"VNEN là vay nợ"

27/11/2015 06:00
Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Đã từng nghe ở Hà Tĩnh, ôm nợ để làm trường chuẩn Quốc gia và bây giờ chứng kiến vay nợ để triển khai mô hình trường học mới VNEN.

Tại trường THCS Hồ Tùng Mậu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) sau khai giảng hơn 1 tháng mới có quyết định triển khai mô hình trường học mới, thế là mọi kế hoạch đảo lộn. 

Hơn một trăm học sinh mua sách giáo khoa chương trình hiện hành tốn hàng triệu đồng, bây giờ phải bỏ… Tất cả vội vàng, hấp tấp, như cơn lốc. Phải làm gấp rút, làm lấy được. 

Nào là lo tu sửa phòng học; nào là lo trang trí lớp theo mô hình VNEN, nào là lo tổ chức lại lớp, lo sách giáo khoa, lo phân công chuyên môn, lo thiết bị dạy học…mà ngân sách trong trường thì không có, đành phải vay nợ để triển khai VNEN”, một vị lãnh đạo nhà trường (giấu tên) trao đổi. 

Theo thầy Nguyễn Trọng Kỳ- Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2015-2016, trường Hồ Tùng Mậu có năm lớp 6 với 115 em học sinh học theo chương trình trường học mới, cho nên nhà trường phải tu sửa 5 phòng học đáp ứng với mô hình. Khoản kinh phí ấy phải ký nợ với nhà thầu. 

Đồng thời, không thể để học sinh một lúc mua 2 bộ sách giáo khoa cùng thời điểm nên trước mắt nhà trường ký mua chịu 130 bộ sách với khoảng 37 triệu đồng để phát cho giáo viên và học sinh. 

Lớp 2B, trường tiểu học Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh do cô Nguyễn Thị Thân làm chủ nhiệm (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Lớp 2B, trường tiểu học Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh do cô Nguyễn Thị Thân làm chủ nhiệm (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Được biết không chỉ trường THCS Hồ Tùng Mậu mà nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười này. Có thầy giáo giải nghĩa từ một cách hài hước: “VNEN là vay nợ”. 

Tại trường THCS Yên Trấn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, từ đầu năm học 2015-2016, Phòng GD&ĐT Đức Thọ đã có kế hoạch chọn trường thí điểm mô hình trường học mới, nhưng nhà trường vẫn hết sức khó khăn lúng túng vì không có tiền. 

Thầy Bùi Trung Kiên- Hiệu trưởng trường THCS Yên Trấn cho biết: “Khổ nhất của chúng tôi là kinh phí. Ngân sách trên cấp không có. Công tác xã hội hóa đâu phải dễ dàng vì phụ huynh cũng nghèo. 

Mà đủ thứ đòi hỏi, nào là 4 giáo viên đi tập huấn ở bộ; 37 giáo viên đi 3 đợt chuyên đề ở tỉnh, tốn vài chục triệu đồng. Vừa rồi, trường tôi lại phải tổ chức giao ban VNEN cho hơn 200 giáo viên ở phía Bắc Hà Tĩnh. 

Không ăn uống, không ai đòi hỏi gì, nhưng cũng phải chi tiền chứ. Rồi cải tạo lại 5 phòng học, mua mới 75 bộ bàn ghế. Chưa hết, còn sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị. Dự trù phát sinh 190 triệu đồng. Chưa biết lấy ở đâu để trả; nên ôm nợ. Chỉ mấy tuần nữa về hưu, buồn lắm, lo nhiều
!”.

Theo điều tra của nhóm phóng viên, chỉ có trường Tiểu học Cẩm Quang, Cẩm Xuyên nằm trong Dự án DPE-VNEN, từ năm học 2013 tới nay được trang bị máy photo, máy quay phim, vi tính xách tay, máy chiếu, ti vi, đầu đĩa. 

Trường được hỗ trợ mỗi năm 110 triệu đồng tu sửa nhỏ và mua sắm công cụ lớp học và 50 triệu đồng/năm cho sinh hoạt chuyên môn. 

Còn lại tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Tĩnh khi triển khai mô hình trường học mới  đều phải huy động nguồn kinh phí hỗ trợ từ phụ huynh học sinh. 

Anh thấy đó, từ 8 biểu bảng trang trí trong lớp,  kinh phí cải tạo bục giảng, thậm chí kinh phí để làm tư liệu học tập cho học sinh, không dựa vào phụ huynh thì biết dựa vào ai”, cô giáo Trần Thị Mận giãi bày.

Chúng tôi về trường Tiểu học Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, năm học này trường tiểu học Cẩm Huy có 4 lớp dạy theo mô hình VNEN, hai lớp 2 và hai lớp 3. 

Chúng tôi ngạc nhiên khi đến lớp, các em học sinh ngồi học trên bàn ghế và cơ sở vật chất không mấy tiện nghi.  

"VNEN là vay nợ" ảnh 2
Trang trí một lớp học VNEN tại trường tiểu học Sơn Tây, Hương Sơn (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Cô giáo Nguyễn Thị Thân phàn nàn: “Nhà trường không có máy photo. Để có phiếu học tập cho học sinh mỗi tuần em phải bỏ tiền lương của mình ra photo hết 100 nghìn đồng, một tháng trên 4 trăm nghìn đồng. Vì không có phiếu, không có tư liệu không thể học được”.

Theo điều tra của chúng tôi, tại Hà Tĩnh ngân sách chi khác cho các cơ sở giáo dục dao động từ 6 đến 15%. Theo quyết định 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/09/2010, ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục là 20%. 

Nhưng về Hà Tĩnh do những khó khăn nên chỉ còn 15%, và hầu hết các trường  không nhận đủ được ngân sách chi thường xuyên theo Quyết định 136 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Cho nên, các cơ sở GD&ĐT vô cùng khó khăn bế tắc trong triển khai các hoạt động, trong đó có hoạt động triển khai mô hình trường học mới.

Ôm nợ để làm VNEN tinh thần ấy rất đáng biểu dương nhưng cũng cần cảnh báo về tính bền vững, về một mô hình trường học mới mà phải “ăn đong” như vậy, liệu có khả thi không? 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Mô hình trường học mới tại Việt Nam, gọi tắt là VNEN, đã được triển khai thí điểm tại 3.700 trường tiểu học trên cả nước. 

Bên cạnh đó, theo thông tin của Bộ GD&ĐT, năm học 2015 - 2016, mô hình trường học mới VNEN tiếp tục được triển khai ở 1.600 trường bậc trung học cơ sở trên cả nước.

Học theo VNEN, học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức, sáng tạo trong cách tiếp cận bài học, được nhìn sự vật trực quan, sinh động... là những điều mà mô hình trường học mới đem lại. 

Mô hình trường học mới hoạt động trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên sẽ là người cụ thể hóa mục tiêu, thiết kế và tổ chức các hoạt động học phù hợp với học sinh. 

Trong khi đó, học sinh được chia thành các ban tự quản và chủ động, sáng tạo hơn trong việc tiếp nhận, chia sẻ kiến thức.

Mô hình này đề cao việc cá nhân tự trải nghiệm, khám phá và cũng chấp nhận sự khác biệt về thời gian, tốc độ học của học sinh. Giáo viên sẽ là người chủ động quan sát, phát hiện và kịp thời hỗ trợ cho những học sinh yếu.

Được biết, mô hình trường học mới bắt nguồn từ Colombia vào những năm 1995 - 2000 với những lớp ghép ở miền núi khó khăn.

Thay vì nhìn lên bảng xem cô giảng bài, mô hình trường học mới cho phép học sinh ngồi quây quần theo nhóm và tự tìm tòi, khám phá kiến thức mới trên cơ sở “hướng dẫn học tập” của giáo viên.

Lê Văn Vỵ