Thầy đi học cũng canh cánh nỗi lo tiền quĩ lớp

23/05/2017 06:15
Nhật Duy
(GDVN) - Không biết tự bao giờ chuyện lo “chu đáo” cho thầy sau mỗi khóa học đã trở thành một tiền lệ đối với các học viên.

LTS: Chia sẻ những tâm sự về việc phải đóng quỹ lớp để chăm lo cho thầy cô giáo, thầy giáo Nhật Duy cho rằng đây là “luật bất thành văn” nhưng khi đi học rồi thì ai ai cũng… thuộc.

Chuyện này đã và đang là nỗi khổ tâm khó nói của nhiều người bởi việc đóng góp số tiền quá lớn là gánh nặng với nhiều người.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc hai bài viết: “Nhà tôi không thiếu thứ gì, chỉ mỗi cái tủ lạnh là cũ kỹ” và “Ý kiến, tâm tư về quỹ lớp, lo thầy” của tác giả Thiên Ấn đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gần đây, khiến chúng tôi đồng cảm sâu sắc. 

Không biết tự bao giờ chuyện lo “chu đáo” cho thầy sau mỗi khóa học đã trở thành một tiền lệ đối với các học viên.
   
Thời còn học đại học, tôi có nhiều năm làm lớp trưởng và là người đại diện để chúc các thầy cô trong dịp tết, ngày nhà giáo, ngày sinh nhật thầy cô, ngày 8/3, 20/10, ngày thành lập khoa, thành lập trường…

Thế nhưng, những thầy cô của chúng tôi ngày ấy cương quyết không bao giờ nhận quà. Có lẽ dải đất miền Trung nghèo khó đã khiến cho thầy-trò đồng cảm nỗi vất vả với nhau. 

Và, chính cái tình cảm cao đẹp đó, khiến đám sinh viên chúng tôi luôn ngưỡng vọng thầy cô của mình để phấn đấu và nuôi dưỡng nhân cách cho mình.

Việc đóng quỹ lớp là “luật bất thành văn” nhưng khi đi học rồi thì ai ai cũng… thuộc. (Ảnh minh họa: plo.vn)
Việc đóng quỹ lớp là “luật bất thành văn” nhưng khi đi học rồi thì ai ai cũng… thuộc. (Ảnh minh họa: plo.vn)

Ra trường, trong quá trình công tác ở ngành giáo dục và được phân công đi tập huấn và học một số lớp nâng cao về chuyên môn. 

Trong mỗi đợt tập huấn, hay học tập, chúng tôi vẫn thấy cấp trên bố trí một số lãnh đạo của Phòng, Sở cùng chung lớp học. Điều mà chúng tôi luôn lo lắng là chuyện phải đóng quĩ lớp để chăm lo cho thầy. 

Chuyện đóng quĩ có lẽ là chuyện tế nhị mà khi đi học ai cũng phải đóng góp và không có ý kiến gì hết. 

Trong một tập thể hàng mấy chục người, thậm chí hàng trăm người ấy chắc cũng có người có điều kiện nhưng sẽ không ít giáo viên mới ra trường kinh tế còn eo hẹp. 

Thế nhưng, đã cùng là thân phận học viên thì phải cùng chung một “nghĩa vụ” với lớp, với thầy. 

Nhất là cấp trên lại rất chu đáo phân công lớp trưởng, lớp phó toàn là những lãnh đạo hay chuyên viên của Sở, Phòng nên khi họ nói ai cũng phải răm rắp chấp hành.

Nhà tôi không thiếu thứ gì, chỉ mỗi cái tủ lạnh là cũ kỹ

(GDVN) - Có nhiều học viên lo lắng, thầy cô không nhận quà, phong bì của mình thì nguy to, lúc kiểm tra, thi cử dễ cho đề cương nhiều và điểm số thấp.

Thật ra, một số thầy cô không thích học viên của mình “chăm sóc” kĩ lưỡng quá.

Thế nhưng, trước những lời lẽ thuyết phục tình cảm của trò thì thầy cô đều nhận lời để đi ăn uống, nhận quà của lớp. 

Và, một điều tất nhiên là khi đã nhận sự “quan tâm” của lớp thì thầy cô cũng nhẹ nhàng trong việc chấm điểm, đánh giá học viên trong chuyên đề mình dạy. 

Phần lớn các thầy cô về dạy hay báo cáo các chuyên đề là từ các trường đại học hay các trường nghiệp vụ nên các thầy cô đều ở khách sạn và thường đi một mình. 

Vì thế, chuyện học viên mời thầy đi đây đó để ngắm cảnh, cho “khuây khỏa” cũng là chuyện xem chừng… hợp lí.
   
Giờ đây, phần lớn các lớp học bồi dưỡng của ngành giáo dục được tổ chức tại địa phương để khỏi bất tiện cho học viên phải học tập trung tại các trường đại học hay các trường nghiệp vụ. 

Vừa giảm được chi phí cho địa phương và cũng đỡ gây bất tiện và tăng chi phí cho học viên. 

Vì thế, khi đã mở lớp học tại địa phương thì các trường bố trí giáo viên về dạy. Mỗi chuyên đề chỉ vài ba ngày. Nên, hết mỗi chuyên đề lại là một thầy cô khác đến dạy. 

Và, chuyện đưa rước, tiền nghỉ ngơi, ăn uống, tàu xe, quà cáp… đều do học viên chung tay để “cảm ơn thầy”. 

Cho dù các trường đều rào đón là thầy cô đi dạy đều có chế độ ăn, nghỉ, tàu xe… Nhưng, “đời nào” học viên lại đối xử với thầy mình “nhạt nhẽo” được. 
   
Vừa rồi, chúng tôi được nhà trường cử đi học một lớp học dài hạn. Lớp học có gần 100 học viên, mặc dù số học viên đông như vậy nhưng số tiền quĩ đóng không hề nhỏ. 

Bởi, ngay từ buổi đầu tập trung thì ban cán sự lớp đã họp lớp và tính toán các khoản chi cho mỗi chuyên đề học tập. 

Chi phí cho mỗi thầy cô/ ngày không dưới 1 triệu đồng. Bao gồm cả tiền ăn sáng, cà phê, ăn trưa, tối, tiền xe, quà… và cuối mỗi chuyên đề thì lớp lại tổ chức tiễn thầy bằng một buổi liên hoan tại một nhà hàng. 

Ý kiến, tâm tư về quỹ lớp, lo thầy

(GDVN) - "Bố mẹ ở quê làm nông, lo tiền đuối luôn, có lúc phải vay nóng, vay nguội gởi cho em… Làm sao bớt lo, bớt mệt mỏi với việc quỹ lớp bây giờ?"

Nhiều giáo viên ngán ngại nhưng biết làm sao được. Chuyện “nhập gia tùy tục” âu cũng là lẽ thường tình.
    
Ngoài tiền đóng quĩ lớp, thì cuối khóa còn đi thực tế tại một địa phương khác nữa nên chi phí cho mỗi khóa học hay bồi dưỡng hiện nay tương đối cao. 

Tiền mà học viên được trả công tác phí mỗi ngày chỉ vài chục nghìn đồng, cộng cả lương nữa cũng không thể nào đủ được tiền trang trải cho việc học tập của mình. 

Vì thế, nhiều học viên mà học những khóa dài hạn như Cao học thì chi phí càng nhiều. Chuyện nợ nần sau mỗi khóa học vài năm sau chưa trả hết.
   
Có một điều là sau mỗi khóa bồi dưỡng chuyên môn hay mỗi khóa học dài hạn thì các học viên bao giờ cũng được nhà trường biểu dương về tinh thần học tập, về những “tình cảm sâu nặng” đã dành cho nhà trường và các thầy cô giáo đến dạy. 

Đặc biệt, kết quả học tập thì vô cùng tốt đẹp bởi trong số hàng trăm học viên theo học, gần như không có mấy ai, thậm chí nhiều lớp không có ai xếp loại trung bình. 

Loại giỏi thì không nhiều nhưng gần như phần lớn được xếp loại “Khá”. 

Có lẽ có được kết quả mĩ mãn như vậy một phần cũng là nhờ sự “cố gắng” của các học viên và một phần cũng là do “tấm lòng quan tâm” đến những giáo viên giảng dạy!
  
Khi những “người thầy đi học” mà chăm lo cho thầy của mình như vậy, thử hỏi chúng ta trách ai đây? 

Cấp nào cũng chạy thành tích, ai cũng cũng muốn khi kết thúc khóa học có tấm giấy chứng nhận, hay tấm bằng tốt nghiệp sạch đẹp và trường nào cũng muốn mình dạy có “uy tín”… thành ra mối quan hệ hai chiều cứ song song cùng nhau. 

Chuyện quĩ lớp là “luật bất thành văn” nhưng khi đi học rồi thì ai ai cũng… thuộc!

Nhật Duy