Trách nhiệm "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách đã sớm được gài vào chân Quốc hội?

03/02/2018 07:25
Vũ Thái
(GDVN) - Trách nhiệm về thành bại của “tích hợp” 2, 3 môn vào 1 sách đã được các nhà làm dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tính đến và cài sẵn vào chân Quốc hội?

Xung quanh việc “tích hợp” 2 môn Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý; Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở trong chương trình mới còn nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra mà chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Bởi vậy thành bại của lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa này đang đứng trước những nguy cơ có thật. Vấn đề đặt ra là, nếu lại thất bại lần nữa, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Từ những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng với truyền thông, chúng tôi nhận thấy có những "manh mối" cho thấy quả bóng trách nhiệm đã được ai đó gài sẵn vào "chân" Quốc hội.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.

Ngày 25/10/2017 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi với thầy Nguyễn Minh Thuyết:

Sách giáo khoa của chương trình hiện hành (chương trình 2000) phải mất 3-4 năm thử nghiệm rồi mới đưa vào đại trà mà vẫn còn bất cập;

Vậy với những nội dung và yếu tố lần đầu xuất hiện trong chương trình mới, lấy gì đảm bảo việc áp dụng sách giáo khoa mới sẽ diễn ra thuận lợi?

Giáo sư - Tổng chủ biên đã trả lời rõ ràng:

“Về việc thực nghiệm chương trình thì ngay khi chuẩn bị các văn bản trình Quốc hội để Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo: 

Theo cách thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa hiện hành, có rất nhiều nội dung không khó, không mới vẫn được thực nghiệm, mất nhiều thời gian, công sức mà không tập trung được vào những vấn đề mới, vấn đề khó của chương trình mới. 

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận chỉ thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp dạy học mới, không cần thời gian thực nghiệm đến 3-4 năm. 

Trách nhiệm "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách đã sớm được gài vào chân Quốc hội? ảnh 2

Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn có dạy được Vật lý, Hóa học không? Nếu không, đừng ép

Theo định hướng này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình.

Mục đích thực nghiệm chương trình là để đánh giá tác động của chính sách, tức là tác động của những nội dung mới, phương pháp dạy học mới được đề xuất trong dự thảo chương trình.  

Điều này cũng phù hợp với vị trí của chương trình giáo dục phổ thông.

Bởi vì chương trình giáo dục phổ thông là một văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phải được xây dựng theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có bước đánh giá tác động của chính sách." [1]

Chúng tôi xin lưu ý, chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi chưa giữ vai trò Tổng chủ biên chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới cũng từng thắc mắc như câu hỏi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt ra với ông trong đoạn trích dẫn trên.

"Bộ sách giáo khoa hiện hành được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế. 

Nếu lần này, đề án đổi mới chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc này cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tự thực hiện, tự đánh giá thì khó có thể yên tâm về chất lượng và tính khả thi của những bộ sách giáo khoa đó", thầy Nguyễn Minh Thuyết viết trên VnExpress.

Đó là năm 2014 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã có bài viết "Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa" đăng trên báo điện tử này ngày 10/11.

Giáo sư viết: “Tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (đề án đổi mới). 

Với số tiền dự chi từ ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng, đề án đổi mới không thuộc loại dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Có thể vì vậy mà lần này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng chỉ được giao nhiệm vụ thẩm tra bản dự thảo Nghị quyết của Quốc hội - một văn bản theo lẽ thường, do chính Ủy ban này soạn thảo, chứ không phải thẩm tra đề án mà Chính phủ trình. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tin rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng phù hợp với điều kiện các địa phương. Ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tin rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng phù hợp với điều kiện các địa phương. Ảnh: Báo Điện tử VTV.vn.

Và có lẽ cũng vì vậy mà lần đầu tiên, Quốc hội xem xét một chủ trương quan trọng, liên quan đến hàng chục triệu người (giáo viên, học sinh phổ thông và phụ huynh học sinh) mà không có báo cáo đánh giá tác động kèm theo.

Tôi không bình luận về thủ tục làm việc của Quốc hội nhưng cũng không tập trung vào phân tích câu chữ ở dự thảo Nghị quyết mà xin trao đổi về một số nội dung chính của đề án đổi mới.” [2] 

Mặc dù Giáo sư nói rằng thầy “không bình luận về thủ tục làm việc của Quốc hội”, nhưng chúng tôi có "cảm giác" phần tường thuật của thầy cho thấy có điều gì đó không ổn trong quy trình ra Nghị quyết 88/2014/QH13.

Cảm giác không ổn của chúng tôi là có cơ sở, và được chính thầy Nguyễn Minh Thuyết chỉ rõ. 

Trên báo An ninh Thủ đô ngày 23/4/2014 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân tích cụ thể hơn, rõ ràng hơn:

“Còn về Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng, theo tôi biết, Uỷ ban sẽ không làm báo cáo thẩm tra đề án (Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, người viết chú thích) mà làm báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. 

Chuyện này là chuyện ngược đời. Vì theo quy định, dự thảo Nghị quyết Quốc hội về đề án nói trên phải do chính Uỷ ban này viết.” [4]

Trách nhiệm "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách đã sớm được gài vào chân Quốc hội? ảnh 4

Bộ Giáo dục nên tổ chức "hội nghị đầu bờ" 2 môn tích hợp mới

Theo giải thích của thầy Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội thì dự thảo Nghị quyết 88/2014/QH13 đã được chuẩn bị "ngược quy trình".

Như vậy thì giải thích của thầy Tổng chủ biên về "chỉ thực nghiệm cái mới" liệu có thuyết phục?

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận chỉ thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp dạy học mới, không cần thời gian thực nghiệm đến 3-4 năm." 

Nói về lý, Nghị quyết 88/2014/QH13 là do Quốc hội ban hành.

Nhưng nói về quy trình, dự thảo nghị quyết này lẽ ra do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng chuẩn bị, nhưng thực tế Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị, liệu có dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi nhưng lại thoát được trách nhiệm nếu có "sơ sảy" gì?

Phần chỉ “thực nghiệm” cái mới của chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư Tổng chủ biên đã nói phía trên. Ở đây chúng tôi xin dẫn lại phần nội dung Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về “tích hợp”:

“3. Về nội dung đổi mới

...c) Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp;

Tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. 

Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp;

Mỗi lần thay sách giáo khoa là một lần tốn kém rất lớn cho ngân sách lẫn túi tiền cha mẹ học sinh, mong các nhà hoạch định chính sách giáo dục lưu tâm. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Mỗi lần thay sách giáo khoa là một lần tốn kém rất lớn cho ngân sách lẫn túi tiền cha mẹ học sinh, mong các nhà hoạch định chính sách giáo dục lưu tâm. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. 

Ở cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ;” [3]

Như vậy phải chăng quả bóng trách nhiệm về thành bại của “tích hợp” 2, 3 môn vào 1 sách đã được các nhà làm dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tính đến và cài sẵn vào chân Quốc hội?

Để một mai có vấn đề gì, hỏi đến trách nhiệm thì những người làm dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa lại chỉ sang Quốc hội, thế là hòa cả làng?

Phải chăng đây chính là lý do dẫn đến thực trạng mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã từng cảnh báo từ năm 2014 khi đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa dự chi 34 ngàn tỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra xin ý kiến dư luận:

“Cá nhân lãnh đạo có thể thay đổi nhưng quản lý nhà nước là liên tục. Mình xây dựng đề án 10 năm chẳng hạn, thì các thế hệ lãnh đạo khác nhau vào gánh vác kế tục thôi. 

Cũng không có cách nào khác, người chịu trách nhiệm là cả người đề xuất đề án lẫn người kế tục. Bởi người kế tục nếu thấy không ổn thì sẽ phải điều chỉnh. 

Tuy nhiên, ở nước mình trước nay chả mấy ai phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai cả, ngay cả ông đương nhiệm còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!” [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Moi-truong-se-co-quyen-chon-rieng-bo-sach-giao-khoa-post180673.gd

[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html

[3]http://www.bacgiang.gov.vn/van-ban/6423/Sao-luc-Nghi-quyet-so-88/2014/QH13-cua-Quoc-hoi-ve-doi-moi-chuong-trinh,-sach-giao-khoa-giao-duc-pho-thong.html

[4]http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/se-co-nhieu-de-an-34-nghin-ty-dong-nua/547764.antd

Vũ Thái