1001 cách đón Tết ý nghĩa của sinh viên ở quê

24/01/2012 06:00
Trung Sơn
(GDVN) - Ngồi trên xe đi Điện Biên cùng các bạn, những người đi làm ăn xa về quê đón Tết, Thu Thùy mới cảm nhận thấy xuân đã về trên mọi nẻo đường đất nước...
Xuôi ngược trên những chuyến tàu, xe
Xuân về, Tết đến, triệu người về quê đón Tết, các bạn trẻ cũng có những kiểu chơi xuân, đón Tết rất sinh viên. Trong khi nhiều người khác nhanh chóng rời khỏi thành phố để về sum vầy với gia đình, thì họ cũng đi, nhưng là xuôi ngược trên những chuyến tàu vào Nam, ra Bắc để tận hưởng không khí Tết theo cách của riêng mình.
Nhiều bạn trẻ chọn thời gian nghỉ cận tết để "du xuân" miền Tây bắc.
Nhiều bạn trẻ chọn thời gian nghỉ cận tết để "du xuân" miền Tây bắc.
Tạm gác lại việc học hành vất vả sau một năm, các bạn sinh viên đã “hẹn hò” nhau đi du xuân ở những nơi nổi tiếng như Mộc Châu, Điện Biên để được ngắm hoa đào, hoa mận khoe sắc, ngắm hoa cải nở trắng đồi.
Khác với mọi năm chỉ chơi Tết quanh quanh Hà Nội, Tết năm nay, Thu Thùy (Hưng Yên) đã dành tiền cùng nhóm bạn đi du lịch Điện Biên để được tận hưởng cảnh sắc đất trời Tây Bắc đẹp nhất trong năm. Đây là thời điểm Tây Bắc chìm ngập trong sắc trắng của hoa cải, hoa mận, sắc hồng của đào rừng nên khá hút các bạn trẻ. Thùy chia sẻ, giờ về nhà cũng không bận rộn gì, đi chơi mấy ngày rồi về dọn dẹp nhà cửa giúp gia đình đón Tết, mấy ngày đầu năm thì đi chúc Tết họ hàng nên tranh thủ đi bây giờ là thích hợp nhất. 
Hành trình hơn 400 km, nhìn cảnh đẹp dọc đường đã thích mê rồi. “Ngồi trên xe đi Điện Biên cùng với các bạn sinh viên, những người đi làm ăn xa về quê đón Tết, mình mới cảm nhận thấy xuân đã về trên mọi nẻo đường cùa đất nước”. Thùy hào hứng.
Với khí thế mùa xuân, vừa kết thúc buổi học cuối cùng, Đoàn Hoài Bắc (Vũng Tàu) đã vội vã theo chân các bạn sinh viên lên tàu ngược ra Bắc. Hoài Bắc đón cái Tết miền Bắc đầu tiên từ năm lên 4 tuổi, từ đó đến nay đã hơn 20 năm không được đón Tết ở quê nội Hoa Lư (Ninh Bình) nên Bắc rất nhớ .

“Tết ngoài này vui hơn trong Nam, mình thèm cái lạnh của miền Bắc và không khí tụ họp ấm cúng nên năm nay nhất quyết xin ba mẹ cho ra ngoài này ăn Tết cùng với họ hàng,  rồi tranh thủ đi du lịch Tràng An, chùa Bái Đính luôn. Cái tên Hoài Bắc cũng có ý nghĩa là để mình không quên nguồn cội, gốc gác của mình”. Bắc cho hay.
Nhiều bạn trẻ Tết này ở nhà gói bánh chưng cùng gia đình.
Nhiều bạn trẻ Tết này ở nhà gói bánh chưng cùng gia đình.

Hành trình tìm về với Tết dân tộc

Không xuôi ngược trên những chuyến tàu Nam – Bắc để thấy Tết đang về rất gần, nhiều bạn sinh viên chọn cho mình cách đón Tết giản dị mà đầy ý nghĩa, với tinh thần hướng về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhịp sống gấp gáp khiến cho Tết ngày càng không còn giữ được những giá trị ban đầu. Những tưởng bánh chưng chỉ còn các bậc trung niên tuổi cha, chú biết gói, nhưng nhiều bạn trẻ ở quê lại rất hào hứng với phong tục truyền thống này mỗi dịp Tết về.
Lê Văn Dương (huyện Phục Hòa, Cao Bằng) ngồi quan sát kỹ thao tác gói bánh của bố để làm theo. Số là trước khi về nghỉ Tết, các bạn học người Hà Nội hỏi Dương là con trai vùng cao chắc gói bánh, làm bánh khéo tay lắm. “Khi nghe các bạn hỏi, mình thẹn đỏ mặt vì kỳ thực, 21 tuổi đầu chưa bao giờ mình tự tay gói một chiếc bánh chưng hay học gói bánh, dù năm nào bố cũng gói hàng chục chiếc”. 
Thế nên, thay vì tụ tập bạn bè đi chơi, năm nay Dương quyết định ở nhà cùng bố gói bánh. Những chiếc bánh đầu tiên xộc xệch, không vuông vắn thành hình nhưng Dương thấy vui vì đó là những chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời biết gói. 
Hoàng Cúc đang trổ tài gói bánh chưng đón Tết.
Hoàng Cúc đang trổ tài gói bánh chưng đón Tết.
Thao tác vuốt lá, gấp lá dong hết sức thành thục, Hoàng Cúc ( huyện Gia Lộc, Hải Hương)  cũng đang đổ gạo vào khuôn, làm nên những chiếc bánh đầu tiên chuẩn bị cho Tết Nhâm Thìn. Là con gái nhưng Cúc đã có “thâm niên” 5 năm gói bánh chưng. Đối với Cúc, bánh chưng gắn liền với những kỷ niệm những ngày còn thơ khi lăng xăng bên chiếu bánh của bố và anh.

Những chiếc bánh thơm phức mùi gạo nếp, lá dong luôn đã “quyến rũ” cô nàng từ hồi còn bé tẹo 15 tuổi, Cúc đã được bố chỉ cho cách gói bánh chưng, cách đong gạo, buộc từng nút lạt vừa vặn nhất để sao cho không chặt quá bánh sẽ bị cứng, không lỏng quá bánh sẽ bị bung ra không thành hình. 
Cúc khoe, Tết ngày còn tự tay gói bánh chưng để tặng gia đình người yêu. Cô thích nhất cảm giác mỗi khi đặt những chiếc bánh vuông vắn, đầy đặn do chính tay mình gói lên bàn thờ gia tiên, cầu mong một năm an lành, sung túc cho cả nhà. Cúc tâm sự: “Giờ người ta chỉ thích đi chơi, mua sắm Tết chứ ít quan tâm đến những phong tục cổ truyền như thế này. Bạn bè nhiều người được hỏi có biết gói bánh chưng không thì đều lắc đầu. Cứ thế này thì một mai, phong tục này sẽ bị mai một, chẳng còn mấy bạn trẻ biết gói bánh nữa” Cúc thổ lộ.
Không đợi ra ngoài Tết, vừa về đến nhà, Nguyễn Hữu Giang (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã vác bút nghiên lên chùa Phủ Na đi học viết chữ thư pháp. Ở đây không có “phố ông đồ” như ở ngoài Hà Nội, song cũng có những gian hàng be bé, bày mực tầu giấy đỏ của những người hay chữ, họ chuyên cho chữ người đi chùa để cầu mong năm mới an lành, nhiều may mắn. Đi chơi với bạn bè, những nét chữ thư pháp uốn lượn đã hấp dẫn Giang nên mỗi dịp Tết là cậu lại tìm đến đây. 
Giang cười “Mình vẫn chưa học được nhưng vẫn muốn cố gắng. Viết chữ đòi hỏi người học phải kỳ công, bỏ ra nhiều tâm sức, nó rèn luyện cho mình tính kiên nhẫn và cả lòng vị tha nữa”.
Đường quê trăm ngả, người quê muôn lòng, cứ ngỡ người trẻ ngày nay dễ bị cuốn vào những xô bồ của cuộc sống hiện đại mà quên đi những giá trị cũ. Nhưng nhiều bạn trẻ vẫn còn thiết tha với Tết cổ truyền, họ đã có những cách chơi Tết của riêng mình, đơn giản thôi nhưng vẫn tận hưởng đầy đủ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Trung Sơn