Tuyển sinh vào lớp 10 và những cảnh báo

29/04/2017 08:29
Hữu Sơn
(GDVN) - Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở nhiều hội đồng coi thi từng để nảy sinh những tiêu cực và phức tạp, như cán bộ lãnh đạo, giám thị của hội đồng coi thi “gửi gắm”...

LTS: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp diễn ra trên khắp cả nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương, những sai sót trong khâu ra đề và tiêu cực trong khâu coi thi liên tiếp xảy ra.

Trong bối cảnh đó, thầy giáo Hữu Sơn đưa ra một số cảnh báo để các cấp lãnh đạo, những người làm công tác tổ chức thi có sự chuẩn bị tốt nhất.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông (ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT- BGDĐT ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo) về tuyển sinh trung học phổ thông có 3 phương thức: a) Xét tuyển; b) Thi tuyển; c) Kết hợp thi tuyển với xét tuyển. 

Hiện nay có một số địa phương vẫn chọn phương thức xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 dựa trên kết quả học lực và hạnh kiểm 4 năm của học sinh ở bậc trung học cơ sở cùng với các diện ưu tiên và điểm khuyến khích. 

Hiếm có địa phương nào sử dụng phương thức Kết hợp thi tuyển với xét tuyển, vì dễ gặp rắc rối và phức tạp. 

Các em học sinh trên cả nước chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Thùy Linh.
Các em học sinh trên cả nước chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Thùy Linh.

Phương thức b) Thi tuyển, được các Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn và áp dụng nhiều nhất, vì nó gọn nhẹ và cho ra kết quả tương đối chính xác. 

Nhìn chung, tâm lý của đại đa số phụ huynh và học sinh lâu nay cũng đều thích và mong muốn địa phương tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, nhằm tạo “sân chơi” công bằng, khách quan cho mọi thí sinh, hạn chế được tình trạng bệnh thành tích, tháo khoán điểm của một số nhà trường, giáo viên nếu dùng hai phương thức kia. 

Trong công tác tổ chức coi thi, có Sở Giáo dục và Đào tạo giao trọn quyền cho các trường Trung học phổ thông công lập (có thi) về con người từ lãnh đạo hội đồng đến các giám thị coi thi, với lý do đây là tuyển sinh đầu vào cho trường anh thì anh tự quyết định lấy chất lượng của trường anh. 

Nhưng, có Sở Giáo dục và Đào tạo thì điều chuyển lãnh đạo hội đồng và giám thị coi thi với tỉ lệ 50:50 (một nửa trường mình, một nửa các trường khác đến) để đảm bảo tính khách quan, công bằng, ngăn ngừa bớt chuyện tiêu cực, gửi gắm của người nhà, người địa phương. 

Tuy nhiên, kỳ thi có tính chất địa phương này cũng từng nảy ra không ít sai sót, nhầm lẫn, thậm chí tiêu cực trong công tác làm đề thi, coi thi, chấm thi khiến phụ huynh, học sinh và dự luận xã hội phản ứng, bất bình.

1. Cảnh báo về đề thi

Tuyển sinh vào lớp 10 và những cảnh báo ảnh 2

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tuyển sinh lớp 10 sớm

(GDVN) - Năm học 2017 – 2018, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tuyển sinh lớp 10 sớm hơn so với mọi năm 1 tuần, từ ngày 2 đến ngày 3/6/2017.

Đề thi môn toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai từng mắc một số sai sót khiến học sinh, phụ huynh và giáo viên bức xúc. 

Mới đây, đề thi thử kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ở môn Toán, Hóa của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dành cho học sinh lớp 12 toàn thành phố lại nhầm lẫn, sai sót. 

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 môn Lịch sử của tỉnh Bình Thuận sai ở chỗ đưa Phong trào Cần Vương sang phần Lịch sử thế giới. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa có bài phản ánh: “Đề kiểm tra tiếng Anh học kỳ 2, khối lớp 12 tại Đồng Nai quá ẩu”. 

Như vậy, tại phạm vi địa phương trong thời gian gần nhất, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo liên tục để xảy ra những sự cố, “tai nạn” về đề thi khiến cho phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội hoang mang, lo lắng, thiếu tin tưởng Hội đồng ra đề thi. 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương sắp diễn ra, tình trạng các đề thi nảy sinh những sai sót, nhẫm lẫn “chết người” hoàn toàn có thể tái diễn, nếu như các Hội đồng ra đề thi, in sao đề thi, gửi đề thi không thực hiện đúng quy trình từ biên soạn đề, phản biện đề, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, nghiêm ngặt các khâu, không lựa chọn được những cán bộ, giáo viên tốt nhất để làm công đoạn vô cùng quan trọng, khó nhọc này.

2. Cảnh báo về giám thị “gà bài” cho thí sinh quen biết…

Dư luận xã hội vẫn chưa quên trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Lê Hằng, giáo viên trường Trung học phổ thông Nguyễn Sỹ Sách, làm giám thị môn tiếng Anh, tại kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm học 2016-2017, cách đây khoảng 2 tháng, bị một thí sinh “tố” có hành vi chép bài thi một thí sinh. 

Tuyển sinh vào lớp 10 và những cảnh báo ảnh 3

Đầu vào lớp 10, không có bột làm sao gột nên hồ?

(GDVN) - Các cuộc, kỳ thi trí tuệ, văn hóa, chọn học sinh giỏi cấp tỉnh thực sự là một “sân chơi” quá sức đối với học sinh các trường “nhỏ”, chất lượng đầu vào thấp.

Sau khi kiểm tra, xác minh sự việc, hội đồng kỷ luật của  Trường Trung học phổ thông Nguyễn Sỹ Sách đã quyết định nâng mức kỷ luật đối với cô Hằng từ khiển trách lên mức cảnh cáo. 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều hội đồng coi thi từng để nảy sinh những tiêu cực và phức tạp.

Đơn cử như cán bộ lãnh đạo, giám thị của hội đồng coi thi “gửi gắm” thí sinh lẫn nhau, như giám thị trong phòng thi nháp, giải bài cho thí sinh, đem bài của thí sinh làm được cho thí sinh “gà mình” chép, thí sinh phản ứng việc làm sai trái của giám thị tại phòng thi… 

Sau mùa thi tuyển sinh vào 10, biết bao câu chuyện tiêu cực, “bi, hài” của cán bộ, giám thị đều bị các em đi thi về kể lể, phát tán nhiều nơi. 

Có em mạnh dạn bộc bạch: “Lần đầu tham gia một kỳ thi lớn, chuyển cấp học, em cứ tưởng các thầy cô giáo cấp 3 coi thi, làm việc nghiêm túc, công bằng lắm.

Ai ngờ đâu khi vào phòng thi, coi thi, nhiều giáo viên giở đủ “hành động” khác lạ, chỉ bài cho bạn này, đem tài liệu cho bạn kia…. 

Vì mải lo làm bài nên em không có thời gian để phản ánh, thưa chuyện với lãnh đạo hội đồng coi thi…”. 

Mọi động thái, việc làm của giám thị không thể nào qua được tai, mắt của hàng trăm, hàng ngàn thí sinh dự thi.

Những vụ việc đã nảy ra, những tâm tư của các em đã bộc bày, rất đáng để cho lãnh đạo, cán bộ giám thị của tất cả hội đồng coi thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương phải suy nghĩ về ý thức, trách nhiệm của mình, của người lớn, của thầy cô giáo Trung học phổ thông đối với ngành, địa phương, con em nhân dân bằng hành động, việc làm đúng quy chế đem lại sự công bằng, kết quả chính xác, thực chất cho mọi thí sinh, những quan hệ, tư lợi cá nhân cần sớm đẩy lùi. 

Chủ tịch hội đồng coi thi tuyển sinh vào lớp 10 là người có vai trò, tính chất quyết định nhất trong mọi chuyện.

Hữu Sơn