12 ngày sống thoi thóp của thông tư "cộng điểm cho Bà mẹ VN anh hùng"

01/12/2013 07:19
Xuân Trung
(GDVN) - Ngày 17/7/2013, Bộ GD&ĐT đã chính thức bỏ quy định cộng điểm vào Đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng. Như vậy, sau 12 ngày “thoi thóp” sống trong búa rìu dư luận, Thông tư số 24 của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã được “khai tử” và thay bằng Thông tư 28 với sự thay đổi duy nhất là bãi bỏ Quy định cộng điểm ưu tiên thi ĐH-CĐ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945.
Là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành giáo dục được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lựa chọn là "sự kiện giáo dục của năm", quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng đi thi đại học đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Cộng điểm cho người “gần đất xa trời”

Trong khoảng đầu tháng 7/2013 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, thông tư 24 là cụ thể hóa pháp lệnh người công và Nghị định số 31 của Chính phủ đã có hiệu lực từ tháng 4/2013, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên. 

Cụ thể, sẽ bổ sung đối tượng 03 sẽ được cộng 2 điểm đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng.

Bỏ quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh minh họa Vnexpress.
Bỏ quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh minh họa Vnexpress.

Cũng theo đó, Thông tư này còn ưu tiên con của Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế và con của người có công giúp đỡ cách mạng được bổ sung vào đối tượng ưu tiên 04, được cộng 2 điểm khi thi đại học.

Thông tư cũng sửa đổi đối tượng ưu tiên “con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945” thuộc đối tượng 04 thành “con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”.

Những đối tượng ưu tiên là con của người hoạt động cách mạng là điều đương nhiên phải được hưởng, thậm chí phải có chính sách đãi ngộ khác đối với đối tượng này. Ngay sau khi Thông  tư 24 được ban hành thì dư luận không ngớt bàn tán chuyện bổ sung đối tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào danh sách được cộng điểm khi thi đại học, cao đẳng. 

Tuy nhiên, điều này không trái Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ vào Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD&ĐT. Nhưng dư luận nhận thấy một điều, cách áp dụng quy định đó không sát với thực tế, với hoàn cảnh hiện tại vì phần lớn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều đã rất lớn tuổi.

Bộ GD&ĐT trần tình
“Năng lực lắng nghe” ở một góc độ nhất định, đó là “hàn thử biểu” của mức độ dân chủ hoá. Bất kỳ một chính sách xã hội nào khi được áp dụng vào đời sống, bên cạnh mặt tích cực thì còn có những khiếm khuyết, tồn tại; lúc này vai trò phản biện là hết sức quan trọng. Và, người lãnh đạo, lúc này cần hết sức phát huy “năng lực lắng nghe”.

Và, những người có năng lực lắng nghe thật sự, sẽ biết cách hành xử có văn hóa; họ sẽ có văn hóa xin lỗi. Bởi họ hiểu, biết cúi đầu thì mới có thể ngẩng cao đầu.

Phạm Nguyễn - Báo GDVN

Ngay sau đó phản ứng từ dư luận, phần lớn là không tán thành với quy định này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng, Thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy được ban hành trong bối cảnh cả nước đang triển khai xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Trong khi đó, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng không giới hạn tuổi của thí sinh. Do đó, mọi người dân có đủ điều kiện quy định và có nguyện vọng đều có thể dự thi (chính quy, liên thông, vừa làm vừa học...).

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng không quy định giới hạn tuổi của Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Không chỉ người trong thời kỳ kháng chiến mà nhiều người trong thời kỳ hiện nay cũng có thể được phong tặng danh hiệu này.

Thông tin với báo chí, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, việc cập nhật các đối tượng ưu tiên thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, dù biết rằng đối tượng bổ sung có thể rất ít.
Ban hành quy định mà chưa xem tới tính phổ biến 

Trước thông tin này, trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu ra quy định như vậy, những người hoạt động cách mạng trước tháng 1 năm 1945, lúc này đã 80-90 tuổi, nếu vẫn thích đi học đại học, thì với những trường hợp này Pháp lệnh ưu đãi những người có công đã quy định rõ. Nhưng thẩm quyền cho ưu tiên như thế nào thì vẫn thuộc Bộ GD&ĐT, nếu có những trường hợp cá biệt đó xảy ra. 



Trước nhiều ý kiến không đồng tình với quy định này, GS. Thuyết cho rằng, khi đã ra một văn bản quy phạm pháp luật thì phải chú ý tới tính thực tế, tính khả thi và phải chú ý xem văn bản đó đã bao quát được những trường hợp phổ biến hay chưa? 

Với những trường hợp cá biệt trong quy định vẫn có thể xử lý theo cách cá biệt, không thể nói “lý luận” của một số ý kiến cho rằng Thông tư 24 đưa ra trong tương lai có thể có Bà mẹ Việt Nam anh hùng 30 tuổi.

Cũng theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, muốn có điều chỉnh phải phân tích được nguyên nhân, thực trạng. Khi đưa ra biện pháp điều chỉnh (ra văn bản quy phạm pháp luật) phải tính toán xem có thống nhất với hệ thống pháp luật hay không? Có tính khả thi không?  Có gây tốn kém tiền bạc cho Nhà nước và nhân dân không? Đem lại lợi gì từ chỗ tốn kém đó?

Trao đổi với chúng tôi về sự kiện này, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, số bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng trước năm 1945 sẽ là rất ít, do đó việc cộng điểm là không hợp lí. 

Theo GS Dong, các bà mẹ nhiều tuổi nếu muốn đi học cứ tạo mọi điều kiện cho đi học, còn việc cộng điểm sẽ là rất buồn cười. “Ai muốn học ở đâu thì ưu đãi cho họ học. Tôi nghĩ những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đâu có cần bằng cấp, họ đã già rồi, họ chỉ cần chế độ ưu đãi đặc biệt. Điều đó vừa để thể hiện lòng tôn kính của chúng ta với họ, vừa tạo điều kiện để họ có thể tham gia học suốt đời” GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Trước tính chất không hợp lí này, và nhiều ý kiến không thể hiện sự ủng hộ quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hơn 10 ngày sau đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ký ban hành Thông tư số 28 để thay thế Thông tư 24 về chính sách ưu tiên cho những người hoạt động Cách mạng trước tháng 1/1945 và chính sách ưu tiên cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học. 

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết, đây là việc làm thể hiện thái độ dũng cảm, thấy sai phải sửa và không phải bộ nào cũng làm được. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đồng tình với động thái trên là tốt. 

Tuy nhiên, theo ông Quốc sau sự việc này mới thấy không chỉ riêng Bộ GD&ĐT mà còn nhiều cơ quan khác thường ra những văn bản không sát với thực tế.

Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc về ban hành văn bản
Như vậy, sau 12 ngày “thoi thóp” sống trong búa rìu dư luận, Thông tư số 24 của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã được “khai tử” và thay bằng Thông tư 28 với sự thay đổi duy nhất là bãi bỏ Quy định cộng điểm ưu tiên thi ĐH-CĐ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã lên tiếng thẳng thắn cho biết: Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc về ban hành văn bản trước các đại biểu Quốc hội khi được hỏi về việc gần đây Bộ GD-ĐT ban hành một số văn bản pháp luật “rất thiếu tính thực tế và gây phản ứng rất dữ dội trong dư luận”.

Trong văn bản được công bố ngày 30-9, ông Phạm Vũ Luận lý giải việc Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành thông tư 24 bổ sung chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đối với người có công với cách mạng và con của họ nhằm “thực hiện chủ trương đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng, đảm bảo cơ hội và quyền lợi học tập suốt đời của người dân”. Việc đưa bà mẹ Việt Nam anh hùng vào đối tượng được ưu tiên trong thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ xuất phát từ việc ban soạn thảo mong muốn “văn bản phải mang tính bao quát tổng thể”, nên đã quy định đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh “mặc dù không trái với pháp lệnh và nghị định trên nhưng chưa phù hợp với thực tế ở nước ta”.
Xuân Trung