Thỏa hiệp là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bệnh thành tích

15/05/2017 08:47
Nguyễn Cao
(GDVN) - Vẫn biết rằng làm như vậy là sai qui chế chuyên môn nhưng phần nhiều giáo viên vẫn phải “linh hoạt” các điểm số cho học sinh.

LTS: Để đảm bảo thành tích của học sinh và nhà trường, nhiều thầy cô giáo sẵn sàng thỏa hiệp để nâng điểm, "cấy" thêm điểm cho học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Cao bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng này khi mà học sinh ngày càng có tâm lý trông chờ, ỷ lại, ít có ý chí phấn đấu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trước khi kiểm tra chất lượng học kì II thì việc giáo viên phải làm là hoàn thành tất cả các cột điểm miệng, thường xuyên và định kì là một lẽ đương nhiên. 

Những môn học chỉ có 1-2 tiết/ tuần thì số cột điểm ít. Những môn như Văn, Toán có số lượng 4-5 tiết/ tuần nên cột điểm tương đối nhiều. 

Hàng chục cột điểm bắt buộc phải hoàn thành nhưng nhiều học sinh chưa có điểm hoặc điểm quá thấp bắt buộc giáo viên phải “tìm cách” để hoàn thành. 

Vẫn biết rằng làm như vậy là sai qui chế chuyên môn nhưng phần nhiều giáo viên vẫn phải “linh hoạt” các điểm số cho học sinh.

Giáo viên sẵn sàng nâng điểm cho học sinh để đảm bảo thành tích. (Ảnh: vtv.vn)
Giáo viên sẵn sàng nâng điểm cho học sinh để đảm bảo thành tích. (Ảnh: vtv.vn)

Những học sinh yếu kém đã đành, ngay cả những học sinh khá giỏi đôi lúc cũng phải tìm cách hỗ trợ.

Việc giáo viên “hỗ trợ” học sinh đã và đang âm thầm diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp học. Suy cho cùng cũng bắt đầu từ căn bệnh thành tích mà ra.
    
Ở cấp Tiểu học không chỉ là việc giáo viên giúp học sinh thoát khỏi việc ở lại lớp mà còn âm thầm giúp nhiều em đạt danh hiệu “Hoàn thành tốt nội dung các môn học” để được khen thưởng cuối năm. 

Theo qui định của Thông tư 22, nếu học sinh muốn được khen thưởng thì không chỉ hoàn thành tốt các môn học của thầy cô chủ nhiệm mà còn phải “hoàn thành tốt nội dung” các môn chuyên như: Âm nhạc; Mĩ thuật; Thể dục; Tiếng Anh. 

Vì thế, gần cuối kì I hoặc cuối năm học, một số giáo viên chủ nhiệm phải nhờ các giáo viên của các môn chuyên lưu ý “hỗ trợ” để các em được khen thưởng theo số lượng nhà trường qui định. 

Tất nhiên trong “danh sách đề nghị” đó có những em không cần hỗ trợ nhưng có những em không đảm bảo chất lượng vẫn được giáo viên chuyên xác nhận là “hoàn thành tốt” để được khen thưởng. 

Có lẽ, trong thâm tâm có nhiều giáo viên không tán đồng lời đề nghị nhưng trong trường với nhau người ta cũng rất ngại mất lòng nhau nên rồi cũng đành thỏa hiệp!
    
Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì mỗi môn học sẽ có một thầy cô giảng dạy và ở các cấp học này thường có tỉ lệ học sinh bỏ học cao cũng như học sinh có học lực yếu nhiều hơn. 

Thỏa hiệp là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bệnh thành tích ảnh 2

Nhà trường, giáo viên đừng dễ dãi nâng điểm cho học trò nữa

Vì thế, nhiều thầy cô chủ nhiệm cũng thường nhờ các thầy cô bộ môn “kéo” các em lên để các em đủ điều kiện để lên lớp hoặc xét tốt nghiệp. 

Nhất là những em có điểm số cận với loại trung bình và loại yếu. Chỉ cần thay đổi một chút là học sinh có thể thay đổi được kết quả học tập, không phải thi lại hoặc lên lớp, thậm chí là được khen thưởng.
   
Hiện nay, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang áp dụng Thông tư 58 cho việc đánh giá và xếp loại cho học sinh. 

Học sinh muốn được loại giỏi phải có điểm trung bình từ 8.0 trở lên, không có môn nào dưới 6.5 và có một trong hai môn Văn hoặc Toán phải có điểm trung bình từ 8.0 trở lên. Học sinh xếp loại khá thì có điểm trung bình từ 6.5 trở lên. 

Trong đó, không có môn nào dưới 5.0 và một trong hai môn Văn hoặc Toán phải từ 6.5 điểm trở lên. Chính vì qui định như vậy nên cũng có lúc giáo viên phải chỉnh sửa điểm để các em “qua ngưỡng” để được khen thưởng….
    
Thực tế, trong quá trình giảng dạy, cho học sinh kiểm tra, có nhiều em không học được, mất hết kiến thức cơ bản nên làm bài kiểm tra có điểm rất thấp. Nhưng, giáo viên vẫn không dám vào điểm sổ lớn. 

Một là cho học sinh đó kiểm tra lại hoặc là cuối kì, cuối năm “cấy” một con điểm khác vào để khỏi phải sửa điểm. 

Nhất là đối với học sinh cuối cấp, không có mấy em phải rớt tốt nghiệp, yếu mấy cũng được chiếu cố cho qua. Giáo viên không làm thì Ban giám hiệu cũng chỉ đạo làm.
    
Còn chuyện học sinh nghỉ học quá số buổi qui định (45 buổi) cũng được nhiều thầy cô chủ nhiệm ưu ái bằng cách là không điểm danh vào sổ gọi tên ghi điểm khi gần đến “giới hạn ngày nghỉ” để cuối năm các em vẫn đủ điều kiện thi và lên lớp. 

Nhưng, thực tế có rất nhiều em nghỉ quá số buổi qui định. Giáo viên bộ môn biết rõ điều này nhưng cũng không ai có đủ dũng khí nói lên sự thật bởi đây không phải là hiện tượng cá biệt.

Thỏa hiệp là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bệnh thành tích ảnh 3

Có nên “thương” học trò như thế?

(GDVN) - Nhiều giáo viên có suy nghĩ nếu nghiêm khắc quá sẽ “tội” học sinh nên thường rất dễ dãi trong mọi chuyện từ việc kiểm tra đến tổ chức các kì thi lớn.

Còn, theo Điều lệ trường học phổ thông thì học sinh không được lưu ban 2 lần/cấp học.

Vì thế, dù một số em dở thế nào vẫn được các Ban giám hiệu và giáo viên dạy lớp “linh hoạt” để các em lên lớp đều đều. 

Nhiều em nghỉ học hàng tháng trời nhưng đến khi thi họ kì vẫn được nhà trường vận động vào thi.

Bởi không thi thì nhà trường mất học sinh và tăng tỉ lệ bỏ học, bị cắt thi đua... 

Học sinh nào mà quá yếu thì phải ôn và thi lại vào dịp hè. Nhưng ôn thi thì cũng chỉ mang tính hình thức, giáo viên chỉ hẳn đề để học sinh “ôn” cho tốt để làm bài. 

Trong quá trình kiểm tra, phần lớn học sinh lại được giáo viên giúp sức. Nếu thi lại lần 1 không qua, thì tiếp tục thi lần 2 để qua. Rất hiếm em nào ôn thi lại mà không qua. 

Không qua bằng kiến thức cũng thì Ban giám hiệu đề nghị giáo viên bộ môn “tìm cách” để cho qua và lên lớp.

Và, điều dĩ nhiên là không có lãnh đạo nào muốn trường mình có tỉ lệ học sinh ở lại lớp cao hơn mặt bằng chung của huyện, tỉnh.
    
Hiện nay, khi các trường tự chủ chuyên môn nên chỉ một số môn Sở hoặc Phòng ra đề, còn lại đa số là trường ra đề thi.

Mặc dù, các trường đều làm kế hoạch, đề cương rất dài và khoa học nhưng chủ yếu để… đối phó với thanh tra

Thỏa hiệp là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bệnh thành tích ảnh 4

Cha mẹ, thầy cô đang dạy trẻ nói dối ngay từ khi còn nhỏ

Thực chất các giáo viên trong tổ hiểu ngầm và thống nhất với nhau về nội dung kiểm tra chỉ một vài bài nào để “ôn” trước cho học trò. 

Nội dung ôn tập rất “sát” nên chỉ có học sinh nào yếu quá mới thi không qua.

Coi thi thì giáo viên vẫn “thương” học trò, học sinh có vi phạm qui chế thi thì cũng chỉ nhắc nhở là chính. Vì thế, nội dung các bài kiểm tra cứ na ná như nhau.
   
Chúng ta đã nói nhiều về bệnh thành tích và có lẽ căn bệnh này sẽ còn đeo bám mãi trong ngành giáo dục. Không phải giáo viên nào cũng dối trá, cũng muốn nâng điểm hay làm khống điểm cho học trò. 

Nhưng, với rất nhiều ràng buộc về pháp lí, rất nhiều mối quan hệ khác nhau và sống trong môi trường như thế nên một số thầy cô phải thỏa hiệp với bệnh thành tích! 

Chỉ có điều, thầy cô, nhà trường càng “thương” học trò bao nhiêu càng tạo sự chủ quan, ỷ lại bấy nhiêu cho học trò. Bởi, học sinh không có điểm vẫn đủ điểm, học dở vẫn lên lớp thì động lực nào cho học sinh phấn đấu?

Nguyễn Cao