Tôi cho rằng với VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo “không hề nước đôi”!

23/07/2017 07:00
Trinh Phúc
(GDVN) - "Bộ trao quyền cho địa phương “chọn hoặc không” mô hình VNEN, trên cơ sở tự nguyện của các cơ sở giáo dục, của giáo viên, học sinh, phụ huynh… là cần thiết".

LTS: Mô hình dạy học VNEN đưa vào áp dụng dạy học từ năm học 2012 – 2013, cho đến nay đã được nhân rộng trên toàn quốc.

Tuy nhiên, điều đáng bàn mô hình dạy học này vẫn không mang đến sự yên tâm cho phụ huynh học sinh và các thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Mới đây, nhiều địa phương đã tìm cách điều chỉnh kế hoạch thực hiện mô hình VNEN của tỉnh mình như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thậm chí, như Hải Phòng Bí thư thành phố chỉ đạo xem xét dừng VNEN.

Trước những thông tin trên, ngày 19/7, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa và được bà cho rằng, cần thiết phải có một cuộc đánh giá tổng quát về mô hình dạy học này.

Vấn đề triển khai mô hình Trường học mới (VNEN) đã và đang được đặt ra tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân của một số tỉnh, thành phố thời gian qua với nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều, cho rằng không nên triển khai đại trà... Bà có suy nghĩ gì về điều này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh quochoi.vn).

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi hoàn toàn chia sẻ với băn khoăn của các địa phương về việc nên hay không nên triển khai đại trà mô hình VNEN.

Đây là mô hình thử nghiệm nằm trong lộ trình thực hiện mục tiêu đổi mới của ngành Giáo dục nên việc các ý kiến trái chiều nhau: có khen, có chê, có ủng hộ, có băn khoăn… là điều khó tránh.

Xét về mặt tích cực, cũng phải ghi nhận rằng VNEN là một mô hình ưu việt, giúp hình thành môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ.

Học sinh được tạo cơ hội để phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, tinh thần hợp tác, chia sẻ trong nhóm, rèn luyện cách học, cách tư duy.

Tuy nhiên, đó là tính ưu việt trên lý thuyết được đúc rút từ thành công ở quốc gia  Côlômbia và một số nước khác.

Tôi cho rằng với VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo “không hề nước đôi”! ảnh 2Theo Bộ Giáo dục, VNEN đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện

Nhưng thực tế triển khai tại Việt Nam thì có nhiều hạn chế vì mô hình này không phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Việc một số địa phương đã quyết định tạm dừng, một số địa phương đang xem xét, cân nhắc là điều rất cần thiết.

Bởi suy cho cùng, mọi sự đổi mới trong giáo dục đều phải bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh, như vậy mới đáp ứng mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

Một số địa phương chỉ ra hạn chế của VNEN như về cách thức triển khai, thiếu các điều kiện bảo đảm, không phù hợp thực tiễn giáo dục Việt Nam…, vậy đây có phải là biểu hiện của thất bại của VNEN không thưa bà?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi nghĩ cũng chưa thể nói là mô hình thất bại hoàn toàn bởi ở một số địa phương, mô hình VNEN, phương pháp VNEN đang tiếp tục được triển khai và tiếp tục phát huy những điểm tích cực của nó.

Nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là giai đoạn này, bên cạnh một số địa phương đã tạm dừng, nhiều địa phương khác đang thực sự lúng túng trong triển khai thực hiện.

Ngoài những nguyên nhân liên quan tới lộ trình, các bước triển khai triển khai nóng vội;

Chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất, về hệ thống chương trình, sách giáo khoa và tài liệu học tập; lớp học có sĩ số quá đông... tôi nghĩ, có thể xác định thêm một số nguyên nhân khác.

Tôi cho rằng với VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo “không hề nước đôi”! ảnh 3Bộ Giáo dục chủ quan khi triển khai mô hình VNEN, gây bức xúc trong xã hội

Chẳng hạn như về nhận thức, thực tế cho thấy, từ nhà quản lý, đến giáo viên, phụ huynh, dường như chưa thực sự hiểu một cách thấu đáo về mô hình VNEN nên có thể sai lệch trong cách triển khai, cách làm.

Chẳng hạn, việc lý tưởng hóa mô hình này, quán triệt tinh thần "học sinh tự học", "giáo viên chỉ hỗ trợ" một cách máy móc, dẫn tới tình trạng bỏ qua đối tượng học sinh yếu kém, chậm tiếp thu.

Cũng có một phần nguyên nhân từ kiểu tư duy làm dự án; không tính hết các tác động tới đối tượng sau khi kết thúc dự án, nhất là đối với một dự án thử nghiệm như VNEN:

Ví như chưa tạo sự tiếp nối cho học sinh học tiểu học theo mô hình VNEN chuyển tiếp lên học Trung học Cơ sở theo mô hình truyền thống;

Hoặc cách thức đánh giá, thi cử dành cho học sinh vẫn theo mô hình giáo dục truyền thống, chưa có cách thi, đề thi phù hợp với mô hình VNEN nên học sinh VNEN thường bị đánh giá là đuối hơn về mặt kiến thức.

Điều này, đang tạo tâm lý bất an cho phụ huynh khi cho rằng con em mình bị kém do VNEN...

Thêm vào đó, bệnh thành tích khiến cho việc đánh giá mô hình VNEN trong quá trình thực hiện dự án phần nào bị sai lệch;

Mặc dù, mô hình này bộc lộ những hạn chế nhưng để được ghi nhận thành tích, các loại báo cáo tập trung nhiều hơn cho nội dung đánh giá kết quả như "hay", "hiệu quả", "phù hợp", "tốt" mà ít nói về hạn chế.

Một nghịch lý nữa là trong quá trình triển khai dự án, hầu hết chỉ đề cập tới điểm hay, điểm tích cực của VNEN với một tinh thần hết sức lạc quan.

Nhưng khi dự án dừng, những hạn chế của VNEN lại được đề cập tới nhiều và gay gắt. Kết thúc dự án, lần lượt các địa phương tuyên bố dừng, tạm dừng, chuẩn bị dừng… đã cho thấy dự án không bảo đảm tính bền vững như cam kết.

Một mô hình dạy học đưa vào thí điểm từ năm 2012 – 2013, đến nay được áp dụng đại trà nhưng vẫn khiến phụ huynh, học sinh và ngay cả các chuyên gia tranh cãi. Vậy, theo bà, có nên cho tiếp tục triển khai không?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Nên hay không nên trong việc tiếp tục triển khai đại trà mô hình VNEN thì còn tuỳ vào sự lựa chọn của địa phương trên cơ sở điều kiện cụ thể về đội ngũ, cơ sở vật chất.

Tôi cho rằng với VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo “không hề nước đôi”! ảnh 4

Vớt vát cho VNEN, một số nơi đang làm trái chỉ đạo của Bộ trưởng

Đây là tinh thần chung trong chỉ đạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Và như đã chia sẻ ở trên, tôi đồng tình với quan điểm các địa phương trong việc dùng quyền chủ động để lựa chọn phương án tiếp tục hay không tiếp tục mô hình.

Nơi nào không có sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh, giáo viên thì đã tạm dừng. Tuy nhiên, cũng cần xem xét kỹ lưỡng, không nên phủ nhận hoàn toàn mô hình VNEN mà cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng, vận dụng linh hoạt các thành tố tích cực của mô hình.

Và chỉ có thể triển khai đại trà khi mô hình thử nghiệm thành công, được đánh giá, rút kinh nghiệm một cách cẩn trọng; đồng thời các điều kiện bảo đảm về nhân lực, vật lực phải được chuẩn bị kỹ.

Xung quanh VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quan điểm nước đôi là tùy cho các địa phương chọn hoặc không chọn dạy học mô hình này. Bà có bình luận như thế nào về vấn đề này?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi không cho rằng Bộ Giáo dục – Đào tạo “có quan điểm nước đôi” trong xử lý mô hình VNEN.

Việc Bộ trao quyền chủ động cho địa phương “chọn hoặc không chọn” mô hình VNEN, trên cơ sở tự nguyện của các cơ sở giáo dục, của giáo viên, học sinh, phụ huynh… là cần thiết, thể hiện sự cẩn trọng của Bộ.

Đồng thời, cũng có quan điểm mở khi khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện.

Khi áp dụng có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới hoặc áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện, Bộ cần tổ chức nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ và khách quan công tác triển khai mô hình trường học mới.

Phân tích sâu sắc ưu điểm, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, rút kinh nghiệm, so sánh chất lượng giữa mô hình truyền thống với mô hình VNEN.

Đồng thời chắt lọc những ưu điểm của mô hình này để áp dụng những gì phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chân thành cảm ơn bà!

Trinh Phúc