắng hoàn thành chỉ tiêu đó, nếu không thì sẽ bị hạ bậc thi đua,… trong năm học. Vì cái chỉ tiêu đó, bệnh thành tích trong giáo dục khó có hồi kết.

Để hoàn thành chỉ tiêu nhà trường để ra, nhiều học sinh yếu kém vẫn bị kéo tuột lên lớp. (Ảnh minh họa trên Báo Công lý)
Để hoàn thành chỉ tiêu nhà trường để ra, nhiều học sinh yếu kém vẫn bị kéo tuột lên lớp. (Ảnh minh họa trên Báo Công lý)

Những ngày cuối năm học là một mùa “gieo cấy” trong trường học. Giáo viên phải tìm mọi cách để nâng điểm cho học sinh để đạt chỉ tiêu đã đăng ký.

Đúng quy trình thì cho các em “gỡ điểm xấu” bằng cách đổi mới “hình thức kiểm tra đánh giá”.

Kiểm tra viết lần một không đạt thì cho làm lần hai… không đạt thì kiểm tra miệng… để đảm bảo khách quan.

Trong các nội dung đổi mới thì nội dung “đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá” được áp dụng thành công nhất.

Việc “lo điểm” cho học sinh cuối năm đã sinh ra bao hệ lụy cho học sinh, cho ngành giáo dục, cho xã hội.

Thầy Sơn Quang Huyến xin cho học trò được quyền lưu ban ảnh 2Kiểm tra học kì - học sinh “rất khó” bị điểm yếu!

Việc ngồi nhầm lớp đã trở nên phổ biến, bản thân người viết cũng đã chứng kiến nhiều phụ huynh cuối năm lên xin nhà trường cho con được lưu ban!

Khi học sinh không “được” lưu ban mà bị đẩy lên lớp, phần lớn các em chán học, bỏ học, kéo theo các học sinh khác tham gia các tệ nạn xã hội.

Những em không được lưu ban này thường là đối tượng lôi kéo, rủ rê của các thanh thiếu niên hư hỏng và từ đó vô hình trung đã lôi kéo thêm nhiều học sinh khác bỏ học, chán học.

Phần lớn giáo viên đều biết hậu quả của việc không cho học sinh lưu ban, nhưng dưới áp lực của thành tích nhà trường và cá nhân mình thì khó mà cưỡng lại được để làm đúng lương tâm của mình.  

Để nâng cao chất lượng giáo dục thì phải tổng kết, đánh giá học sinh trung thực, khách quan, cho các em được quyền lưu ban để có thời gian củng cố kiến thức.

Qua việc “lưu ban” này cũng giáo dục học sinh phải cố gắng học thực sự, nếu không cũng bị lưu ban.

Việc đổi mới cấp thiết nhất trong giáo dục hiện nay là dạy thật, học thật, tổng kết thật.

Các cấp quản lý phải bãi bỏ chỉ tiêu đăng ký đầu năm hoặc không coi chỉ tiêu đạt được để đánh giá chất lượng, thi đua của giáo viên, trả lại cho học sinh quyền được lưu ban.

Sơn Quang Huyến