Trẻ em Mường Bám (Sơn La) mong đổi đời nhờ con chữ

30/06/2013 06:30
Diệp Hương
(GDVN) - Nhà cách xa trường học nên các em học sinh trường tiểu học Mường Bám I, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La phải ở trọ trong 3 ngôi nhà bán trú được bà con dân bản dựng.

Gần 100 em học sinh  ở trong 3 ngôi nhà nội trú. Mỗi em được chia hơn 1m vuông giường vừa để ngủ, để học, để ăn và để sống. Khó khăn là vậy nhưng trẻ con nơi đây vẫn ngày ngày cắp sách tới trường học chữ, với niềm hy vọng vào cuộc sống tương lai tốt đẹp.

Gian nan đường học chữ

Muốn đến xã Mường Bám phải qua chặng đường khá xa. Từ trung tâm huyện Thuận Châu đến xã Mường Bám mất gần 90 cây số đường dốc núi hiểm trở, mùa này, mây mù bọc trắng núi và lối đi. Đường đến Mường Bám như dài thêm ra sau mỗi con dốc, khúc cua.

Đường lên vắng vẻ, heo hút giữa một bên là rừng, một bên là vực. Có chặng dài đến 4 – 5 km nhưng mỏi mắt không tìm thấy một làn khói bếp. Nếu không phải là dốc đá cao dựng đứng thì là ổ voi, ổ gà đường cứ thế trải ra, thách thức sức khoẻ, sự kiên trì và cẩn trọng của những ai muốn vượt qua.

Suối Nậm Húa, con suối vào xã Mường Bám. nơi hàng ngày học sinh vẫn phải đi qua đây. Ảnh Diệp Hương
Suối Nậm Húa, con suối vào xã Mường Bám. nơi hàng ngày học sinh vẫn phải đi qua đây. Ảnh Diệp Hương

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ xuất phát từ trung tâm huyện, hai cánh tay giờ đã tê mỏi, chúng tôi mới đến được trung tâm xã Mường Bám. Đứng trên đỉnh con dốc vào xã, bản làng người Thái, người Mông hiện ra trước mắt trong cảnh sắc của những ngày đầu hạ hanh hao nắng nhuộm vàng cả một góc rừng. Nơi đây, chuyện học chữ của bọn trẻ là cả một câu chuyện dài.

Mùa này, đến được Mường Bám đỡ vất vả. Con suối Nậm Húa đến xã, vào mùa nước cạn nên xe máy có thể lội qua được. Mùa mưa nước lũ, hầu như bà con trong xã không thể vượt qua con suối này.

Theo ông Cà Văn Phanh,chủ tịch xã Mường Bám, xã hiện có 1.574 hộ dân với 8.437 nhân khẩu. Đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái, Khơ Mú, H’Mông. Trước đây, cái bụng chưa no, nên người dân cũng chưa dám nghĩ đến chuyện cho con cái học hành đầy đủ. Những ngày đầu khi có trường, có lớp, có thầy cô đến tận nhà vận động trẻ đi học.

Bọn trẻ rất mừng vì được đi học chữ nhưng rồi cũng thưa vắng dần. Bởi chúng thường bỏ học để lên nương rẫy trồng ngô, trồng lúa với người lớn, mong được no cái bụng. Khi ấy, đối với người dân nơi đây, chuyện làm đầy cái bụng đã khó, nói gì đến chuyện học chữ. Mặc dù trong lòng họ rất muốn con em mình được đến trường.

Nhà ở nội trú của các em học sinh còn rất tạm bợ. Ảnh Diệp Hương
Nhà ở nội trú của các em học sinh còn rất tạm bợ. Ảnh Diệp Hương

Những ngày giáp hạt, học sinh bỏ học nhiều. Không biết làm cách nào, các thầy cô báo cáo ban giám hiệu, báo xã, xã kêu gọi ra huyện để có những nguồn tài trợ động viên các em xuống núi học chữ. Nhờ các nguồn tài trợ, các thầy cô cắm bản phải lặn lội đi tới từng nhà để động viên học trò, đưa các em xuống núi học chữ.

Trường học ở Mường Bám ban đầu được dựng bằng tranh, tre, nứa hết sức tạm bợ và đơn sơ. Những ngày mùa đông giá rét, học sinh đến lớp chân đất, áo phong phanh, môi tím bầm. Lớp học đơn sơ, chỗ ở của thầy cô cắm bản càng thiếu thốn hơn. Không có điện, không có nhà xây. Nước dành cho sinh hoạt hằng ngày của thầy cô chủ yếu là nước suối, thức ăn chủ yếu là thực phẩm dự trữ hàng tháng trời, ít khi có được bữa ăn tươi.

Mong có chữ để đổi đời

Từ năm 2010 trường tiểu học Mường Bám I, được xây dựng bằng ngân sách nhà nước khang trang, đẹp đẽ. Người dân, học sinh và thầy cô ở Mường Bám mừng lắm. Đến giờ khó khăn vẫn chưa hết, nhưng nhà trường đã mở lớp cắm bản để trẻ em học chữ được thuận lợi.

Theo cô giáo Đoàn Thị Lâm hiệu trưởng nhà trường, trường hiện có 30 cán bộ giáo viên, trong đó 23 giáo viên đứng lớp với 570 học sinh. Trường có 20% học sinh phải ở bán trú. Các học sinh ở bán trú là học sinh từ lớp 3 đến lớp 5. Trường có 3 điểm cắm bản là Nà Làn cách trường trung tâm 3km, điểm trường Nậm Ún và Căm cặn cách trung tâm 10km.

3 nhà bán trú của trường có một nhà đã được xây bằng bê tông, 2 nhà dựng bằng tre. Cô Lâm, trăn trở “Phải thấy cảnh các em học sinh co ro trong cái lạnh mùa đông trong những ngôi nhà vách tre mùa đông mới hiểu. Nhìn các em học sinh phải ở trong 2  nhà nội trú thương lắm, tôi đang tìm mọi nguồn tài trợ cùng với bò con dân bản cố gắng xây bê tông hóa 2 ngôi nhà nội trú còn lại vào mùa đông năm sau”.

Từ khi lên lớp 3, hai em Lò Thị Hà học sinh lớp 2A và Quàng Thị Nấng học sinh lớp 2B đã biết tự nấu cơm và tự lo cho mọi sinh hoạt của bản thân. Ảnh Diệp Hương
Từ khi lên lớp 3, hai em Lò Thị Hà học sinh lớp 2A và Quàng Thị Nấng học sinh lớp 2B đã biết tự nấu cơm và tự lo cho mọi sinh hoạt của bản thân. Ảnh Diệp Hương

Các em học sinh ở bán trú được hỗ trợ hơn 500 nghìn tiền ăn mỗi tháng, nhưng hầu hết số tiền ấy khi đưa về gia đình còn dùng để trang trải sinh hoạt của cả nhà. Bữa cơm của các em chủ yếu là cơm trắng với muối.

Cô Lâm, chia sẻ “Đến Mường Bám, cái gì cũng thiếu thốn nhưng vì thương học trò, mong các em có được cái chữ để "làm sáng" bản vùng cao nên thầy cô dành trọn tình yêu thương ấy vào bài học, vào những chuyến ngược đỉnh núi vận động học trò”.

Qua nhiều đợt tuyên truyền, được sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống người dân Mường Bám dần dần khởi sắc. Người dân đã bỏ những tập quán lạc hậu về canh tác cũng như đời sống văn hóa. Họ chăm chỉ làm ăn và tận dụng tối đa diện tích Nhà nước phân cho để trồng ngô, trồng lúa, sắn và chăn nuôi gia súc.

 Cuộc sống của người dân các bản người Mông, người Thái thêm no đủ. Cũng từ đó, màu xanh của ngô, của cao su, tiếng kêu của trâu, bò, ngựa như báo hiệu cuộc sống mới nơi đỉnh trời này. Xen trong thảm rừng, đã xuất hiện ngày càng nhiều những mái nhà gỗ kiên cố lợp blo xi măng, mái ngói.

Có của ăn của để, người dân Mường Bám quan tâm nhiều hơn tới chuyện học chữ của con em. Với họ, có chữ sẽ có cơ hội để “đổi đời”, con  cháu họ sẽ thành công dân tốt cho bản, cho xã. Chuyện bọn trẻ trốn lên núi, bỏ học không còn nữa.

Theo ông chủ tịch xã, trước đây cuộc sống khó khăn, mơ cũng không có trường lớp khang trang, nên giờ có điều kiện tốt các con ông đều được đến trường. Có lớp, có sự tuyên truyền vận động, người dân Mường Bám dù vẫn còn nhiều khó khăn song gần 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến lớp. Khi hết bậc tiểu học và trung học cơ sở các em “khăn gói” mang gạo, mang rau, mang lạc xuống núi hơn 20 cây số để học cấp 3 và xa hơn nữa là, cao đẳng, đại học.

Diệp Hương