Trung Quốc có thể đưa phóng viên quốc tế trái phép ra Hoàng Sa, Trường Sa

07/04/2016 07:14
Đông Bình
(GDVN) - Trước khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Trung Quốc có thể tổ chức hoạt động này vào tháng 5/2016 bay từ đảo Hải Nam tới đảo Phú Lâm hoặc đá Chữ Thập.

Chinatimes Đài Loan ngày 6/4 cho rằng, để tiến hành cuộc chiến dư luận trên quốc tế, trước khi Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang có kế hoạch tổ chức (bất hợp pháp) một đoàn phóng viên quốc tế đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) để tham quan.

Đồng thời Bắc Kinh tuyên bố mở (trái phép) tuyến đường hàng không dân dụng từ Hải Nam đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa nhằm mục đích khẳng định “chủ quyền”.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhìn từ trên cao, ảnh nguồn: Tân Hoa Xã
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhìn từ trên cao, ảnh nguồn: Tân Hoa Xã

Hiện nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị, sớm nhất là vào tháng 5/2016 sẽ triển khai. Khi đó, đoàn phóng viên nước ngoài sẽ ngồi máy bay dân dụng từ Hải Nam bay tới đảo Phú Lâm.

Nhưng có quan điểm cho rằng, Trung Quốc có thể tổ chức cho phóng viên quốc tế đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Trong thời gian tổ chức “Lưỡng hội” năm nay, Trung Quốc ám chỉ rằng, sẽ cân nhắc tổ chức (trái phép) cho phóng viên nước ngoài tham quan các đảo đá ở Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 7/4 đưa tin, nhân viên Trung tâm Thông tin của cái gọi là “thành phố Tam Sa” cho biết, anh ta đã thấy được thông tin liên quan trên mạng, nhưng chưa nghe thấy có việc tổ chức cho phóng viên quốc tế đến đảo Phú Lâm.

Nhân viên này nói, nếu phóng viên nước ngoài đến thăm quan đảo Phú Lâm thì phải “xin phép” Ban tuyên truyền Tỉnh ủy Hải Nam. Nhưng, đến nay, “vẫn chưa có phóng viên nước ngoài thông qua kênh này để đăng ký ra thăm đảo”.

Ngày 6/4, 5 hãng tin các nước phương Tây thường trú ở Bắc Kinh cùng các phóng viên của hãng tin Kyodo Nhật Bản và 1 phóng viên Hồng Kông đều cho biết là chưa nghe thấy có thông tin này và cũng chưa thấy có “lời mời” nào.

Như vậy, nếu Trung Quốc có tổ chức hoạt động này thì chính việc “mời”, “đăng ký”, “xin phép”… chính quyền Trung Quốc đã thể hiện rõ Trung Quốc có ý đồ lợi dụng các cá nhân và tổ chức nước ngoài để phục vụ cho âm mưu đen tối – khẳng định “chủ quyền” phi pháp của họ - PV.

Hình ảnh đá Chữ Thập ngày 19/11/2015, nguồn: mạng Người quan sát Trung Quốc
Hình ảnh đá Chữ Thập ngày 19/11/2015, nguồn: mạng Người quan sát Trung Quốc

Ngoài ra, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, ngày 5/4, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cũng đã tổ chức khánh thành ngọn hải đăng mà nước này xây dựng (bất hợp pháp) ở đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Trung Quốc bắt đầu xây dựng trái phép ngọn hải đăng này từ tháng 10/2015, cao 55 m, đèn có đường kính 4,5 m, lắp bệ xoay cỡ lớn, sử dụng thiết bị đầu cuối điều khiển từ xa của hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu để tiến hành theo dõi, giám sát tầm xa.

Ngọn hải đăng này sẽ phát sáng vào ban đêm, ánh sáng vươn xa tới 22 hải lý, chu kỳ là 5 giây. Trung Quốc nói rằng, ngọn hải đăng này có tác dụng giúp cho các tàu thuyền qua lại tránh va chạm vào đá ngầm và cứu ngư dân lạc đường.

Nhưng, trên thực tế, việc xây dựng ngọn hải đăng này chính là để Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” bất hợp pháp. Theo hãng tin AFP Pháp, thông qua xây dựng hải đăng, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện (bất hợp pháp) ở Biển Đông.

Đông Bình