Việt Nam học được gì từ giáo dục tài chính tại Singapore?

29/04/2018 06:12
Linh Hương
(GDVN) - Việt Nam nằm trong top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất, đặc biệt là các trang mạng xã hội.

Giáo dục mở được Thạc sĩ Hứa Phương Linh (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) định nghĩa là hoạt động giáo dục dựa trên nền tảng kĩ thuật công nghệ mà các nguồn tài liệu.

Từ đó kinh nghiệm giáo dục được chia sẻ rộng rãi, tạo điều kiện cho tất cả mọi người có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng, chỉnh sửa và cá nhân hóa phù hợp với từng mục tiêu khác nhau. 

Mở rộng sự tiếp cận và cơ hội giáo dục đến với tất cả mọi người là một hướng đi thích hợp nhằm gia tăng trình độ học vấn của toàn xã hội.

Tuy nhiên, hai vị này chỉ ra thực trạng giáo dục tài chính thông qua giáo dục mở tại Việt Nam hiện nay chưa được triển khai ở phạm vi rộng, thiếu sự đồng bộ nên chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa giúp tăng cường mức độ hiểu biết tài chính của người dân. 

Từ đó, hai tác giả đưa ra mô hình giáo dục mở thành công trong giáo dục tài chính tại Singapore để Việt Nam có thể tham khảo. 

Cụ thể mô hình giáo dục mở trong giáo dục tài chính tại Singapore diễn ra như sau: 

Thứ nhất, giáo dục mở trong giáo dục tài chính cho trẻ em

Để thực hiện việc cung cấp kiến thức tài chính cá nhân cho trẻ em, Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE) đã thực hiện các chương trình đào tạo sư phạm nhằm nâng cao khả năng hiểu biết tài chính cá nhân của giáo viên. 

Sau đó, giáo viên sẽ được hướng dẫn thiết kế và thực hiện các bài học về giáo dục tài chính cá nhân cho học sinh dựa trên chương trình khung.  

Việc áp dụng khung này được thực hiện khá linh hoạt ở các trường. 

Chẳng hạn, chương trình dành cho lớp 1 và 2 có thể được thực hiện dựa trên hình thức kể chuyện nhập vai với cách tiếp cận đa dạng cùng với hình minh họa để giúp cho học sinh nhận được các giá trị cơ bản cần thiết cho việc nâng cao hiểu biết tài chính. 

Nhờ đó, các học sinh đã có những hồi ức sống động về những câu chuyện và các hoạt động đi kèm và hiểu được thông điệp của câu chuyện để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Thạc sĩ Hứa Phương Linh (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, giáo dục tài chính thông qua giáo dục mở tại Việt Nam hiện nay chưa được triển khai ở phạm vi rộng, thiếu sự đồng bộ nên chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa giúp tăng cường mức độ hiểu biết tài chính của người dân. (Ảnh minh họa)
Thạc sĩ Hứa Phương Linh (Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, giáo dục tài chính thông qua giáo dục mở tại Việt Nam hiện nay chưa được triển khai ở phạm vi rộng, thiếu sự đồng bộ nên chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa giúp tăng cường mức độ hiểu biết tài chính của người dân. (Ảnh minh họa)

NIE cũng nhận thấy rằng giáo dục hiểu biết tài chính cá nhân nên được cung cấp cho học sinh theo phương thức trực tuyến

Bằng cách này, học sinh có thể dễ dàng điều chỉnh mức độ học một cách thuận tiện ở bất kì đâu, bất kì lúc nào. 

Các nghiên cứu về giáo dục tài chính cá nhân đề cao khả năng giải quyết vấn đề trong thực tế và trò chơi điện tử ứng dụng là một sự lựa chọn mang lại hiệu quả cao cho việc tạo động lực, phát triển các kỹ năng cần thiết và hình thành thói quen cho học sinh. 

Học sinh có động lực và nhận thức đúng đắn nội dung được truyền tải sẽ học tập tích cực.

Qua việc khai thác công nghệ và các trò chơi có tính ứng dụng và giáo dục cao, các chương trình giáo dục tài chính cá nhân được thiết kế khiến cho việc học trở nên dễ dàng, thú vị và hiệu quả hơn. 

Trung tâm Citi-NIE đã tạo điều kiện để học sinh tham gia vào việc cộng tác xây dựng các nội dung giáo dục đa phương tiện trước khi được dạy trong các lớp học.

Việt Nam học được gì từ giáo dục tài chính tại Singapore? ảnh 2Sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục truyền thống và hệ thống giáo dục mở

Thêm vào đó, cách phân phối nội dung mới qua internet như sách điện tử, ứng dụng di động, trò chơi kỹ thuật số gần đây đã giúp học sinh dễ dàng chia sẻ hơn và trở thành công cụ quan trọng trong việc giảng dạy và học tập. 

NIE đã cung cấp phiên bản thử nghiệm khóa học trực tuyến về tài chính thông qua các nền tảng e-learning trên Cloud và iTunesU.

Hướng đi này đã đem lại một số hiệu ứng tích cực. Một ví dụ cụ thể là trường tiểu học Sembawang đã hướng dẫn học sinh sử dụng ứng dụng trên di động MShopper để học về cách chi tiêu khôn ngoan. 

Hầu hết học sinh đều nhận thấy dễ dàng áp dụng các kiến thức đã học vào việc thực hành các nhiệm vụ thực tế trong cuộc sống được đặt ra trong ứng dụng.

Giáo viên cũng quan sát thấy học sinh đã có nhận thức về tiền bạc tốt hơn: biết mua những món đồ giá thấp và có khả năng lập ngân sách và trình bày được lý do chính đáng để chi tiêu. 

Cho đến năm 2015, Trung tâm Citi-NIE đã thực hiện các chương trình giáo dục trên phạm vi cả nước với 72% trường tiểu học, 91% trường trung học, 90% cao đẳng và trung cấp cơ sở. 

Trung tâm Citi-NIE đã hợp tác 97 trường thúc đẩy hoạt động giáo dục tài chính cho giáo viên và học sinh thông qua cách tiếp cận toàn bộ trường học và tổ chức hơn 430 sự kiện. 

Hơn 327.000 học sinh, phụ huynh và giáo viên đến từ hơn 300 trường học ở Singapore đã tham gia vào các hoạt động của Trung tâm Citi-NIE để thúc đẩy giáo dục tài chính. (Citi-NIE Financial Literacy Hub for Teacher, 2015)

Thứ hai, giáo dục tài chính cá nhân cho người trưởng thành ở Singapore

Ban chỉ đạo giáo dục tài chính cấp Bộ được thành lập bởi cơ quan tiền tệ Singapore đã triển khai hệ thống chương trình giáo dục truyền thông về tài chính cá nhân toàn quốc mang tên MoneySENSE. 

Những khóa đào tạo trong chương trình MoneySENSE được phân chia theo 3 cấp độ khác nhau. 

Thứ nhất là đào tạo tài chính phục vụ đông đảo quần chúng nhằm tăng cường sự hứng thú và quan tâm về các vấn đề tài chính, thiết lập năng lực tài chính cá nhân. 

Việt Nam học được gì từ giáo dục tài chính tại Singapore? ảnh 3Bốn kiến nghị về đổi mới giáo dục đại học theo định hướng mở

Thông qua những hoạt động đào tạo này, người dân sẽ quen thuộc và coi MoneySENSE là một nguồn đáng tin cậy để cung cấp các chương trình, học liệu và thông tin về đào tạo tài chính cơ bản. 

Những hoạt động đào tạo ở cấp độ này thường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như các chương trình trên vô tuyến, đài, quảng cáo v.v. các sự kiện quy mô lớn như các cuộc biểu diễn đường phố, hội thảo chuyên đề, trên website hay facebook chính thức của MoneySENSE. 

Thứ hai là đào tạo tài chính cho các đối tượng mục tiêu cụ thể ví dụ như học sinh, sinh viên, người trưởng thành đã đi làm. Những hoạt động đào tạo này được tổ chức dưới dạng đạo tạo trực tiếp giữa người học và người dạy. 

Thứ ba, là đào tạo tài chính theo chủ đề về những vấn đề hay sản phẩm cụ thể ví dụ như giới thiệu những sản phẩm tài chính mới hoặc khó hiểu, những giao dịch tài chính phức tạp, những xu hướng hay chính sách về tài chính... 

Mục tiêu của hình thức đào tạo này là hướng dẫn khách hàng hiểu rõ hơn về các sản phẩm tài chính qua đó đánh giá mức độ thích hợp của việc sử dụng các sản phẩm đó trong phạm vi ngân sách của khách hàng. 

Hoạt động đào tạo này được thực hiện thông qua các bài báo, các chương trình trên phát thanh, truyền hình chuỗi các trò chơi, các cuộc thi và các buổi hội thảo về quản lý tài chính (MoneySENSE, 2015).

Thông qua chương trình, người dân có được những kiến thức và kỹ năng trong việc quản lý tài chính hàng ngày, đầu tư thận trọng, lên kế hoạch cho nhu cầu dài hạn và được thực hiện các quyền lợi trong tiêu dùng các dịch vụ tài chính, giúp họ đạt được nền tài chính cá nhân thịnh vượng và tự bảo vệ bản thân.

Từ thực tế đó, Thạc sĩ Hứa Phương Linh và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuệ đã đưa ra đánh giá hệ thống giáo dục tài chính của Singapore và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Theo đó, hai vị này chỉ rõ, hoạt động giáo dục tài chính theo mô hình giáo dục mở ở Singapore chịu sự quản lí và thực hiện bởi cơ quan nhà nước, hợp tác xây dựng và xúc tiến chương trình cùng với các tổ chức giáo dục chuyên trách và nhóm các doanh nghiệp. 

Nội dung giáo dục tập trung xuyên suốt vào ba mục tiêu chính là kĩ năng quản lí tiền bạc, lập kế hoạch tài chính và đầu tư cơ bản được đưa vào một cách phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của một con người, từ khi còn nhỏ đến lúc già yếu. 

Việt Nam học được gì từ giáo dục tài chính tại Singapore? ảnh 4Hình thức, nguyên tắc xuất bản của giáo dục mở, học liệu mở là gì?

Các chương trình đều được xây dựng có hệ thống, thực hiện trên quy mô lớn và triển khai hiệu quả cả hai phương thức trực tiếp và gián tiếp. 

Tuy các chương trình được tập trung trong một cơ quan thuộc chính phủ quản lí và điều hành nhưng các thành viên tham gia tổ chức lại khá đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực tài chính khác nhau, đóng góp và xây dựng các hoạt động giáo dục tài chính cho chương trình như Hiệp hội người tiêu dùng, ngân hàng, bảo hiểm, quản lý tài chính, tư vấn tài chính, hoạch định tài chính và quản lý đầu tư. 

Việc giáo dục tài chính cá nhân cho trẻ em đã được Singapore phối hợp hài hòa giữa giáo dục kiến thức trên lớp qua các môn học bắt buộc, các buổi hoạt động ngoại khóa và công nghệ thông tin. 

Các chương trình còn kết hợp tính giải trí đã khiến học sinh thấy thích thú hơn, dễ dàng hơn trong việc học tập và đạt hiệu quả cao cả về chất lượng và quy mô ảnh hưởng. 

Các cuộc thi về hiểu biết tài chính được tổ chức đã tạo ra tính cạnh tranh cho học sinh các trường học, từ đó học sinh sẽ có nhiều động lực hơn trong việc tiếp thu kiến thức và giao lưu, chia sẻ hiểu biết của bản thân với những bạn khác cùng trang lứa.

Singapore cũng đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo kĩ năng sư phạm và nâng cao khả năng hiểu biết tài chính cá nhân cho giáo viên để từ đó truyền đạt lại kiến thức cho học sinh. 

Điều này rất quan trọng và hiệu quả bởi nếu giáo viên không có đủ trình độ thì rất khó khăn trong việc giúp đỡ học sinh học tập đúng hướng và đạt kết quả cao nhất.

Việc đào tạo giáo viên cần được thực hiện trên nền tảng trực tuyến và hệ thống học liệu mở giúp cho họ có thể dễ dàng cập nhật kiến thức và tìm được tài liệu cho bài giảng.

Qua nội dung phân tích ở trên, có thể thấy hệ thống giáo dục tài chính ở Singapore đã được cung cấp bởi nhiều hình thức khác nhau nhưng đều xoay quanh hệ thống giáo dục mở, hướng đến việc chia sẻ học liệu mở miễn phí và thực hiện hoạt động đào tạo trên nền tảng kỹ thuật số. 

Singapore xây dựng các chương trình giáo dục tài chính cá nhân và triển khai các chương trình này thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, internet, truyền hình…. 

Thực tế, việc áp dụng mô hình giáo dục mở cho việc nâng cao nhận thức tài chính không chỉ có Singapore áp dụng mà nhiều nước đã xây dựng chiến lược giáo dục tài chính cá nhân thành công trên thế giới như Anh, Úc, Ba Lan, Nhật Bản… 

Việt Nam nằm trong top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Vì thế, có thể nói đây là một cách giáo dục rất có tiềm năng phát triển và phù hợp khi áp dụng ở Việt Nam.




Linh Hương