Thầy giáo đo lường mức độ sa sút văn hóa đọc ở giới trẻ

09/01/2016 07:42
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Hệ lụy của việc ít, lười đọc sách là trí tuệ, hiểu biết thấp, tâm hồn khô cứng, lạnh nhạt, tình trạng bạo lực gia tăng….

LTS: Ngày nay, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới giới trẻ, tích cực cũng nhiều mà tiêu cực cũng không ít.

Một trong những vấn đề đó nổi lên là văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay. Họ có vẻ thờ ơ, lãnh đạm với văn hóa đọc sách. Phải chăng họ nghĩ với thông tin hiện đại thì họ không cần tới sách nữa. 

Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ rõ sự sa sút văn hóa đọc của giới trẻ đã đi tới mức nào? Và làm thế nào để giúp học sinh, sinh viên ham đọc sách trong thời gian tới? 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Sa sút văn hóa đọc


Sa sút văn hóa đọc của người Việt nói chung, đối tượng học sinh, sinh viên nói riêng ngày càng đáng lo ngại. 

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm 2013 thì bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách, thấp nhiều so với các nước trong khu vực. 

Có nhiều người cho rằng, giá sách hiện nay còn cao so với mức thu nhập của số đông người dân, chất lượng sách chưa tốt, với cộng số sách ít ỏi được phân bổ tại các thư viện bình quân chỉ đạt 0,35 bản/người là những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng lớn tới việc tiếp cận sách của học sinh, sinh viên. 

Lý lẽ như vậy chỉ đúng một phần. Theo chúng tôi, nguyên nhân chính nằm có phía chủ quan của giới học sinh, sinh viên chúng ta, ở chỗ là  ý thức đọc sách để tích lũy tri thức vẫn còn rất hạn chế. 

Thầy giáo đo lường mức độ sa sút văn hóa đọc ở giới trẻ ảnh 1
Giới trẻ ngày càng lười đọc sách, phòng thư viện luôn vắng hoe (Ảnh: thanhnien.vn)

Thực tế cho thấy, ngay cả nhiều học sinh, sinh viên ngày nay, lứa tuổi thích khám phá, tìm tòi kiến thức từ sách, cũng rất lười nhác đọc sách, suốt ngày mải mê với game, Facebook, tụ tập đi chơi, quán xá…

Nói đâu xa, trường tôi có hẳn một phòng thư viện  tương đối rộng rãi, với hàng ngàn đầu sách các loại để phục vụ nhu cầu đọc của gần 1,3 ngàn học sinh của nhà trường. 

Thời gian đầu, mới có thư viện, hàng ngày còn có khoảng vài ba chục lượt học sinh tới lui phòng thư viện đọc sách, mượn sách về nhà. 

Nhưng mấy năm gần đây, số học sinh đến thư viện ngày càng thưa vắng, ít dần. 

Cô phụ trách thư viện cho hay: "Khi nay ở trên này buồn lắm, có buổi le hoe vài ba học sinh lên, có nhiều buổi chẳng thấy em nào cả. Nhiều sách, tư liệu có giá trị, mới cứng...mà chẳng thấy ai mượn đọc cả. Thật phí hoài".

Thầy giáo đo lường mức độ sa sút văn hóa đọc ở giới trẻ ảnh 2

“Nhậu” nhiều, đọc ít và sự lên ngôi của văn hóa rẻ tiền

(GDVN) - Uống nhiều bia rượu, lười đọc sách là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa người Việt đến với văn hóa giải trí rẻ tiền.


Không riêng gì trường tôi, hầu hết  thư viện nhà trường phổ thông, thư viện tỉnh ở nhiều nơi khác, địa phương khác cũng chung tình cảnh tương tự, hết sức thưa vắng đối tượng học sinh, giáo viên đến đọc, mượn sách. 

Nhiều trường Đại học, Cao đẳng đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cho việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, khang trang, như Thư viện đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thư viện Đại học Bách Khoa, Kinh tế quốc dân ở Hà Nội… 

Đầu tư thì lớn nhưng tính hiệu quả của nó còn thấp, vẫn chưa “hút” được nhiều sinh viên, khi mà ý thức sử dụng thư viện, đọc sách, tìm kiếm tư liệu phục vụ cho công việc học tập của họ còn  hạn chế. 

Thời gian sinh viên chỉ chăm chỉ tới thư viện nhất tập trung vào các mùa thi cuối kỳ tháng 12 và tháng 6. Còn thời điểm khác, những ngày thường, các thư viện phần lớn rơi vào tình cảnh thưa thớt sinh viên. 

Đến  thư viện lớn của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thư viện Tạ Quang Bửu của Đại học Bách Khoa (Hà Nội), nhiều người nhận thấy ngay tình trạng ghế trống bỏ không ở đây khá nhiều, chỉ một số ít sinh viên đến tìm kiếm tài liệu làm tiểu luận, đề án hoặc nghiên cứu khoa học. 

Chỉ có các phòng Internet ở thư viện các trường Đại học luôn là điểm thu hút, đông đảo sinh viên tới lui nhất. Song cũng thật đáng buồn, nhiều cô cậu sinh viên đến đây, với mục đích học tập thì ít, chủ yếu là  "say" với  sử dụng wifi, Internet miễn phí thì nhiều. 

Thống kê của thế giới cho thấy, số lượng giới trẻ người Việt sử dụng Internet tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng phần lớn thời lượng vào để vui chơi, giải trí, thư giãn…trong khi đó giới trẻ các nước khác thì ngược lại, họ vào Internet để tìm hiểu thông tin, nghề nghiệp, việc làm…

Hệ lụy của việc ít, lười đọc sách ở một dân tộc nói chung, giới học sinh, sinh viên nói riêng, có thể thấy ngay được: trí tuệ, hiểu biết thấp, tâm hồn khô cứng, lạnh nhạt, tình trạng bạo lực gia tăng….

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài    


Bộ GD&ĐT thấy rõ thực trạng, “điểm yếu” của học sinh, sinh viên về văn hóa đọc cho nên mới đây Bộ có Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX gửi đến các sở trực thuộc nhằm thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc trong nhà trường và cộng đồng. 

Theo đó, các trường tổ chức thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại thư viện trường, ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con. 

Nhà trường lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục. 

Thầy giáo đo lường mức độ sa sút văn hóa đọc ở giới trẻ ảnh 3

“Đọc sách để không lạc hậu”

(GDVN) - “Chúng ta chưa xây dựng thói quen đọc có hệ thống, hầu như chưa tiến hành giáo dục kỹ năng đọc có hệ thống từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học”.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện.  

Việc này để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích học sinh đọc các tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số, rèn luyện năng lực tự học, năng lực học tập suốt đời.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, một trong những mục tiêu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển năng lực tự học, biết thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau để có năng lực học tập suốt đời. 

Hệ thống thư viện trường học sẽ góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu đó. Theo chúng tôi, việc Bộ GD&ĐT ban hành Công văn thúc đẩy phong trào đọc, thói quen đọc sách trong nhà trường và cộng đồng là rất cần thiết. 

Nó góp phần khơi dậy, đánh thức vai trò, ý thức trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh, học sinh trong bối cảnh văn hóa đọc ở giới trẻ đang bị “ lãng quên”, có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng. 

Nhưng để nó thật sự “sống lâu bền”, thật sự đạt hiệu quả, mục đích đề ra lại là một vấn đề vô cùng nan giải, không thể một sớm, một chiều có thể vực dậy ngay được, đòi hỏi một quá trình dài hơi, có sự phối kết hợp, trách nhiệm từ nhiều phía. 

Thiết nghĩ, về lâu, về dài, Nhà nước ta, nhất là ngành văn hóa và giáo dục cần có sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư tốt hơn nữa về hệ thống thư viện, giảm giá thành sách các loại; lựa chọn, bổ sung những loại sách phù hợp với nhận thức, tâm lý lứa tuổi học sinh, sinh viên. 

Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, tôn vinh giá trị của sách, việc đọc sách, những người mê sách…sâu rộng đến mọi học sinh, sinh viên. 

Đặc biệt, ở nhà trường phổ thông, giảm bớt áp lực thi cử, học hành, thành tích, kiến thức hàn lâm, những hoạt động, cuộc thi vô bổ. 

Cán bộ thư viện nhà trường không những là người giữ sách, giữ thư viện mà còn là những người yêu sách, biết cách hướng dẫn, giới thiệu sách cho học trò, sinh viên với các hình thức phong phú, đa dạng. 

Ở gia đình, nhất là bậc mầm non, tiểu học, các em cần được phụ huynh làm gương, luôn quan tâm, cổ vũ, khích lệ con trẻ yêu sách, mê đọc sách, thậm chí đọc sách cùng con. 

Ngày Hội đọc sách, tuần lễ hội sách được tổ chức đều đặn, quy mô, bài bản hàng năm ở tất cả tỉnh, thành trong cả nước để thu hút, nâng cao ý thức thường xuyên ham thích đọc sách của người Việt ta, nhất là giới trí thức trẻ.

Được vậy, giới trẻ, học sinh, sinh viên chúng ta mới có không gian tốt, môi trường thuận lợi để dấy lên phong trào, thói quen đọc sách thường xuyên, ở mọi nơi, mọi lúc. 

Đỗ Tấn Ngọc