Tin xấu, tin sai sự thật và mạng xã hội

04/02/2017 06:16
Jenna An
(GDVN) - “Còn đâu là cái hổ thẹn, còn đâu là lòng tự ái, còn đâu là cái bứt rứt lương tâm! Cứ chịu khó rèn nữa đi, mãi cùng trở nên thợ rèn… “ (trang 252, Làm Đĩ).

LTS: Trước những thông tin sai sự thật, thiếu nguồn tin kiểm chứng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí hiện nay, tác giả Jenna An chia sẻ bài viết bàn về nghề viết trong thời đại bùng nổ phương tiện truyền thông xã hội như hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Vừa rồi, có dịp nhìn lại một năm không việc làm của mình, lại ngẫm đến nghề viết lách của mình, chạnh lòng mang "Làm Đĩ" [0] của Vũ Trọng Phụng ra xem…

Lòng thấy bùi ngùi, vì không rõ đạo làm nghề, mình biết được đến đâu mà viết với lách? 

Trong thời buổi social media (phương tiện truyền thông xã hội), chủ yếu "chat chit" và quan hệ trên các mạng xã hội như Facebook, Instagam, Linkedin, Twitter, mà thường hay được ví như social animal (xã hội động vật) [1], từ được anh David Brook ở New York Times dùng trong cuốn sách cùng tên, quả là khó lắm cho làm nghề, dù là nghề gì đi nữa thời buổi này.

Cũng do bởi nghề viết, tôi bắt đầu làm quen với những khái niệm Fake news [2] (“tin đểu”: là tin không xác định được nguồn gốc, hay tin sử dụng có chủ đích khi đưa ra, và không có tài liệu khách quan chứng minh nguồn thông tin là khách quan, tin được dựng lên/dẫn nguồn từ những trang web, facebook hoặc người ảo, tất cả nhằm tạo ra thông tin không chính xác, gây tác động đến nhận thức và hành động của người đọc – theo ý kiến cá nhân tôi);

và False news (Tin không đúng: tin phản ánh không đúng, không trung thực, hoặc không có dẫn chứng phù hợp, nhưng do vô tình, không phải cố tình, hay có động cơ để đưa tin không đúng). 

Thời buổi truyền thông xã hội, mọi người chủ yếu theo dõi thông tin, trao đổi và quan hệ trên các mạng xã hội.(Ảnh: Pinterest.com)
Thời buổi truyền thông xã hội, mọi người chủ yếu theo dõi thông tin, trao đổi và quan hệ trên các mạng xã hội.(Ảnh: Pinterest.com)

Tôi có những trải nghiệm cá nhân về việc bị hack tài khoản, từ email cá nhân cho đến các tài khoản mạng xã hội, và được kết bạn với những “Maika” (từ trên trời) rơi xuống [3] các tài khoản của mình, dẫu cho đấy là mạng xã hội dành cho dân chuyên nghiệp như Linkedin… 

Những ảnh cá nhân và gia đình, những câu chuyện phiếm bàn về đủ các chủ đề ở cái góc “hóc bà tó” đâu đó bên Mỹ mà cũng được ghi âm, ghi hình làm tư liệu “marketing” cho ai đấy không biết!

Những lần đầu bị hack tài khoản và bị “cưỡng bức” kết bạn, tôi phẫn nộ lắm, vì hà cớ gì, thời buổi dân chủ, tự do và minh bạch thế này, xã hội có luật lệ, kết bạn cũng phải có luật chứ, sao lại đi “trộm cướp” thông tin tài khoản, thông tin cá nhân và thông tin bạn bè của người khác như thế?  

Sao phải kiếm ăn từ những quan hệ được “đánh cắp”? Những hình ảnh, uy tín của người khác mà phải đánh cắp để xài, tự trọng để đâu vậy? 

Cuối cùng, đến ngày tôi bị mất tất, mất từ email, skype, tài khoản mạng xã hội… tôi tự dưng thở phào… Mình thoát! 

Tin xấu, tin sai sự thật và mạng xã hội ảnh 2

Niềm vui chân chính và nỗi buồn cần rũ bỏ của Báo chí Việt Nam

Tưởng vậy, mà không phải vậy, đời khổ không?

Cho đến tháng 12 năm 2016, khi bầu cử Mỹ được coi là đã xong, và có kết luận của chính phủ Mỹ về việc có ai đó đã dùng fake news và hackers để gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ [3], tôi cứ mừng thầm “Trời ơi, may mình quá, mình không phải là bác Hillary!”. 

Tôi thương bác Hillary nhiều lắm, kính trọng hai bác nhà đấy cũng nhiều, nhưng điều tôi thông cảm nhất với bác Hillary chính là nỗi đau của một người phụ nữ duy nhất tranh cử, nỗ lực hết mình để chứng minh năng lực và chứng minh quyền bình đẳng giữa nam – nữ trong tranh cử Tổng thống ở một xứ sở dân chủ và văn minh, cuối cùng bị đổ bể do “fake news” và “hackers”! 

Thôi kệ, đành phải có lỗi của một ai đấy chứ!

Rồi đến khi vòng quanh một số tờ tin tức có uy tín của Việt Nam, dù cho Hội Nhà báo có yêu cầu về 10 điều đạo đức của nghề làm báo, tôi hàng ngày vẫn đọc được “fake news” và “false news” ngay ở các bản tin báo điện tử.  

Hầu hết các tin mà Việt Nam dẫn lại ở các báo chí và nguồn ở nước ngoài đều không đưa ra link gốc.  

Điều này không phù hợp về cách đưa nguồn tin, vừa “bị” đánh giá về đạo đức người đưa tin, theo những đạo đức và quy tắc hành nghề báo chí quốc tế. 

Cũng vì phần nào của lý do này, phần lớn “fake news” và “false news” chạy “rần rần”, vì ai biết đấy là đâu!  

Phần nhiều, thông tin không đúng sự thật hoặc nói quá lên sự thật tập trung ở mảng nói về giáo dục Việt Nam [4], du học nước ngoài [5], giáo dục nước ngoài [6], đầu tư ra nước ngoài [7] mà không hề có chỉ dẫn, nguồn gốc hay cơ sở nghiên cứu khoa học, dẫn chứng (cho gọi là có) nào cả.   

Nhiều fake news được xây dựng bài bản, thành chiến dịch [6], có gương người tốt việc tốt, có những ân oán phải trả, nói tốt bạn này chê bạn kia mà không có đủ chứng cứ, ca ngợi bạn nào đó như thể bạn đấy là siêu nhân ngoài hành tinh (gần nhất đây là loạt bài về Harvard 4.30 sáng [6]). 

Khốn khổ thay cho những ai rơi vào vòng bị chê, chê mà như “phải mất 2 năm để doanh nghiệp tẩy sạch” [8] đủ biết chúng ta tự tạo ra nguồn tin đến mức nào… khi chưa có bất kỳ nghiên cứu khả tín nào chứng minh cái sự “tẩy sạch” ấy cả!

Một số dạng tin đưa sai của Việt Nam được “chơi chiêu” dưới góc độ xin ý kiến chuyên gia [9] hay của các tổ chức nước ngoài [10], làm Việt Nam chúng ta sung sướng “ngất ngây con gà Tây”…

Và dần dần điều đó gây ra hội chứng “tự sướng”, cái gì mình cũng làm được [11] hay ‘đồng hồ Tây có bao giờ sai” [12], để khỏa lấp đi những sự yếu kém, dốt nát về nguồn tin, nền tảng khoa học và sự hiểu biết/tư duy phản biện về sự việc của mình.  

Tôi không rõ những chính sách, dự án của giáo dục Việt Nam mà chỉ dựa thuần túy trên ý kiến của chuyên gia và đối tác nước ngoài, không có khảo sát, không có điều tra thực tế hay làm thử nghiệm đánh giá mô hình, dự án nghìn tỷ bị thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Mỗi sáng ra, mở báo và đọc tin, gặp phải những tin tức kiểu này, tôi đành nhủ lòng, “Thôi cũng vì miếng cơm”… nhưng sao lòng chùng xuống, mắt lại rưng rưng, vì biết rằng đời chúng ta, đời con chúng ta, cũng còn vì miếng cơm này dài lắm…

Xin được kết ở câu Vũ Trọng Phụng đã viết gần 80 năm trước “Còn đâu là cái hổ thẹn, còn đâu là lòng tự ái, còn đâu là cái bứt rứt lương tâm! Cứ chịu khó rèn nữa đi, mãi cùng trở nên thợ rèn… “ (trang 252, Làm Đĩ). 

Bài viết là quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[0] Làm Đĩ (1936) – Vũ Trọng Phụng -   Nxb Văn học, Hà Nội, 1996 https://drive.google.com/file/d/0B4sB_YMw4HUkUmFLTklKWmN1c00/view

[1] The Social Animal – David Brook - https://www.amazon.com/Social-Animal-Sources-Character-Achievement/dp/0812979370

[2] What is fake news.  The Guardian.  Tham chiếu https://www.theguardian.com/media/2016/dec/18/what-is-fake-news-pizzagate

[3] Maika Cô bé từ trên trời rơi xuống - https://www.youtube.com/watch?v=e6MvN1DY69k

[4] Theo Mỹ, đây là cách Nga hack cuộc bầu cử TT Mỹ - http://cafef.vn/theo-my-day-la-cach-ma-nga-da-hack-cuoc-bau-cu-tong-thong-my-2016-20161230152557508.chn; Obama strikes back at Russia for Election Hacking - http://www.nytimes.com/2016/12/29/us/politics/russia-election-hacking-sanctions.html?_r=0

[5] Giáo dục Việt Nam vượt trội - http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/di-tim-cau-tra-loi-cho-su-vuot-troi-cua-giao-duc-viet-nam-20160716075033294.htm; http://vietnamvn.net/dau-tu-42-trieu-bang-anh-nghien-cuu-cai-thien-he-thong-giao-duc-viet-nam-20160819.htmlhttp://vietnamvn.net/giao-su-my-ngac-nhien-ve-ket-qua-pisa-cua-viet-nam-20161215.htmlhttp://news.zing.vn/trinh-do-tieng-anh-nguoi-viet-vuot-thai-lan-nhat-ban-post605538.html; Nền kinh tế Việt nam chưa đủ tốt để sử dụng người học toán http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/nen-kinh-te-viet-nam-chua-du-tot-de-su-dung-nguoi-hoc-toan-334421.html

[6] Tiến sỹ mách nước du học không mất 15.000 đô la tư vấn https://capstonevietnam.com/vi/iac/34-tin-tuc-chung/1257-tien-si-mach-nuoc-du-hoc-khong-mat-15000-do-tu-van

[7] Harvard 4.30 sáng - http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/sinh-vien-truong-dai-hoc-harvard-harvard-bon-ruoi-sang-da-lua-bao-nhieu-nguoi-345061.html; 50% học sinh trung học Mỹ không vào đại học http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20161225/50-hoc-sinh-trung-hoc-my-khong-theo-hoc-dai-hoc/1241776.html; Có bằng Harvard nhưng lại chẳng biết gì… http://cafef.vn/anh-chang-co-bang-harvard-nhung-lai-chang-biet-ti-gi-ve-cuoc-doi-ket-qua-la-that-nghiep-den-cua-hang-do-an-nhanh-cung-chang-them-thue-20161212104114022.chn

[8] Đầu tư lấy quốc tịch, chỉ Google sẽ ra được 1.790.000 kết quả, và thông tin quảng cáo ở tất cả các trang báo điện tử và báo in, như Tuổi trẻ có nêu http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/tai-chinh/20150817/dau-tu-tien-ti-de-dinh-cu-nuoc-ngoai-rui-ro-cao/952791.html

[9] Doanh nghiệp mất 2 năm để tẩy sạch… http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/dn-nuoc-ngoai-mat-2-nam-de-tay-sach-nhung-gi-sinh-vien-da-hoc-335497.html

[10] Không chỉ là chuyện thi trắc nghiệm http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Khong-chi-la-chuyen-thi-trac-nghiem--10210; Trình độ tiếng Anh …http://thanhnien.vn/giao-duc/nang-cao-trinh-do-tieng-anh-can-theo-huong-thuc-te-737833.html;

[11] Tiếng Anh của người Việt - http://danviet.vn/tin-tuc/ly-giai-vi-sao-trinh-do-tieng-anh-cua-nguoi-viet-dung-thu-5-chau-a-643884.htmltrong khi hiệu trưởng bảo SV vào học không biết gì về tiếng Anh http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hieu-truong-neu-dich-danh-ba-khuyet-diem-dao-tao-dai-hoc-cua-Bo-Giao-duc-post173520.gd

 [12] Dùng điểm yếu của người Việt để thắng những đối thủ hàng đầu thế giới http://cafef.vn/ceo-viettel-dung-diem-yeu-cua-nguoi-viet-de-thang-nhung-doi-thu-hang-dau-the-gioi-20161229233432347.chn

[13] Tắt đèn – Ngô Tất Tố - 1937

Jenna An