Trung ương cần nhanh chóng làm rõ dự án đội vốn cả nghìn tỷ ở Ninh Bình

04/06/2018 06:29
THANH MINH
(GDVN) - Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng, dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê ở Ninh Bình đội vốn hàng nghìn tỷ là không thể chấp nhận được.

Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt và triển khai từ năm 2001 với tổng mức đầu tư ban đầu là 72 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.

Tháng 12/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành quyết định phê duyệt lại dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê với tổng mức đầu tư là hơn 2.595 tỷ đồng.

Dù được phê duyệt và điều chỉnh tăng mức đầu tư từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng và sau hơn 17 năm thi công, dự án này vẫn dang dở.

Trong giai đoạn 2005-2011, tỉnh Ninh Bình xây dựng 62 dự án với tổng mức đầu tư 59.481,107 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ mới chỉ tiến hành xem xét 10/62 dự án thì cả 10 dự án đều đội vốn lớn, trong đó có những dự án đội vốn lên tới vài chục lần.

Việc nhiều dự án đội vốn khủng khiếp tại Ninh Bình làm dấy lên lo ngại về sự thiếu minh bạch trong quản lý, đầu tư dự án, tạo gánh nặng cho ngân sách quốc gia. 

Dưới góc nhìn chuyên gia, hôm 3/6, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, có bất thường khi dự án đội vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng tại Ninh Bình.

Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng (ảnh: infonet.vn).
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng (ảnh: infonet.vn).

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ liêm nêu rõ những nguyên tắc cơ bản trong quản lý đầu tư xây dựng: “Đối với dự án lớn thì đơn vị tư vấn phải lập báo cáo tiền khả thi và đưa ra mức vốn dự kiến đầu tư.

Sau khi thông qua báo cáo này, đơn vị tư vấn cần làm báo cáo khả khi xác định tổng mức vốn đầu tư. Báo cáo này được thông qua là cơ sở để đầu tư dự án...

Đối với những dự án chậm tiến độ vì nhiều lý do thì trước 6 tháng trước khi khởi công dự án thì cơ quan có trách nhiệm phải rà soát lại tổng mức đầu tư cho phù hợp với từng giai đoạn (tức là cập nhật điều chỉnh giá ở từng thời điểm).

Theo thông lệ trong ngành, có thể chấp nhận sai số (thay đổi, điều chỉnh giá từng thời điểm) là 10%. Nếu có lý do đặc biệt thì thường không được vượt quá 20% tổng mức đầu tư ban đầu.

Mức độ chênh lệch giá từng thời điểm đều nằm trong phương án cấp vốn”, ông Liêm phân tích.

Đối với dự án Sào Khê, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng, cần làm rõ lý do đội vốn và lý do đó phải có tính thuyết phục, phù hợp với thực tế.

“Tổng vốn đầu tư dự án sau 17 năm chắc chắn có sự thay đổi. Tuy nhiên phải làm rõ mức vốn tăng lên có phù hợp theo từng giai đoạn không?

Lý giải về việc công trình đội vốn lớn có phù hợp không? Liệu có ăn chia trong dự án này không? 

Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền cần yêu cầu chủ đầu tư giải thích tại sao công trình đội vốn lớn như vậy?

Sau đó đơn chủ đầu tư phải thành lập hội đồng, kiểm tra toàn bộ dự án chứ không phải đơn vị có liên quan báo cáo như thế nào thì anh nghe như vậy”, ông Liêm nhận định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc dự án đội vốn lớn tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trước những dấu hiệu bất thường tại một số dự án lớn tại Ninh Bình.

“Thứ nhất phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn – đơn vị đưa ra mức đầu tư. Tiếp đến là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị duyệt vốn...

Do đó, muốn biết chính xác bản chất của những dự án đội vốn nêu trên cần cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ.

Nhưng qua thông tin báo chí, tôi thấy việc dự án đội vốn cả nghìn tỷ đồng có dấu hiệu bất thường rất rõ rồi.

Chẳng ai ký duyệt cấp vốn miễn phí cả. Nếu đơn vị tư vấn đưa mức vốn gấp nhiều lần ban đầu như vậy thì phải tước tư cách hành nghề của đơn vị này”, ông Liêm nêu quan điểm

THANH MINH