Video, Youtube, Facebook "trợ thủ" miễn phí đắc lực cho giáo dục cộng đồng

19/12/2013 08:41
(GDVN) - Video, Youtube, Facebook chính là "trợ thủ" miễn phí đắc lực cho giáo dục cộng đồng.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đăng tải loạt bài song hành cùng với chương trình “Giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp Đại học và cao đẳng trong và ngoài nước chưa có việc làm đến năm 2020”. 

Trong bài viết này, ông Vũ Tuấn Anh sẽ trao đổi về vai trò của Video và các công cụ truyền thông số nhằm giúp cho cộng đồng học sinh sinh viên và lao động trên cả nước lấp đi khoảng trống tri thức từ kinh nghiệm thực tiễn 3 năm triển khi các chương trình đào tạo và phát triển cộng đồng trên toàn quốc. 

PV: Tại sao anh lại quyết định sử dụng video, youtube và facebook là các công cụ nhằm triển khai các chương trình đào tạo và phát triển cộng đồng trong vòng 3 năm qua tại Việt Nam?

Chuyên gia Vũ Tuấn Anh: Năm 2011 tôi bắt đầu quyết định thực hiện chương trình nhằm giúp cho các bạn sinh viên phát triển nghề nghiệp nhằm tránh tình trạng “Lễ tốt nghiệp là lễ thất nghiệp”, “Thủ khoa thất nghiệp" hay các bạn sinh viên ra trường có tỷ lệ không có việc khá nhiều.

Chương trình đầu tiên được thực hiện qua các buổi tư vấn tại hơn 15 trường trên cả nước tại các trường như ĐH Quốc Gia, Đại Học FPT, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM v/v. Tuy nhiên tôi nhận thấy với sức mình và đồng nghiệp có hạn, muốn phát triển và đưa tới toàn bộ các bạn sinh viên trên cả nước thì phải cần tới công nghệ - Video để quay một lần và sử dụng mãi mãi. 

Tổng số lượng sinh viên trên cả nước vào khoảng 5 triệu. Các chương trình hướng nghiệp nhắm tới số lượng học sinh cấp 3 còn lớn hơn nữa vào khoảng 6-7 triệu chưa kể phụ huynh học sinh. Với số lượng lớn như vậy trên 64 tỉnh thành chỉ duy nhất internet là công cụ có thể truyền tải được.

Hình tác giả cùng Host/Producer Quốc Khánh – Chương Trình hành trang nghề nghiệp
Hình tác giả cùng Host/Producer Quốc Khánh – Chương Trình hành trang nghề nghiệp

Lý do thứ hai tất cả các hoạt động đào tạo cho cộng đồng đều được tài trợ bởi ngân quỹ cá nhân của tôi và các nguồn lực ít ỏi của VIM.

Nguồn lực thứ hai đó là sự đóng góp hoàn toàn cho cộng đồng miễn phí từ các đồng nghiệp và đối tác. Để chương trình phát triển cộng đồng này ra đời và tới được các bạn sinh viên trên toàn quốc, gần 100 cá nhân đã đóng góp không tính phí cho các hoạt động của VIM. 

Kênh video trên youtube của VIM tại www.youtube.com/user/vimtraining đã nhận được hơn 85.000 lượt truy cập với thời gian xem hơn 350.000 phút trong 2 năm, chưa tính các video download và xem trên máy offline trong cộng đồng. 

 

Với ngân quỹ ít ỏi, việc phát triển một hệ thống đào tạo và tương tác trực tiếp với toàn bộ hơn 10 triệu sinh viên và học sinh là điều không tưởng. Do vậy sử dụng các hạ tầng công nghệ có sẵn như Youtube, Facebook là điều đương nhiên. 

Tiếp nữa theo ý kiến cá nhân, thời điểm để phát triển đào tạo online đang bùng phát tại Việt Nam với tốc độ đường truyền với giá rất hợp lý, phổ biến các thiết bị đầu cuối như Smartphone, tablet và sự phổ cập Youtube, facebook trong cộng đồng nhân lực trẻ và sinh viên , học sinh. 

Cuối cùng, xu hướng đào tạo video online đang bùng phát tại các nước trên thế giới và Việt Nam không thể cưỡng lại xu hướng này.

PV: Tại Việt Nam, có rất nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng video đào tạo không mang lại kết quả vì thiếu đi sự tương tác giữa giảng viên và người học. Ông có thể cho ý kiến về vấn đề này?

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong một giờ học. (Ảnh GDTĐ)
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trong một giờ học. (Ảnh GDTĐ)

Chuyên gia Vũ Tuấn Anh: Đào tạo giảng viên và học sinh là hình thức tối ưu. Tuy nhiên như tôi đề cập trong giáo dục cộng đồng việc đào tạo trực tiếp là không thể. Năm 2005 tôi có phụ trách dự án chuyển giao công nghệ đào tạo online trị giá gần 7 triệu đô từ SK Hàn Quốc cho Sphone tại Việt Nam. Tổng số nhân viên của SK Telecom tại Hàn Quốc khoảng hơn 100 ngàn người tại thời điểm đó. Với con số ít hơn nhiều họ đã triển khai thành công E learning cho toàn bộ nhân viên.

Các trở ngại như thiếu tương tác có thể vượt qua bằng cách thiết kế bài giảng và nội dung cẩn thận chi tiết. Vấn đề thứ hai đó là không những video mà còn các tài liệu đọc , sách báo đi kèm. Khi phát triển chương trình phát triển nghề nghiệp cho các bạn sinh viên từ năm thứ 2 – Hành trang nghề nghiệp – FBNC, tôi đã đọc và nghiên cứu rất nhiều các tài liệu và bài báo có sẵn. 

Chương trình video được phát triển và tích hợp với các thông tin có sẵn sẽ tạo điều kiện cho các bạn sinh viên hiểu và tự học hiệu quả. Các bài đọc hỗ trợ đều được đặt tại www.facebook.com/ngayhoivieclam và www.facebook.com/daihoc.edu.vn.

Thứ ba, thông qua các mạng xã hội như Youtube, facebook, các bạn sinh viên dễ dàng đọc và tương tác với các diễn giả nếu như các em muốn. Cuối cùng, nếu bản thân các em sinh viên có quyết tâm và muốn thật sự thành công, các em sẽ dễ dàng vượt qua trở ngại khi sử dụng các video. 

PV: Trong quá trình triển khai 3 năm các chương trình đào tạo cho cộng đồng thông qua video anh thấy các giá trị nó mang lại như thế nào?

Chuyên gia Vũ Tuấn Anh: Giá trị của Youtube hay Facebook đem lại theo tôi nghĩ hiệu quả cho cả hai bên. Các cá nhân như tôi muốn cống hiến và đóng góp cho cộng đồng cách đây 10-15 năm chắc chắn sẽ không thể nào làm được. Ngày hôm nay, chỉ cần một bài viết, một đoạn clip video là có thể truyền tải tới hàng ngày học sinh và sinh viên.

Giá trị thứ hai đó là thông tin và tri thức tới các tỉnh và trường xa khi các em học sinh và sinh viên không có điều kiện như ở các thành phố lớn.Giá trị thứ ba đó là tận dụng được nguồn lực tri thức của các chuyên gia tại các thành phố lớn như thành phố HCM và Hà Nội. 

Ví dụ trong chuỗi Hành trang nghề nghiệp trong số Xây dựng thương hiệu bản thân có sự tham gia của ba diễn giả từ VIB Bank; Anphabe và Career Builder. Tất cả các anh chị là các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong phát triển và xây dựng thương hiệu bản thân. Các anh chị rất muốn đóng góp cho cộng đồng nhưng chỉ có video cùng Youtube mới có thể mang lại những kiến thức đó cho các bạn ở các tỉnh xa.

Lợi ích tiếp của các chương trình miễn phí trên Youtube đó là các bạn sinh viên không cần phải mất chi phí để học các khóa tương tự đã có. Cuối cùng các bạn sinh viên có thể xem đi xem lại vào bất kỳ lúc nào trên máy tính hoặc các thiết bị Smart phone hoặc Tablet có kết nối 3 G hoặc Wifi. 

PV: Các trường, thầy cô giáo, phụ huynh và các bạn sinh viên và học sinh có thể tận dụng các chương trình đào tạo video này như thế nào cho hiệu quả?

Chuyên gia Vũ Tuấn Anh: Chương trình video được phát triển nhằm giúp các độc giả tự học và tự đào tạo. Có một nỗi buồn ở đây đó là các bạn sinh viên quá thực dụng, muốn phát triển bền vững cần thời gian và các bạn rất ngại vấn đề này. Các bạn mong muốn trong một thời gian nhanh có thể có kết quả luôn. Đào tạo online cũng như đào tạo thông thường, các bạn muốn giỏi các bạn cần phải có thời gian đào tạo nội lực cho chính bản thân. 

Ví dụ để có nghề nghiệp sau tốt nghiệp, các bạn sinh viên nên bắt đầu xem từ năm thứ hai các module hoạch định nghề nghiệp, phát triển khung năng lực, tư duy sáng tạo v/v. Các module này giống như các người thầy và tư vấn giúp các bạn định hướng và phát triển trong các hoạt động học tập và làm hàng ngày. Thay vì các bạn đợi đến khi gần tốt nghiệp mới tập trung vào các module hướng dẫn phỏng vấn hay xin việc.

Trên quan điểm của tôi, các trường nên tận dụng nguồn tư liệu video này để kết hợp cùng với các chương trình đào tạo và phát triển riêng của nhà trường. Các trường có thể download video hoặc trực tiếp liên hệ với tôi để có video và sau đó đặt tại thư viện. Các chương trình hướng nghiệp có thể sử dụng video này trong các chương trình đào tạo và hội thảo. 

Đối với một số chương trình như hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, các em học sinh và cha mẹ cần xem và bàn luận vấn đề với nhau để đem lại kết quả tốt nhất cho các em và gia đình. 

PV: Trên quan điểm của anh, vai trò của video và các công cụ truyền thông số đóng vai trò thế nào trong các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giải quyết việc làm cho sinh viên Bản đề cương có nói về vai trò của đào tạo online và truyền thông số tuy nhiên chưa nhấn mạnh vấn đề này?

Theo tôi đào tạo online và truyền thông số cần được quan tâm và đầu tư để trở thành động lực chính giúp cho cộng đồng sinh viên và lao động trẻ nâng cấp nhanh chóng. Thời gian không đợi chúng ta nữa. Theo đánh giá chủ quan của tôi, hầu hết các vấn đề trong đề cương đều có thể triển khai thông qua đào tạo online và truyền thông số. 

Lý do thứ hai như chúng ta đã đề cập, chương trình dành cho các bạn trẻ và họ là những cá nhân sử dụng truyền thông số hàng ngày trong học tập và làm việc. Tận dụng hạ tầng có sẵn là cách nhanh nhất giúp cho các bạn lao động trẻ. Vấn đề cuối cùng, thông qua video và truyền thông số, chúng ta có thể sử dụng nguồn lực xã hội nhằm mang lại sức mạnh cộng hưởng cho lao động Việt bên cạnh những đầu tư của nhà nước.

Lý do cuối cùng, các trường đại học đã có các hệ thống hạ tầng công nghệ đủ để đưa các chương trình đào tạo online cho các bạn sinh viên/.