Thi tốt nghiệp THPT: Sao không học gì, thi nấy?

05/04/2013 07:30
Nguyễn Quốc Vỹ
(GDVN) - Hàng năm, những học sinh lớp 12, cứ đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 là trông chờ vào quyết định của Bộ giáo dục để biết năm nay sẽ thi Tú tài những môn nào. Bên cạnh đó là những dự đoán, những trò đùa về môn thi tốt nghiệp diễn ra trên mạng và sự lơ là trong học tập để…chờ đợi. Sao không phải là học môn gì thi môn ấy?

Ảnh minh họa (Internet)
Ảnh minh họa (Internet)

Thi tốt nghiệp cấp 3 nhiều năm gần đây bao gồm 6 môn và trong số đó 3 môn chắc chắn có là Toán, Văn, Ngoại Ngữ thì còn lại 3 môn. Trong 3 môn này, thường rơi vào những môn như Địa lý, Lịch sử, Hóa học, Vật lý, Sinh học. Vậy còn những môn khác cũng được học từ cấp 1 đến cấp 3 như Thể dục, Giáo dục công dân (Đạo đức), Công nghệ,…thì sao? Không ai có thể lý giải vì sao chỉ chọn 6 môn để thi tốt nghiệp và cũng không ai có thể giải thích vì sao những môn kể trên không thuộc vào các môn sẽ có trong kỳ thi này cho dù Bộ vẫn cho rằng việc chọn môn là do bốc thăm.

Chính vì điều này đã làm cho học sinh, giáo viên và nhà trường mặc định đó là những môn không quan trọng, là những môn phụ, không ai quan tâm, không cần thiết…dẫn đến lơ là trong học tập, trong thi cử và chỉ mang tính chất đối phó, học cho nhanh, cho xong để giải quyết những môn thi quyết định tương lai. Cho dù Bộ giáo dục có ra bao nhiêu công văn, bao nhiêu thông báo yêu cầu các trường không được xén chương trình, dạy dồn ép những môn không được chọn thi tốt nghiệp thì cũng không giải quyết được bất cứ điều gì khi mà Bộ hay Sở giáo dục không đủ nhân lực để đi kiểm tra. Còn các địa phương, các trường ư? Thử hỏi có nơi nào dám quả quyết rằng mình sẽ tổ chức học đều tất cả các môn, sẽ dạy đúng tiến độ, sẽ không có chuyện chỉ dành thời gian cho những môn thi tốt nghiệp?

Thực tế đến thời điểm này không có học sinh nào có đủ tâm trí để lo lắng cho môn Thể dục hay môn Công nghệ khi mà trước mắt là 6 môn thi đã có. Vậy thì, tại sao Bộ giáo dục không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 với tất cả các môn được học như là một kỳ thi để đánh giá, tổng kết 12 năm học phổ thông của mỗi học sinh? Để thực hiện việc này không khó khi mà chúng ta đã tổ chức một kỳ thi quốc gia cho 6 môn trong số những môn được học rồi. Hơn nữa, để đánh giá toàn diện một học sinh sau 12 năm học thì 6 môn thi là không đủ. Có học sinh khá môn này, giỏi môn kia và chỉ đạt điểm trung bình ở môn khác. Và liệu những môn Giáo dục công dân là không cần thiết cho một học sinh hay sao? Một học sinh giỏi Toán, giỏi Văn chưa chắc đã thành công trên đường đời nếu thiếu đạo đức, nếu có một thái độ không tốt. Vì những lựa chọn ấy của Bộ giáo dục chỉ làm cho giáo viên dạy những môn này “tủi thân” trong khi nó cũng là 1 môn học như bao môn khác và học sinh thì không “mặn mà” những môn này.

Chuyện thi tốt nghiệp THPT và lấy kết quả đó để xét tuyển vào Đại học hay môn chính, môn phụ, môn thi, môn không thi đã được các nhà giáo dục nói đến rất nhiều ở nhiều diễn đàn, ở các hội nghị. Tuy nhiên, sau nhiều lần cải cách, chấn hưng giáo dục thì việc này vẫn không có gì mới. Chính việc chỉ có 6 môn thi và các môn này còn liên quan đến thi Đại học thì mới nảy sinh chuyện học lệch, học tủ, học để đối phó trong kỳ thi. Biết đến bao giờ mới có những kỳ thi, những tiêu chí để có thể đánh giá được toàn diện một học sinh sau 12 năm học tập?

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Nguyễn Quốc Vỹ