Trung Quốc nên tôn trọng Singapore

07/10/2016 06:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Sẵn sàng lắng nghe các nước láng giềng nhỏ hơn và có sự điều chỉnh cách tiếp cận sẽ chỉ làm cho Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.

The Straits Times ngày 7/10 dịch đăng bài bình luận của tác giả Chu Phong - Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Biển Đông, Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế Đại học Nam Kinh, Trung Quốc đăng trên The Financial Times bản tiếng Hán ngày 4/10 về quan hệ Singapore - Trung Quốc.

Theo ông Phong, lập trường của Trung Quốc về Biển Đông phải có khả năng chịu đựng được các thử nghiệm từ Singapore, bởi quốc đảo này không có khả năng và cũng không có ý định làm tổn thương Trung Quốc.

Sẵn sàng lắng nghe các nước láng giềng nhỏ hơn và có sự điều chỉnh cách tiếp cận sẽ chỉ làm cho Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn. 

Những bình luận này xuất hiện sau cuộc khẩu chiến gần đây giữa Đại sứ Singapore Stanley Loh và Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến.

Ông Phong cho rằng, một số người có lẽ đã quá hẹp hòi và thiên vị trong thế giới quan của họ khi truyền thông Trung Quốc kêu gọi một cuộc thập tự chinh trừng phạt Singapore. Chu Phong lập luận:

Thứ nhất, Singapore là nhà phê phán chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Chính sách của Singapore về Biển Đông là gì? Thực sự quốc đảo này là một nhà phê phán chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là sự thật. Nhưng Singapore là một nhà phê bình khá dè dặt.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Singapore nhấn mạnh lập trường nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế khi nói đến việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Họ không đề cập đến sự phát triển lịch sử về chủ quyền ở Biển Đông và các sự kiện lịch sử Trung Quốc là người đầu tiên đưa ra yêu sách lãnh thổ với các đảo ở Biển Đông.

Là láng giềng của Trung Quốc ở châu Á, Singapore tuyên bố trung lập trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, mà chỉ duy trì lập trường thượng tôn pháp luật chứ không phải lịch sử ở Biển Đông.

Như thế là Singapore đang công bằng với Trung Quốc.

Thứ hai, Singapore lo lắng trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Mối quan tâm của Singapore về Trung Quốc khi nói đến Biển Đông chủ yếu phản ánh những đặc điểm của phương Tây. Không ai nghi ngờ Singapore là quốc gia "Tây hóa" nhất Đông Nam Á.

Mối quan tâm này phản ánh chính sách đối ngoại truyền thống cân bằng quan hệ Đông - Tây của Singapore. Chính sách này không thay đổi từ thời Thủ tướng Lý Quang Diệu, ông Goh Chok Tong và bây giờ là Lý Hiển Long.

Điều này không đại diện cho giá trị và lợi ích của phương Tây để xem xét và giải thích các vấn đề của phương Đông. Cách tiếp cận của Singapore là do lịch sử, chiến lược và môi trường địa chính trị quyết định.

Thứ ba, Singapore là "người hợp tác" trong chính sách của Trung Quốc với Biển Đông

Cho dù lập trường của Singapore về vấn đề Biển Đông là đứng về phương Tây, nhưng cần hiểu rõ rằng quan điểm của hai phía Đông (Trung Quốc) hay Tây (Hoa Kỳ) cần được dung hòa, đó là lợi ích của Singapore.

Để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của Singapore, ổn định ở Biển Đông phải được duy trì. Có nghĩa là phải có sự phối hợp giữa các bên khác nhau, đặc biệt là hợp tác với Trung Quốc.

Trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo và hàng hải ở Biển Đông, nhưng Singapore lựa chọn Mỹ trong chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Singapore là một đồng minh quân sự của Mỹ, cho tàu chiến Mỹ đóng tại cảng Changi. Máy bay trinh sát P-8 của hải quân Mỹ được triển khai tại căn cứ không quân Paya Lebar để giảm sát Biển Đông.

Từ lâu, Singapore đã có ý thức giữ khoảng cách với Trung Quốc trong cả hai lĩnh vực, đối ngoại và quốc phòng. 

Vì thế trong ngắn hạn, các phương tiện truyền thông và công chúng Trung Quốc không cần nuôi dưỡng ảo tưởng về chính sách Biển Đông của Singapore và chiến lược ngoại giao đằng sau nó.

Không thể thay đổi lập trường của Singapore bằng ép buộc, phải tìm đường vòng sau hậu trường

Sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng Trung Quốc có thể buộc Singapore thay đổi chọn bên bằng các cuộc tấn công. Trừng phạt Singapore chỉ gây tác dụng ngược.

Trung Quốc nên tôn trọng Singapore ảnh 2

Thủ tướng Singapore: Không thể để luật rừng thay luật pháp ở Biển Đông

(GDVN) - Nếu không có quy tắc quốc tế về pháp luật mà chỉ là luật rừng, những nước lớn sẽ làm những gì họ muốn, còn những nước nhỏ yếu phải chịu.

Quan trọng là làm sao có thể gây ảnh hưởng đến suy nghĩ của giới hoạch định chính sách Singapore từ phía sau hậu trường, để quốc gia này cảm thông và hiểu chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông nhiều hơn.

Để làm được việc này, không nên đả kích bất kỳ ai khi họ nói những điều Trung Quốc không muốn nghe. Bắc Kinh cũng không nên trả đũa hoặc trừng phạt bất kỳ ai không đồng ý, không muốn làm theo mong muốn của Trung Quốc.

Giáo sư Evelyn Goh người Singapore nghiên cứu chính sách chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia nói với The  Economist gần đây rằng:

Nếu Trung Quốc duy trì một phương pháp khoan hồng về phía ngoại vi, sẽ không chỉ thúc đẩy hoặc mở rộng các mối quan hệ cùng thắng về kinh tế, mà các nước châu Á sẽ thực sự chào đón sự trở lại của hoàng đế. 

Chu Phong nói ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến này của Evelyn Goh.

The Straits Times lưu ý, Singapore không phải đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Australia và Philippines như Chu Phong đề cập. Thay vào đó, Singapore là đối tác an ninh chính của Mỹ. [1]

Vài lời nhận xét

Bài viết của Chu Phong có thể cho thấy một cách tiếp cận mềm dẻo, khôn khéo hơn với quan hệ Trung Quốc - Singapore sau những căng thẳng liên quan đến Biển Đông.

Tuy nhiên đó chỉ là sự khác biệt về phương tiện, chứ mục đích độc chiếm Biển Đông bằng chiêu bài "lịch sử" phản khoa học, đi ngược lại luật pháp quốc tế của chính phủ Trung Quốc vẫn được ông Phong kế thừa trọn vẹn.

Cách tiếp cận của ông Phong bề ngoài có vẻ mềm dẻo, nhưng khi đích đến vẫn chỉ là để châu Á "chào đón sự trở lại của hoàng đế", thì đó vẫn chỉ là cách nói khác của tham vọng tái lập quan hệ thiên tử - chư hầu khi xưa bằng cách tiếp cận mềm hơn mà thôi.

Kêu gọi của ông Phong rằng Trung Quốc không nên đả kích bất kỳ ai khi họ nói những điều Bắc Kinh không muốn nghe, không nên trả đũa hoặc trừng phạt bất kỳ ai không đồng quan điểm, không làm theo Trung Quốc có lẽ vẫn chỉ là một tiếng nói văn minh hiếm hoi.

Bài viết của Chu Phong có thể là một động thái xoa dịu căng thẳng sau những cú đấm của một số phần tử "diều hâu" nhằm vào quốc đảo này. Vừa đấm, vừa xoa sẽ vẫn là chiêu bài thường gặp.

Trung Quốc nên tôn trọng Singapore ảnh 3

"Biển Đông tắc, Singapore chết"

(GDVN) - Căng thẳng trên Biển Đông không chỉ buộc Singapore phải chọn bên này hay bên kia, mà ngay cả dư luận Việt Nam cũng có nhiều quan điểm khác nhau về "chọn bên".

Có một thực tế khá thú vị, trong khi Chu Phong thừa nhận rằng Singapore từ thời lập quốc của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đến nay, chính sách đối ngoại độc lập và cân bằng ảnh hưởng Trung - Mỹ không thay đổi.

Nhưng về phía Trung Nam Hải thì mọi thứ cứ thay đổi xoành xoạch. Peh Shing Huei, cựu trưởng đại diện của The Straits Times tại Trung Quốc ngày 6/10 bình luận trên Channel News Asia:

Thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc tuyên truyền ông Lý Quang Diệu là "tay sai của chủ nghĩa đế quốc Mỹ - Anh".

Năm 1978 sau cái chết của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình sang Singapore gặp Lý Quang Diệu học hỏi kinh nghiệm, đặt nền tảng cho quan hệ song phương phát triển mạnh trong suốt 25 năm sau đó.

Nhưng bây giờ thời kỳ đó đã qua. Một tình trạng "bình thường mới" trong quan hệ Singapore - Trung Quốc đang bắt đầu, đặc trưng bởi Trung Quốc tự đề cao hơn trước, ít không gian cho Singapore, tăng tần suất các tranh chấp.

Sự gia tăng ảnh hưởng và quyền lực của ông Tập Cận Bình tại Trung Quốc từ năm 2012 đã làm thay đổi cuộc chơi, khi ông mơ khôi phục vị thế siêu cường, cạnh tranh và đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á.

Chính điều này đã làm giảm đáng kể không gian và lựa chọn của các nước nhỏ.

Những nước như Singapore giờ đây phải vật lộn với lợi ích của hai gã khổng lồ, đặc biệt là ở Biển Đông. Dù muốn dù không, những cái bẫy "bên miệng hố chiến tranh" vẫn luôn tồn tại. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/opinion/chinas-s-china-sea-stance-must-be-able-to-withstand-the-spore-test

[2]http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/commentary-the-new-normal-of-singapore-s-relations-with-china/3184106.html

Hồng Thủy