Vì sao có sự chồng chéo giữa công tác thanh tra và kiểm toán?

19/05/2017 15:09
Tiến sĩ Phạm Gia Yên
(GDVN) - Nghiên cứu quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình cho thấy hầu hết đều trùng lặp với quy trình của một đoàn thanh tra chuyên ngành xây dựng.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng.

Trong bài viết này, Tiến sĩ Yên chỉ ra sự chồng chéo giữa công tác thanh tra và kiểm toán trong ngành xây dựng. Đồng thời, lý giải nguyên nhân của sự chồng chéo này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Gần đây vấn đề chồng chéo giữa công tác thanh tra và kiểm toán lại được dư luận quan tâm, nhiều bài đưa tin trích dẫn các lời phát biểu của các vị lãnh đạo.

Có lãnh đạo còn “thương doanh nghiệp khổ quá” một năm phải tiếp bao nhiêu đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, và trong đó có sự chồng chéo lẫn nhau.

Vì sao có sự chồng chéo?

Chúng ta được biết, mỗi một tổ chức, cơ quan ra đời đều được một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… như hoạt động thanh tra do Luật Thanh tra quy định; hoạt động kiểm toán do Luật Kiểm toán nhà nước quy định. 

Hai cơ quan này song song, độc lập nhau, làm nhiệm vụ theo pháp luật quy định. 

Mặt khác hai cơ quan này đã ra đời nhiều năm, đã cùng hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của mình; có thể những năm đó mặc dù có sự chồng chéo, song vấn đề đó nó không trầm trọng như năm 2016 và đặc biệt năm 2017. 

Hãy xem Luật Kiểm toán quy định thế nào?

Tại Điều 32 của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 quy định nội dung kiểm toán bao gồm:

a) Kiểm toán tài chính là việc kiểm toán để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán.

b) Kiểm toán tuân thủ là việc kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.

c) Kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Như vậy nội dung kiểm toán là rất rõ ràng, được pháp luật quy định, nếu như làm đúng thì trách nhiệm chồng chéo thuộc về của cơ quan thanh tra?

Những công trình đang chờ thanh tra, kiểm toán (Ảnh: Báo Xây dựng)
Những công trình đang chờ thanh tra, kiểm toán (Ảnh: Báo Xây dựng)

Để hiểu rõ pháp luật quy định thế nào là tài chính công, tài sản công, xin trở lại Điều 3 của Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định:

Tại khoản 10 Điều 3 quy định:

Tài chính công bao gồm: Ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ,

Hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công”.

Tại khoản 11 Điều 3 quy định: “đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác;

Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

Tài sản công được giao cho các doanh nghiệp quản lý và sử dụng; tài sản dự trữ nhà nước; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và các tài sản khác do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".

Vấn đề là chồng chéo ở đâu? 

Vì sao có sự chồng chéo giữa công tác thanh tra và kiểm toán? ảnh 2

Thủ tướng chỉ thị chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Qua kiểm tra thực tế và nghiên cứu kế hoạch kiểm toán, chúng tôi thấy trong chương trình năm 2017 và việc thực hiện năm 2016 rất nhiều cuộc kiểm toán thực hiện kiểm toán các dự án trong đầu tư xây dựng các loại công trình.

Như vậy chính kiểm toán đang không những “thò tay” và còn “ngồi chum” lên công việc của thanh tra chuyên ngành xây dựng và nội dung kiểm toán cũng hầu như trùng lập với nội dung của thanh tra chuyên ngành xây dựng.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến chồng chéo?

Tại Điều 73 Luật Kiểm toán quy định chi tiết “Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán nhà nước quy định chi tiết các Điều khoản được giao trong Luật”. Qua nghiên cứu Luật Kiểm toán cho thấy: 

Tại Điều 6 mục 2 của Luật quy định: “Tổng kiểm toán nhà nước xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Tại khoản 3 Điều 29 Luật quy định “Tổng kiểm toán nhà nước quy định cụ thể việc sử dụng công tác viên kiểm toán nhà nước”.

Tại Khoản 3 Điều 58 Luật quy định “Tổng kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về thời gian, nơi nhận báo cáo theo quy định của pháp luật”.

Chỉ quy định vậy, nhưng ngày 13/3/2017, Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc lại ký Quyết định số 02/2017-KTNN ban hành quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình. 

Nghiên cứu quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình cho thấy hầu hết quy trình này đều trùng lặp với quy trình của một đoàn thanh tra chuyên ngành xây dựng, như trong quy trình quy định:

Kiểm toán từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế, dự toán công trình, thi công xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình, quản lý định mức xây dựng, đấu thầu xây dựng… mà thuộc chức năng nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành xây dựng do pháp luật thanh tra và Luật Xây dựng quy định. 

Vì sao có sự chồng chéo giữa công tác thanh tra và kiểm toán? ảnh 3

Không kiểm toán, thanh tra trùng lắp gây khó khăn cho doanh nghiệp

Xét về Luật Kiểm toán nhà nước: Trong Luật Kiểm toán không có mục nào quy định cho Tổng kiểm toán ban hành loại quy trình này (như đã trích dẫn ở trên) như vậy việc ban hành này có đúng thẩm quyền không?

Xét về nội dung của quy trình: Như đã phân tích ở trên, Luật Kiểm toán nhà nước cũng không giao cho cơ quan kiểm toán thực hiện một nhiệm vụ kiểm toán như những nội dung nêu trên như trong bản quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình đã ban hành.

Câu trả lời đã rõ?

Rõ ràng việc thực hiện công việc kiểm toán nhà nước theo các nội dung quy định của quy trình kiểm toán đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình là không phù hợp với pháp luật kiểm toán nhà nước.

Quyết định số 02/2017/QĐ-KTNN ngày 13/3/2017 cần được đình chỉ thực hiện để điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật quy định về kiểm toán, đồng thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan kiểm toán. 

Có như vậy thì sẽ hạn chế được tình trạng chồng chéo trong công tác kiểm toán và công tác thanh tra chuyên ngành. Bởi vì kiểm toán viên và thanh tra viên chuyên ngành có những tiêu chuẩn khác nhau theo luật định.

Dù sao và dù đó là ai cũng phải cần tuân thủ pháp luật.

Tiến sĩ Phạm Gia Yên