Trường đặc biệt Stephen Hawking ở Cộng hòa Liên bang Đức

15/03/2018 10:29
Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Trường Stephen Hawking SRH là một trường học đặc biệt dành cho học sinh bị bại liệt ở Đức.

LTS: Từng chia sẻ nhiều bài viết về nền giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức, nhà giáo Đinh Tuyết Mai tiếp tục gửi đến độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam những thông tin về một ngôi trường đặc biệt dành cho học sinh bị bại liệt tại Đức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trường Stephen Hawking SRH là một trường học đặc biệt dành cho học sinh bị bại liệt ở Đức. Đây là một trường tư nổi tiếng, có qui mô lớn, được Bộ Giáo dục và Đào tạo Đức công nhận.

Trường được Bộ Y tế và Gia đình quan tâm trực tiếp và hội từ thiện SRH ủng hộ về tài chính.

Stephen Hawking, nhà vật lý vũ trụ vĩ đại qua đời ở tuổi 76

Trường được thành lập năm 1970 tại Neckargemünd, cách Heidelberg khoảng 10 Km, thuộc tiểu bang BadenWuertemberg. Trường có chỗ học tối đa cho 750 em.

Từ 10 năm gần đây, nhà trường nhận thêm học sinh không bị tàn tật vào trường Gymnasium làm thí điểm cho “UNESCO-Projektschule - người tàn tật và không tàn tật cùng học tập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau”.

Ý nghĩa của SRH:

SRH là viết tắt của Stiftung Rehabilitation Heidelberg.

Đây là một tổ chức từ thiện, quyên góp tiền để thường xuyên giúp đỡ kinh phí cho việc tổ chức, điều hành mọi hoạt động giảng dạy, đào tạo học sinh bị bại liệt tại trường tư đặc biệt Stephen Hawking.

Vào năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập SRH, Trường Stephen Hawking SRH đã được tăng thưởng danh hiệu “trường MINT hữu nghị”.

MINT là viết tắt của 4 môn học trọng điểm của trường: Mathematik/Toán; Informatik/Tin học; Naturwissenschaft/Khoa học tự nhiên và Technik/Kỹ thuật.

Bộ Gia đình và Xã hội, phòng chăm sóc người tàn tật thăm trường Stephen Hawking
Bộ Gia đình và Xã hội, phòng chăm sóc người tàn tật thăm trường Stephen Hawking

Stephen Hawking là ai?

Stephen Hawking sinh năm 1942 ở Oxford, nước Anh. Cha ông là bác sĩ, mẹ là cán bộ nghiên cứu kinh tế.

Năm 1962 ông học xong cử nhân (Bachelor) tại Đại học Oxford, sau đó ông chuyển sang Đại học Cambridge học tiếp và bảo vệ luận án tiến sĩ (Ph.D) vào năm 1966 về lý thuyết vũ trụ học.

Vào thời gian này ông đã nổi tiếng thế giới về những kết quả nghiên cứu, đặc biệt ông đã tìm ra “Lỗ đen - schwarze Loecher”.

Tiếp tục nghiên cứu theo hướng này, vào năm 1974 ông đã tìm ra một loại tia mới mang tên là “Hawking-Strahlung”…

Kết quả của các công trình nghiên cứu tiếp theo của ông đến nay, đã cống hiến lớn lao cho ngành khoa học vũ trụ thế giới.

Chính vì vậy ông được mệnh danh là “Einstein của thế kỷ 21”. Trung tâm nghiên cứu vũ trụ NASA ở Mỹ đã ứng dụng rất nhiều thành tựu nghiên cứu của ông.

Stephen Hawking được đón thăm trung tâm vũ trụ NASA năm 2007
Stephen Hawking được đón thăm trung tâm vũ trụ NASA năm 2007

Rủi thay, vào năm 1963 ông bị bệnh hiểm nghèo, thời kỳ đầu ông bị bại liệt một phần, song vẫn tiếp tục hoàn thành luận án tiến sĩ.

Sau đó 2 năm, vào 1968 ông bị bại liệt toàn thân, phải ngồi trên xe lăn. Lúc đó ông đã có vợ và 3 con.

Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát minh ra nhiều lý thuyết mới về vũ trụ.

Nhưng bệnh tật mới lại tiếp tục tấn công ông.

Vào năm 1985, ông bị mất hoàn toàn khả năng nói, phải làm việc và giao tiếp bằng một máy tính đặc biệt với điều khiển bằng mắt.

Mặc dù bị tàn tật 100%, song ông vẫn không ngừng nghiên cứu về khoa học vũ trụ.

Từ năm 1979 đến 2009, ông còn đảm nhận nhiệm vụ trưởng khoa của Trường Đại học tổng hợp nổi tiếng Cambridge.

Ông đã phát minh nhiều lý thuyết vũ trụ mới và viết nhiều tác phẩm về lĩnh vực khoa học này.

Stephen Hawking được Tổng thống Mỹ Obama đón tiếp tại Nhà trắng vào tháng 8 năm 2009
Stephen Hawking được Tổng thống Mỹ Obama đón tiếp tại Nhà trắng vào tháng 8 năm 2009

Đặc thù riêng của trường tư đặc biệt Stephen-Hawking SRH

Nếu bị bại liệt một phần như tay, vai, cổ…, học sinh vẫn đi lại được, nhưng nếu bị bại liệt chân và cột sống học sinh phải ngồi trên xe lăn.

Nhóm tàn tật này thường có hoạt động về trí não rất tốt, thậm chí, nhiều em rất thông minh.

Phương châm đào tạo ở trường là: học sinh được “cùng ăn, cùng ở, cùng học, cùng điều trị và cùng chơi”.

Hiện nay trường có khoảng trên 650 học sinh.

Đây là trường tư đặc biệt, quản lý học sinh cả ngày. Ngoài kiến thức sư phạm chung, các thầy cô giáo của trường còn được bồi dưỡng thêm chuyên môn sư phạm đặc biệt cho học sinh tàn tật.

Giáo viên cùng làm việc chặt chẽ với các nhân viên chuyên nghiệp, điều trị cho từng nhóm trẻ theo mức độ tàn tật, theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Trường bao gồm 5 trường nhỏ, làm việc liên hiệp như sau:

1) Grundschule - Trường tiểu học đặc biệt (lớp 1 đến lớp 4)

2) Realschule - Trường trung học cơ sở đặc biệt (lớp 5 đến lớp 10)

3) Gymnasium - Trường trung học chất lượng cao đặc biệt (lớp 5 đến lớp 12)

4) 2 Fachschulen – 2 Trường dạy nghề đặc biệt, phù hợp cho người bại liệt:

* Trường dạy nghề kinh tế (trọng điểm là kinh tế gia đình và kinh tế vệ sinh thực phẩm)

* Trường dạy nghề IT (Kỹ thuật thông tin điện tử)

Trong chương trình học của từng trường kể trên, “thể thao trị liệu” là môn học rất quan trọng.

Học sinh được học thể thao theo qui định của các bác sĩ điều trị cho từng nhóm bệnh nhân.

Học sinh trường Stepen Hawking nhận giải sau cuộc thi “chạy” xe lăn, năm 2017
Học sinh trường Stepen Hawking nhận giải sau cuộc thi “chạy” xe lăn, năm 2017

Quản lý và chăm sóc học sinh trong trường:

Trường nhận học sinh theo 2 hình thức: bán trú và nội trú. Nhà trường và phụ huynh học sinh thường xuyên cộng tác rất chặt chẽ và ký kết hợp đồng đào tạo học sinh bại liệt.

Học sinh bán trú: Buổi sáng có xe riêng dành cho người tàn tật đón và buổi chiều đưa học sinh về nơi ở cùng gia đình.

Cả ngày các em học ở trường và được ăn bữa trưa tập thể tại nhà ăn cùng học sinh nội trú.

Học sinh nội trú: Các em ở trong ký túc xá của trường. Ký túc xá dành cho nam và nữ được tách riêng. Hai học sinh một phòng. Vào cuối tuần và các dịp nghỉ hè, lễ hội… phụ huynh đón học sinh về nhà.

Ngoài đội ngũ giáo viên được đào tạo cho người tàn tật, nhân viên y tế điều trị, trong trường còn có một lực lượng nhân viên chuyên nghiệp để chăm sóc phục vụ đời sống và sinh hoạt của học sinh.

Buối tối, có nhân viên kiểm tra từng phòng của học sinh vào khoảng 21 giờ.

Hằng quí, phụ huynh được mời đến trường để nghe báo cáo về sự tiến bộ của học sinh và thảo luận hướng phát triển sắp tới cho từng em…

Thời gian học tập của học sinh phải linh động và tùy thuộc sức khỏe của từng em. Các em có thể học lại một vài năm tại trường vì lý do sức khỏe.

“Thể thao trị liệu” là môn học rất quan trọng tại trường. Qua môn học này, học sinh được giáo viên hướng dẫn vận động đúng, phù hợp với mức độ tàn tật, kỷ luật đồng đội trong thể thao…

Nhờ đó, học sinh tàn tật tự tin, được khích lệ và học tật tốt hơn.

Các vận động viên trường Stephan Hawking SRH chuẩn bi tham gia Paralympics
Các vận động viên trường Stephan Hawking SRH chuẩn bi tham gia Paralympics

Vài nét về trường dạy nghề IT Stephen Hawking:

Sau khi tốt nghiệp lớp 10 ở trường trung học cơ sở Stephen Hawking, hoặc lớp 10 trường Gymnasium Stephen Hawking, học sinh có nguyện vọng, được chuyển sang Trường dạy nghề IT Stepen Hawking.

Trường gồm có 15 nhóm nội trú và 1 nhóm ngoại trú.

Mỗi nhóm có từ 10 đến tối đa là 20 học sinh. Các môn học trọng điểm được thực hiện trong các phòng máy tính.

Thời gian học nghề từ 3 – 3,5 năm. Sau khi tốt nghiệp trường IT Stephen Hawking, các em sẽ được nhận bằng IT-Certificate.

Tùy theo chuyên ngành được đào tạo, các em có thể làm kế toán, tài vụ ở các nhà máy và công sở, phòng y tế, phòng máy tính, phòng kỹ thuật thông tin, điện tử, ngân hàng…

Nơi cấp việc cho các em sẽ được trợ cấp một phần của sở lao động.

Phòng học trường IT-Stephen-Hawking
Phòng học trường IT-Stephen-Hawking

Đóng góp kinh phí của phụ huynh:

Hội từ thiện SRH đã quyên góp thường xuyên để giúp đỡ kinh phí cho nhà trường, do vậy phần tiền đóng góp của phụ huynh cho các em được giảm xuống rất nhiều.

Mặt khác các em được chăm sóc toàn diện: ăn uống, sinh hoạt, học tập rất tốt và bảo đảm, nhờ vậy phụ huynh yên tâm làm việc và đạt hiệu quả cao hơn.

Từ năm học 2016, phụ huynh phải đóng góp kinh phí cho mỗi học sinh bại liệt như sau:

Học sinh bán trú: 250 Euro/tháng + 90 Euro/tháng (tiền ăn)

Học sinh nội trú: 1.850 Euro/tháng + 170 Euro/tháng (tiền ăn)

Các gia đình có thu nhập thấp, có thể nộp đơn xin trợ cấp tại phòng gia đình và thanh thiếu niên hoặc khai báo để xin nhận lại một phần kinh phí khi khai thuế thu nhập hàng năm.

Đinh Tuyết Mai