Tuyển dụng sai hàng trăm giáo viên, lẽ nào lãnh đạo chỉ bị khiển trách?

04/04/2018 07:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Hậu quả của việc dư thừa giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) là “di sản” của 3 đời Chủ tịch huyện. Vậy chỉ khiển trách họ liệu có phải là kỷ luật cho có.

LTS: Hàng trăm giáo viên tại Đắk Lắk đứng trước nguy cơ mất việc, và đã có hiệu trưởng bị cách chức, có người bị điều tra về đường dây chạy việc.

Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người gây ra những sai phạm ký tuyển dụng giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả.

Câu chuyện hơn 600 giáo viên, nhân viên hợp đồng có nguy cơ mất việc ở Đắk Lắk đang tiếp tục nóng lên khi đã có một hiệu trưởng bị bắt, 1 hiệu trưởng bị cách chức và cơ quan chức năng tiếp tục nhận nhiều đơn thư tố cáo thêm một đường dây chạy việc có liên quan đến một số lãnh đạo nhà trường khác nữa.

Sự việc nghiêm trọng như vậy mà người đứng đầu địa phương là Chủ tịch huyện lại chỉ bị đề nghị hình thức kỷ luật là “khiển trách” thôi sao?

Kỷ luật như vậy thì làm sao có thể ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng tiếp theo?

Hàng trăm giáo viên tại Đắk Lắk đứng trước nguy cơ mất việc. (Ảnh: Vtv.vn)
Hàng trăm giáo viên tại Đắk Lắk đứng trước nguy cơ mất việc. (Ảnh: Vtv.vn)

Hậu quả của việc dư thừa giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) là “di sản” của 3 đời Chủ tịch huyện: ông Trần Ngọc Thanh (nhiệm kỳ 2005-2011) đã ký hợp đồng dư thừa hàng chục giáo viên.

Đến ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nhiệm kỳ 2011-2016) tiếp tục ký tuyển dụng thêm hơn 400 hợp đồng.

Người kế nhiệm hiện nay là ông Kỷ là Y Suôn Byă đã không sửa sai mà tiếp tục ký tuyển dụng thêm hơn 100 giáo viên hợp đồng.

Chính vì thế nên đã gây ra cuộc khủng hoảng thừa nhân lực cho ngành giáo dục ở đây.

Đồng thời, tạo ra một luồng dư luận không mấy tốt đẹp cho địa phương và ngành giáo dục suốt nhiều năm qua.

Hơn nữa, sự việc này đã dung dưỡng cho nhiều hiệu trưởng cũng đứng ra làm môi giới cho giáo viên chạy việc nên đã có người bị bắt, người bị cách chức, người thì đang trong “tầm ngắm” của cơ quan điều tra.

Tuyển dụng sai hàng trăm giáo viên, lẽ nào lãnh đạo chỉ bị khiển trách? ảnh 2Công an huyện Krông Pắk vào cuộc vụ nữ giáo viên bị cắt lương, cắt hợp đồng

Thế nhưng, trái ngược với hàng trăm giáo viên đang sống lay lắt: người thì mất việc, người thì đi dạy hàng tháng được trên dưới 1 triệu đồng tiền lương, người thì đưa hàng trăm triệu đồng cho hiệu trưởng bây giờ không đòi được thì những người đứng đầu huyện chỉ bị kỷ luật… cho có hình thức.

Đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ khi được rút lên làm Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ bị kỉ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng, vậy mà ông Kỷ còn làm đơn khiếu nại vì cho rằng mức kỷ luật mình …cao quá.

Nay, ông cũng vừa nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018, coi như mọi chuyện bây giờ đối với ông cũng chẳng còn trách nhiệm gì.

Còn đối với những người đương nhiệm, đang liên quan trực tiếp với sự việc khủng hoảng giáo viên ở đây thì theo nguồn tin của Báo Vietnamnet đã dẫn:

Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắk đề xuất lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, kỷ luật ông Y Suôn Byă (Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk) hình thức khiển trách và đề nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Nguyễn Thành Dũng (Bí thư Huyện ủy)”.

Với hình thức kỷ luật này chắc chắn các người đương nhiệm cũng vẫn tiếp tục tại vị.

Bởi, hình thức khiển trách là hình thức thấp nhất các các mức kỷ luật công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo.

Còn đối với “kiểm điểm trách nhiệm” thì không có trong hình thức kỷ luật đối với công chức đang là lãnh đạo.

Trong Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau:

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý áp dụng các hình thức sau:

Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Buộc thôi việc; Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý áp dụng các hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

Tuyển dụng sai hàng trăm giáo viên, lẽ nào lãnh đạo chỉ bị khiển trách? ảnh 3Có bao nhiêu Hiệu trưởng làm “cò” chạy việc?

Như vậy, với hình thức kỷ luật khiển trách thì ông Y Suôn Byă (Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk) cũng chỉ 12 tháng sau sẽ hết hiệu lực và ông lại tiếp tục “cống hiến” bình thường như bao công chức khác.

Bởi tại khoản 3 Điều 20 nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định:

“Sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực”.

Rõ ràng hình thức kỷ luật này không ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp và công danh của vị Chủ tịch đương nhiệm.

Chỉ có những giáo viên hợp đồng là người thua thiệt. Mất tiền, mất thời gian chờ đợi nhiều năm, mất niềm tin vào cuộc sống và cuối cùng thì… thất nghiệp!

Nhiều lúc chúng tôi tự hỏi rằng phải chăng chế tài xử lý kỷ luật của chúng ta chưa nghiêm minh nên những tiêu cực trong tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm mới có đất sống và phát triển khắp mọi nơi.

Không chỉ ở Đắk Lắk, Thanh Hóa… mà nó cứ mặc nhiên tồn tại, hiện hữu khắp nơi và thách thức với dư luận.

Chuyện phúc khảo thi viên chức ở Cà Mau dẫn đến người đỗ thủ khoa lại bị trượt, người trượt lần chấm đầu lại thành đỗ.

Mấy ngày nay lại râm ran chuyện thi tuyển giáo viên ở Quãng Ngãi.

Chỉ riêng huyện Bình Sơn có 86 thí sinh bị trượt đã nộp đơn xin phúc khảo lại bài thi. Sau phúc khảo, có 71 thí sinh được chấm tăng thêm từ 10 - 14 điểm.

Tuyển dụng sai hàng trăm giáo viên, lẽ nào lãnh đạo chỉ bị khiển trách? ảnh 4Cách chức một Hiệu trưởng nhận 210 triệu đồng tiền chạy việc

Chính vì vậy, sau phúc khảo có 13 thí sinh từ trượt thành đỗ dẫn đến 8 thí sinh trước đó có tổng điểm thuộc nhóm trúng tuyển thì nay lại bị trượt.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho hay:

Trong số 14 huyện/thành phố thì có bốn huyện thực hiện nghiêm túc và đã cho giáo viên đi dạy. Còn 10 huyện phải chấm lại.

Phải rà soát lại, có thể mất thời gian cả tháng nhưng phải làm đúng quy trình”.

Từ những thông tin của báo chí và qua lời chia sẻ của vị giám đốc Sở Nội vụ cho ta thấy có quá nhiều bất cập trong khâu chấm thi.

Rồi đây, lại thành lập Hội đồng tuyển dụng, lại phải điều động nhân sự đi chấm, lại chi tiền…

Tiền ấy lấy ở đâu nếu không phải là tiền ngân sách địa phương?

Và, nếu như khi chấm thi lại phát hiện ra có tiêu cực trong chấm thi, chấm phúc khảo thì hình thức xử lý cán bộ chấm thi trước đó như thế nào? Khiển trách hay là rút kinh nghiệm?

Dư luận cần sự minh bạch và công tâm trong xử lý những người có liên quan đến tuyển dụng nhân lực ngành sư phạm mà có dấu hiệu tiêu cực ở một số nơi mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.

Hình thức kỷ luật khiển trách, rút kinh nghiệm chắc chắn sẽ chẳng có tác động nhiều đến những người sai phạm.

Vì thế, dư luận chờ đợi sự nghiêm minh của pháp luật để loại bỏ những “con sâu” đang làm cán cân công lý nghiêng, lệch?

Nguyễn Cao