Ý kiến của Nhân dân về thi tốt nghiệp cấp 3 ở dự thảo Luật Giáo dục

15/02/2019 06:19
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo dự kiến, tại phiên họp thứ 31 của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Ngày 16/8/2018, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 2165/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 26, trong đó đề nghị Chính phủ chủ động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tổng hợp ý kiến Nhân dân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân, kết quả đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp.

Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 21 –22/02/2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đang có 3 loại ý kiến về thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh đại học. (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)
Đang có 3 loại ý kiến về thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh đại học. (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Tính đến ngày 22/1/2019, đã nhận được: Báo cáo của 53/63 sở giáo dục và đào tạo với 812.591 ý kiến; 195 Phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực;113 người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội- xã hội nghề nghiệp và xã hội, hiệp hội; 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; 130 bài báo…

Có 11 nhóm vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân.

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm tại dự thảo luật là về thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh đại học.

Về vấn đề này, cơ bản có ba loại ý kiến.

Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với Điều 32 dự thảo Luật khi bổ sung quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Quy định mới này nhằm khắc phục bất cập của Luật Giáo dục hiện hành vì không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh đã học xong chương trình trung học phổ thông nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp; chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình trung học phổ thông và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Dự thảo Luật cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển đại học vì việc tuyển sinh đại học thuộc về quyền tự chủ của các trường đại học đã được quy định trong Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung).

Có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho sở giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và xác định rõ mục đích của việc cấp giấy chứng nhận.

Quy định này đảm bảo thực hiện được vấn đề liên thông đối với người học.

Có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông để đảm bảo tính linh hoạt và quản lý ngành đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của Nhân dân nêu trên đây và bổ sung quy định: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và sửa đổi quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo việc phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Vấn đề tuyển sinh đại học thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung).

Đỗ Thơm