Trước khi xây dựng một thương hiệu lớn, FLC nên học cách cư xử đàng hoàng

01/09/2018 06:19
Ngọc Hân
(GDVN) - Tập đoàn FLC tuyên bố, Bamboo Airways là hãng hàng không đẳng cấp 5 sao, nhưng không ít người hoài nghi vì cách ứng xử của FLC khó đạt hai chữ "đẳng cấp".

Cái tên FLC gắn với nhiều dự án bất động sản, đi kèm theo đó là không ít tai tiếng. Vậy nên khi FLC tuyên bố thành lập Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) khiến cho nhiều người bất ngờ.

Ngày 18/8/2018, Tập đoàn FLC ra mắt hãng hàng không Bamboo Airways
Ngày 18/8/2018, Tập đoàn FLC ra mắt hãng hàng không Bamboo Airways 

Trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đặt câu hỏi về hãng hàng không Tre Việt: “Bây giờ họ huy động vốn mua máy bay thì không biết nguồn vốn ở đâu? Có liên quan gì đến an ninh tài chính tiền tệ quốc gia không?”.

Không ít cử tri cho rằng, cần phải minh bạch về tài chính trong việc mua máy bay của hãng Tre Việt (Bamboo Airways) để tránh nguy cơ rủi ro, tăng nợ quốc gia trong huy động vốn và cần chấn chỉnh việc đưa hình ảnh quảng cáo khi chưa được cấp phép.

Về việc này Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, việc cử tri lo lắng và băn khoăn về hãng hàng không này là có cơ sở.

Với tư cách là thành viên đoàn giám sát chuyên đề, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng chỉ ra, ngoài việc đáp ứng các điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định, khi cấp phép thành lập hãng hàng không cần thận trọng xem xét, đánh giá các vấn đề liên quan đến quốc phòng, anh ninh; tính khả thi về phương án nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ phi công; khả năng đáp ứng của cảng hàng không, quản lý bay.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Bộ Giao thông Vận tải cần làm rõ những băn khoăn của cử tri; đánh giá tác động các vấn đề nêu trên; thận trọng xem xét các điều kiện thành lập hãng hàng không Tre Việt.

Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, ông có trách nhiệm mang những băn khoăn, lo lắng của cử tri tới với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Giao thông Vận tải.

Trước khi xây dựng một thương hiệu lớn, FLC nên học cách cư xử đàng hoàng ảnh 2FLC tuyên bố mua máy bay khi nợ như "chúa chổm", chây ì tiền đền bù của dân

Đầu tháng 7/2018, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Ngay sau đó, Bamboo Airways tiếp tục được tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên mức 1.300 tỷ đồng. Theo quy định, với lượng vốn điều lệ này, Bamboo Airways có thể nâng số lượng tàu bay khai thác lên trên 30 chiếc.

Theo kế hoạch, FLC dự kiến sẽ cất chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways vào ngày 10/10 và khởi động kế hoạch bán vé trong tháng 9, với ngày mở bán đầu tiên là 2/9.

Không ít lần trả lời trước báo chí, ông chủ hãng hàng không này cho hay, Bamboo Airways là hãng hàng không 5 sao. Bamboo đã bay là có lãi. Để thành công, Bamboo Airways có đường hướng riêng để phát triển so với các hãng hàng không khác.

Mục tiêu đến năm 2023, Bamboo Airways đạt tổng doanh thu 931,5 triệu đô la Mỹ (khoảng trên 21.000 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 59 triệu đô la Mỹ (gần 1.400 tỷ đồng), sử dụng 900 lao động, vận chuyển 50 triệu lượt hành khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 100%/năm.

Những con số, mục tiêu mà hãng Bamboo Airways đưa ra khiến không ít người giật mình bởi như nhiều hãng hàng không trong nước rất thành công cũng không dám mơ tới.

Tập đoàn FLC với hàng loạt dự án đẳng cấp, resort, khu nghỉ dưỡng trải dài khắp đất nước, nhưng tiền đền bù đất cho nhiều bà con tại Thanh Hóa nhiều năm qua chưa thực hiện theo cam kết. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Tập đoàn FLC với hàng loạt dự án đẳng cấp, resort, khu nghỉ dưỡng trải dài khắp đất nước, nhưng tiền đền bù đất cho nhiều bà con tại Thanh Hóa nhiều năm qua chưa thực hiện theo cam kết. Ảnh: Giaoduc.net.vn

Nhiều người nghi ngờ rằng liệu Bamboo Airways có tồn tại nổi không khi mà đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới với FLC? Đặt ra câu hỏi như vậy là vì với mảng bất động sản vốn đã quá quen thuộc mà FLC còn để xảy ra đầy rẫy tai tiếng, gây bức xúc dư luận.

Trong đó phải kể đến dự án FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) - được truyền thông dự kiến đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng 3 năm nay hầu như vẫn nằm trên giấy khiến hàng trăm héc-ta đất bị "treo", hàng nghìn người dân rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì tư liệu sản xuất bị ảnh hưởng.

Cả dự án rộng mênh mông, cỏ mọc hoang hóa, um tùm có mỗi chiếc cổng chào do FLC xây dựng. Lời hứa của chủ đầu tư về dự án nghìn tỷ cũng đang trở nên “hoang hóa” giống như bãi đất trống rộng cả trăm ha, cỏ mọc um tùm phía sau chiếc cổng chào vô duyên.

Người thiệt thòi nhất trong dự án này không ai khác chính là người dân - đối tượng bị ảnh hưởng tư liệu sản xuất nhưng chưa nhận được tiền đền bù.

Trong cảnh khốn khó, có lẽ người dân cũng nhận thấy một sự thật hết sức bẽ bàng, đó là FLC dù là tập đoàn kinh tế lớn, nhưng không trả nổi mấy đồng đền bù cho dân nghèo như cam kết trước đó.

Chậm bàn giao nhà theo hợp đồng ký kết, cư dân bức xúc treo băng-rôn, khẩu hiệu trước trụ sở chính Tập đoàn FLC đòi nhà, đòi quyền lợi. Ảnh: NVCC.
Chậm bàn giao nhà theo hợp đồng ký kết, cư dân bức xúc treo băng-rôn, khẩu hiệu trước trụ sở chính Tập đoàn FLC đòi nhà, đòi quyền lợi. Ảnh: NVCC. 

Không chỉ người nông dân bị ảnh hưởng mà không ít cư dân mua nhà của FLC cũng khốn khổ vì chậm tiến độ, ép cư dân vào nhận nhà khi chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, công trình vẫn đang thi công.

Bức xúc lên đến đỉnh điểm, ngày 25/8 cư dân mua nhà HH3 đã kéo đến tụ tập rất đông người mang theo băng-rôn, khẩu hiệu trước cửa trụ sở chính Tập đoàn FLC để đòi nhà và đòi quyền lợi chính đáng.

Cụ thể, cư dân mua nhà chung cư HH3 của dự án FLC Garden City (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) dù ký hợp đồng với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC) dự kiến ngày bàn giao nhà vào quý 4 năm 2017, nhưng đến nay dự án mới vừa cất nóc, nhiều hạng mục còn thi công.

Đáng nói, chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, nhưng quay ngoắt lật kèo” cư dân bằng việc chỉ chấp nhận khoản phạt theo lãi suất tiền gửi (trong khi đó hợp đồng là lãi suất tiền vay kỳ hạn 12 tháng).

Trước đó, cũng tại dự án FLC Garden City, cư dân mua nhà HH2 vào đầu tháng 11/2017 bị chủ đầu tư ép nhận nhà khi dự án còn ngổn ngang như một đại công trình.

Đáng nói, để khách hàng hoàn thiện nốt nghĩa vụ tài chính, dù công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chủ đầu tư đã ép người dân nhận nhà. Điều này cho thấy để thu nốt tiền của người dân chủ đầu tư đã nhẫn tâm đẩy người dân vào nguy hiểm.

Không chỉ vậy, một câu chuyện hi hữu nữa đó là vào ngày 25/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp với Công ty cổ phần Đấu giá Số 5 - Quốc gia tổ chức, đối với quyền sử dụng đất khu đất ký hiệu ĐM1 thuộc phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm).

Theo thông tin chào mời các nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất (để thực hiện dự án đầu tư) xây dựng tại lô đất ĐM1 có diện tích 64.090m2 (6,4ha) với giá khởi điểm là 320 tỷ đồng. Kết quả, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trúng đấu giá với số tiền 860 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài Tập đoàn FLC vẫn chây ì chỉ nộp tổng cộng được 98 tỷ đồng (trong khi con số phải nộp là 860 tỷ đồng). Theo quy định, sau 21 ngày người trúng đấu giá phải hoàn thành đủ nghĩa vụ tài chính nếu không sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá. Đến nay, Thành phố đã giao cho một số đơn vị báo cáo phương án xử lý đối với khu đất này.

Câu hỏi đặt ra là nếu FLC thực sự có tiềm lực kinh tế thì tại sao hơn một năm không thể nộp đủ số tiền trúng đấu giá?

Với cung cách làm ăn thiếu đàng hoàng như vậy, liệu Bamboo Airways có đạt được là hãng hàng không đẳng cấp?

Ngọc Hân