Trò chuyện với Giáo sư nghỉ hưu được nghìn người rơi nước mắt chào tạm biệt

05/10/2017 11:38
Vũ Phương
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Anh Trí chia sẻ, sau khi nghỉ hưu việc quan trọng nhất với ông là hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội và tiếp tục làm thiện nguyện.

Những ngày qua hình ảnh xúc động về lễ chia tay Giáo sư Nguyễn Anh Trí tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã có hàng vạn lượt chia sẻ và bình luận trên các mạng xã hội.

Người ta nói về ông bằng cả một sự trân trọng, cảm phục, dù chưa từng gặp ông một lần nào.

Buổi chia tay trong nước mắt, hàng ngàn người mắt đỏ hoe lặng im đứng vẫy tay chào, không ít cán bộ y bác sỹ không giấu được cảm xúc đã ôm Giáo sư Trí khóc nức nở khi sắp phải chia tay người thầy, người đồng nghiệp đồng cam cộng khổ nhiều năm trời.

Rất nhiều bệnh nhân điều trị tại Viện có mặt tại buổi lễ chia tay đều rưng rưng, và cũng rất nhiều bệnh nhi đầu trọc lóc vì xạ trị chạy lại ôm và gọi “ông Trí”.

Nhiều người tự hỏi: Vì sao Giáo sư Nguyễn Anh Trí được tập thể cán bộ, nhân viên và bệnh nhân yêu quý như vậy?

Thì ra câu trả lời rất đơn giản (dù không phải ai cũng làm được): Giáo sư Nguyễn Anh Trí coi bệnh viện như chính ngôi nhà của mình và những bệnh nhân là người nhà, ruột thịt của mình.

Nhiều năm qua ông cố gắng truyền thông điệp đó đến với các cán bộ y tế của Viện để người bệnh yên tâm điều trị và được chăm sóc tốt nhất.

Từ 1/10/2017, Giáo sư Nguyễn Anh Trí chính thức không còn làm Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để nghỉ hưu theo chế độ.

Sau ít ngày Giáo sư Nguyễn Anh Trí nghỉ hưu, nhiều cán bộ y tế tại Viện vẫn ngồi lại để kể về hơn 30 năm cống hiến không biết mệt mỏi, sự tận tâm trong công việc, lòng nhân ái, độ lượng, ân cần của ông với bệnh nhân, ngay cả những người quét rác, bảo vệ ông cũng rất tôn trọng.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết, nghỉ hưu có thời gian hơn để tập trung cho công việc của một Đại biểu Quốc hội, phải xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân. Ảnh: Trịnh Hải.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho biết, nghỉ hưu có thời gian hơn để tập trung cho công việc của một Đại biểu Quốc hội, phải xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, nhân dân. Ảnh: Trịnh Hải. 

Tối 3/10, ít ngày sau khi nghỉ hưu, Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã có những giây phút trải lòng về những dự định sắp tới.

Ông nhớ lại: "Buổi chia tay hôm ấy khiến tôi rất xúc động, được đồng nghiệp, bệnh nhân quý mến thực sự là vinh dự rất lớn. Nhưng thực ra thì ở Viện chúng tôi, mọi người vẫn luôn đối xử với nhau như vậy, nên cũng không phải hiện tượng lạ gì cả".

Dù vậy, ai cũng hiểu rằng, ông đang rất khiêm nhường, bởi vì khi còn đương chức thì người ta có thể sợ, có thể vì lợi ích riêng mà nịnh nọt nhau. Nhưng khi đã nghỉ hưu (tức là không còn quyền lực) mà vẫn được cả nghìn người yêu quý, bật khóc khi tạm biệt thì đó mới chính là điều chân quý.

Giáo sư Trí nhớ lại buổi chia tay hôm ấy có một việc khiến ông nhớ mãi: "Lúc tôi vẫy tay chào mọi người trước khi lên xe thì bất ngờ có 5 cháu nhỏ bị bệnh chạy lại gọi “ông Trí, ông Trí” mà cảm động không cầm được nước mắt.

Rời khỏi Viện mà thấy lòng nặng trĩu, đúng lúc đó trời lại đổ mưa càng khiến mình buồn hơn. Không buồn sao được khi mà Viện như nhà của mình, mấy chục năm trời gắn bó, làm việc, san sẻ cùng đồng nghiệp, anh chị em biết bao vui, buồn, biết bao khó nhọc”.  

Hình ảnh xúc động bệnh nhân ôm Giáo sư Trí khóc chia tay ông nghỉ hưu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: nihbt.
Hình ảnh xúc động bệnh nhân ôm Giáo sư Trí khóc chia tay ông nghỉ hưu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: nihbt. 

Giáo sư Nguyễn Anh Trí chia sẻ, mấy ngày qua, ông nhận liên tục tin nhắn của bạn bè và của rất nhiều người dân gửi qua zalo, facebook bày tỏ tình cảm, động viên tiếp tục cống hiến ở phương diện chuyên môn và với tư cách của một Đại biểu Quốc hội.

Giáo sư Trí chia sẻ: “Tôi rất buồn vì từ nay trở đi mình phải rời xa đơn vị, tập thể đầy tình người, đồng lòng, đoàn kết. Tập thể đó đã giúp tôi thành công, có được như ngày hôm nay.

Trong bài phát biểu từ nhiệm, tôi đã nói là tôi mãn nguyện với tất cả, với những điều mình làm được và những giá trị mà tập thể đạt được trong thời gian qua.

Để có thành tích của cá nhân tôi và tập thể, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những bệnh nhân, những người tôi luôn coi họ như người nhà của mình”.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí hiến máu lần thứ 21 hưởng ứng ngày hội hiến máu. Ảnh: NVCC.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí hiến máu lần thứ 21 hưởng ứng ngày hội hiến máu. Ảnh: NVCC. 

Chia sẻ về những dự định, công việc sau khi nghỉ hưu, Giáo sư Nguyễn Anh Trí vui vẻ cho biết: “Tôi sẽ dành thời gian tập trung vào trách nhiệm của một Đại biểu Quốc hội, làm tốt nhất những gì có thể để đáp lại sự tin tưởng của cử tri, nhân dân.

Điều tôi trăn trở và phát biểu tại nghị trường chính là về công tác cán bộ, bổ nhiệm người tài, có tâm và tầm, dù ở miền quê nào trên đất nước này cũng phải tìm bằng được người tài. Đó là hồng phúc của đất nước, dân tộc. Còn nếu chọn người không xứng đáng sẽ là thảm họa của đất nước”.

Trò chuyện với Giáo sư nghỉ hưu được nghìn người rơi nước mắt chào tạm biệt ảnh 4

Nghìn người vẫy tay chào Giáo sư Nguyễn Anh Trí trong nước mắt

Giáo sư Nguyễn Anh Trí cũng tiết lộ, ông sẽ góp sức xây dựng công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam (Hòa Bình).

"Tôi đã đưa ra ý tưởng, định hướng phát triển. Hiện, công viên di sản đã có tư liệu, vật thể, phi vật thể và thành tựu của hàng ngàn các nhà khoa học là các Giáo sư đầu ngành.

Bên cạnh đó, tôi vẫn còn làm rất nhiều đề tài lớn về tế bào gốc, đề tài cấp Nhà nước, hướng dẫn khá nhiều luận án tiến sĩ và tiếp tục dành gian cho việc nghiên cứu và làm việc tại bệnh viện Medlatec”, Giáo sư Trí chia sẻ.

Được biết, Giáo sư Nguyễn Anh Trí còn làm thơ, sáng tác nhạc rất hay. Chia sẻ sở thích, đam mê này, Giáo sư vui vẻ cho biết: “Tôi vẫn tiếp tục làm thơ, viết nhạc. Tôi đã sáng tác 7 ca khúc và sắp tới sẽ có ca sĩ hát các tác phẩm của tôi”.

Điều khiến Giáo sư đầu ngành về huyết học và truyền máu băn khoăn và lo lắng đó chính là bệnh về máu ngày càng tăng, một phần đặc điểm của đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, tập trung làm kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường, khí hậu.

Nhận thức được điều đó, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cũng như tập thể Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đang ngày đêm dốc sức, làm hết khả năng cứu chữa, tận tụy phục vụ bệnh nhân tốt nhất đúng nghĩa “lương y như từ mẫu”.

Vũ Phương