Thưa Bộ trưởng, áp lực nặng nền nhất của giáo viên chính là...thành tích

19/12/2018 12:13
Trương Như Đệ
(GDVN) - Tôi đồng tình với Bộ trưởng, nhưng nhóm áp lực nhất theo người viết chưa được Bộ trưởng đề cập đến là thi đua thành tích.

LTS: Sau bài viết ''Bộ trưởng Nhạ nhận diện 6 nhóm áp lực với nghề giáo'', với mong muốn đưa ra những ý kiến và quan điểm của mình về vấn đề này, tác giả Trương Như Đệ đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tại tọa đàm "Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp" ngày 14/12, trước các luồng ý kiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tổng hợp 6 nhóm tạo áp lực cho nghề giáo hiện nay.

Nhóm 1: phụ huynh; nhóm 2: hiệu trưởng; nhóm 3: học sinh; nhóm 4: về cách đào tạo ở các trường sư phạm; nhóm 5: về cơ chế chính sách, hành chính, chính sách đãi ngộ; nhóm 6: truyền thông. [1]

Tôi đồng tình với Bộ trưởng, nhưng nhóm áp lực nhất theo người viết chưa được Bộ trưởng đề cập đến là thi đua thành tích.

Thưa Bộ trưởng, áp lực nặng nền nhất của giáo viên chính là...thành tích ảnh 1Bộ trưởng Nhạ nhận diện 6 nhóm áp lực với nghề giáo

Thi đua thành tích để có danh hiệu

Thông thường ở các trường phổ thông mỗi năm học có 2 lần bình bầu thi đua: cuối học kì 1 xét tiên tiến và cuối năm học xét tiên tiến, chiến sĩ thi đua, giấy khen, bằng khen...

Sau mỗi đợt bình xét, có người rạng rỡ tươi như hoa, có người mắt cứ lưng tròng.

Xuất hiện tụm ba tụm bảy "thằng kia hơn chi tao", "con kia chỉ được cái mồm dẻo, giỏi bợ". Căng thẳng, chia rẽ, bằng mặt không bằng lòng chỉ vì hơn thua cái danh hiệu làm màu.

Thi đua thành tích để củng cố vị trí việc làm

"Tinh giản biên chế", giáo viên mỗi lần nghe nói tới cụm từ này là một lần hoang mang dao động.

Họ phải tìm đủ mọi cách để xếp loại thi đua của lớp không rơi tốp cuối (kể cả bắt học sinh bạt tai bạn mình 231 cái như cô giáo Quảng Bình).

Họ phải kiếm đủ mọi cách để đạt giáo viên giỏi (kể cả gà bài trước cho học sinh).

Họ phải thực hiện đầy đủ các sai bảo của hiệu trưởng mà không dám ho he (kể cả việc gọi học trò lên phòng hiệu trưởng cho gã đội lốt hiệu trưởng dâm ô ở Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở huyện Thanh Sơn - Phú Thọ).

Hay sẵn sàng dìm đồng nghiệp xuống để mình trồi lên... Cũng chỉ vì cơn ác mộng biên chế.

Thi đua thành tích để thăng tiến

Không ít người vì miếng mỡ chức quyền, áp lực thi đua thành tích khiến họ trở thành gian dối, cốt làm sao có bản thành tích đẹp để có cơ hội vươn lên.

Tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh giỏi, học sinh đỗ tốt nghiệp phải là những con số hơn mơ. Mà lạ, cấp quản lí giáo dục nào cũng sướng nở mũi câng mặt.

Căn bệnh thành tích ảo trong giáo dục (Ảnh minh họa: Báo Người Lao động).
Căn bệnh thành tích ảo trong giáo dục (Ảnh minh họa: Báo Người Lao động).

Vốn là người quản lí trực tiếp ở cơ sở giáo dục, tôi hoan nghênh khi biết Bộ trưởng có ý kiến cho rà soát các hoạt động của giáo viên, những hoạt động hành chính nào không cần thiết, gây phiền hà thì cắt giảm để giảm bớt thời gian cho thầy cô, không bị những áp lực không đáng có.

Tuy nhiên, nghe Bộ trưởng chỉ đạo "Kiên quyết không đưa ra những chỉ tiêu thi đua, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Thà làm một giáo viên tốt còn hơn là một giáo viên giỏi về hình thức" thì tôi vừa mừng vừa lo.

Mừng vì giáo viên thoát được áp lực thi đua.

Nhưng lo, thế nào là một giáo viên tốt, lại "chân đăm đá chân chiêu". Lấy gì để đo lường giáo viên tốt trong khi các cấp quản lí giáo dục vẫn tổ chức thi giáo viên giỏi để công nhận giáo viên giỏi cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Đành rằng hiện nay đã có công cụ để đánh giá giáo viên là bộ tiêu chí Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/BGD ĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng đây là bộ tiêu chí chủ yếu để hài lòng các cấp quản lí.

Vì vậy, muốn không đưa ra những chỉ tiêu thi đua, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi hình thức để thà làm một giáo viên tốt còn hơn - theo Bộ trưởng.

Thiết nghĩ, các cấp quản lí giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp, học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp, giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi… cho các trường hoặc không lấy các tiêu chí này để đánh giá thi đua các trường.

Nếu còn, hiệu trưởng không giao lại cho giáo viên chỉ có thánh. Hiệu trưởng lấy đâu ra bột để năn bánh báo cáo thành tích. Hay là cứ tiếp tục gian dối cùng nhau. Vẫn là vỗ tay lỗi nhịp.

Bộ nghiên cứu thay đổi công cụ đánh giá xếp loại giáo viên. Thay vì bộ tiêu chí để hài lòng các cấp quản lí hiện tại bằng bộ tiêu chí lấy hài lòng đối tượng phục vụ là học sinh và phụ huynh học sinh làm chủ yếu. Dịch vụ lấy khách hàng là thượng đế vậy.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-truong-Nha-nhan-dien-6-nhom-ap-luc-voi-nghe-giao-post193829.gd

Trương Như Đệ