Triết lý giáo dục của Mỹ

04/06/2017 07:28
Bài và ảnh: Thu Hồng
(GDVN) - Học sinh đi học không để mang lại vinh quang cho trường và các thày cô, không học vì trường, mà học cho mình.

LTS: Trao đổi về triết lý giáo dục, cô giáo Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học tại Hoa Kỳ cho biết, triết lý giáo dục ở quốc gia này thể hiện qua tầm nhìn hay nhiệm vụ của từng trường hoặc quận đề ra.

Cô Hồng cũng chỉ ra một số điểm chung trong mục đích mà các trường học tại Hoa Kỳ hướng đến.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ở Mỹ, triết lý giáo dục không hề chung chung và cao xa mà mang tính cụ thể, xuất phát từ bản thân học sinh và nhu cầu của địa phương, của xã hội.

Học sinh đi học không để mang lại vinh quang cho trường và các thày cô, không học vì trường, mà học cho mình. 

Triết lý giáo dục ở Mỹ thể hiện qua tầm nhìn (vision) và nhiệm vụ (mission) của từng trường hay quận đề ra. 

Ở Mỹ, trường nào, cụm trường/quận (school district) nào cũng có nêu cực kỳ rõ ràng những tầm nhìn và nhiệm vụ, niềm tin cụ thể cho trường hay quận của mình. 

Từ tầm nhìn và nhiệm vụ đó thì những kế hoạch hành động mới được ra đời và phát triển cụ thể. Vì triết lý sẽ quyết định toàn bộ hành động tiếp theo. 

Thu Hồng lấy ví dụ 3 school district, trong đó 2 ở những tiểu bang phía Đông Nam của Mỹ (Clayton County School District, Gwinnett School District đều thuộc tiểu bang Georgia) và 1 ở vùng Đông Bắc (Fairfax County School District, thuộc tiểu bang Virginia). 

Tầm nhìn và nhiệm vụ của trường Clayton.
Tầm nhìn và nhiệm vụ của trường Clayton.

Những nội dung về tầm nhìn (vision) và nhiệm vụ (mission) đều có thể dễ dàng tìm thấy ở trang web của từng trường hay từng school district/quận.

Tựu trung, lời lẽ ở các nơi có thể khác nhau đôi chút nhưng đều nói đến mục tiêu đào tạo ra những công dân: 

- Có khả năng cạnh tranh toàn cầu
- Đủ sẵn sàng để học đại học hoặc lập nghiệp (college and career ready) 
- Đủ kỹ năng hoàn thành những mục tiêu cá nhân và như cầu của địa phương /đất nước /khu vực 
- Sống có trách nhiệm, mạnh khỏe và thành công

Những tầm nhìn và nhiệm vụ này được quán triệt và phổ quát tới mức: 

- In ra ở trên các ấn phẩm của trường như sổ tay/cẩm nang học sinh sinh viên (Student handbook), bản tin (Newsletter). 

- Cuộc họp trường hay quận nào, từ họp thường niên đến họp tổng kết hay họp khẩn cấp, cũng được mở đầu bằng việc đọc hay xem lại những tuyên bố về tầm nhìn (vision) và nhiệm vụ (mission) này. 

- Tất cả các cuộc tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và hành chính đều xoay quanh những tầm nhìn và nhiệm vụ này. 

- Cả lễ tổng kết trao bằng khen cuối năm cho học sinh, học sinh cũng phải biết, được nghe và nhắc lại được những tầm nhìn và nhiệm vụ của trường, của quận.

- Từ góc độ của phụ huynh, việc trường của con em mình có tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng giúp cho phụ huynh và bản thân các em học sinh trả lời được câu hỏi "Học để làm gì?"

Ở Mỹ, triết lý giáo dục không hề chung chung và cao xa mà mang tính cụ thể, xuất phát từ bản thân học sinh và nhu cầu của địa phương, của xã hội.
Ở Mỹ, triết lý giáo dục không hề chung chung và cao xa mà mang tính cụ thể, xuất phát từ bản thân học sinh và nhu cầu của địa phương, của xã hội.

Sinh viên ngành sư phạm ngay từ lúc chuẩn bị tốt nghiệp, trong bộ hồ sơ tốt nghiệp phải thảo sẵn, viết, trình bày suy nghĩ của mình về triết lý giáo dục (Philosophy of education). 

Nếu không trình bày hay xác định được triết lý của mình thì coi như chưa sẵn sàng để ra nghề, tức là đi làm giáo viên, đi dạy học. 

Đây chính là điều kiện cần đầu tiên vì nếu sinh viên có một triết lý, tức là ít nhất có một nhận thức căn bản về nghề nghiệp, nhiệm vụ của người làm nghề.

Tất nhiên triết lý của những sinh viên ngành sư phạm hay pre-service teachers này về sau sẽ thay đổi nhiều, phụ thuộc vào kinh nghiệm đi làm và môi trường làm việc sau này. 

Vì khi đã trở thành giáo viên ở trường nào đó thì chắc chắn có chung quan điểm và tầm nhìn của trường nơi mình dạy.

Thế nên khi nộp hồ sơ xin việc, các ứng viên cũng hay phải trả lời về triết lý giáo dục cho nhà tuyển dụng. 

Bản thân người viết cũng đã phải viết về triết lý giáo dục cách đây 6 năm khi ra trường (trường Đại học Stockton, thuộc tiểu bang New Jersey). 

Trong đó, có trích dẫn câu của Bác Hồ "Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người". Dạy học phải có tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Từ đó mới có thể chăm cho từng cây, từng người mạnh giỏi.

Bài và ảnh: Thu Hồng