"2 sai lầm của UBND tỉnh Nam Định khi nói không với bằng tại chức"

21/06/2013 07:10
Đỗ Tuyết
(GDVN) -Trước thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tiếp tục nói không với bằng tại chức trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2013.…Đã có rất nhiều độc giả gửi ý kiến của mình về báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Về vấn đề này, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam đã có bài  CT tỉnh Nam Định: Không nhận tại chức vì Nam Định là tỉnh học quá giỏi. Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thừa nhận là có việc đó, theo ông Tuấn, đây là nghị quyết của Tỉnh ủy từ khóa trước. Tính đến nay đã áp dụng được gần 10 năm. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay: vì chất lượng đào tạo của tại chức thấp, thứ hai là vì Nam Định là tỉnh học quá giỏi…
Ông cho biết : "Năm nào trường cũng nằm trong các tốp đầu đỗ đại học, cao đẳng. Trung bình mỗi năm, Nam Định có hơn 2 vạn học sinh thi vào các trường chuyên nghiệp thì có tới trên 1 vạn là đỗ đại học. Vì vậy những người học hệ tại chức không thể so sánh được... và cháu học tại chức làm việc chậm  chạp, nói mãi không hiểu…".

UBND tỉnh Nam Định tiếp tục nói không với bằng tại chức trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2013
UBND tỉnh Nam Định tiếp tục nói không với bằng tại chức trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2013

Nên hay không?

Trước quyết định của UBND tỉnh Nam Định. Độc giả Nguyễn Mạnh Hiếu khẳng khái: “Tôi phản đối cách lập "đập" ngăn cấm gây khó kiểu đó của tỉnh Nam Định. Thứ nhất, và điều cơ bản, nó vi phạm quyền tự do học tập của con người.

Thứ hai, với giáo dục Đại học hiện nay còn nhiều vấn đề như vậy. Bằng chính quy cũng chưa chắc gì hơn bằng tại chức khi đem ra so sánh ngoài thực tế.?

Ở một khía cạnh khác, Độc giả Nguyễn Nam chỉ rõ việc nên hay không nhận bằng tại chức trong việc tuyển dụng công chức: “Theo tôi là cần phải kiểm tra đối tượng dự tuyển mới chính là mục tiêu. Là một “nhà tuyển dụng” cần phải tìm ra biện pháp tuyển thế nào đó để tránh nhận phải những người có bằng nhưng năng lực kém. 

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều có các hệ đào tạo khác nhau, các trường khác nhau cũng dạy chuyên ngành ấy và Việt Nam cũng vậy. Trên thực tế, nhiều cán bộ lãnh đạo, nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động văn hoá hàng đầu, nhiều nhà kinh doanh… tuy không có điều kiện học cao nhưng do chịu khó học hỏi, rèn luyện trong đời sống…đã trở thành những người thành đạt, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung. 

Điều chúng ta cần là tuyển chọn được những người có năng lực thực sự chứ không phải chỉ có cái bằng. Còn nếu cứ phân bằng cấp thành các loại như công lập, chính quy, từ xa, tại chức, dân lập, … thì chủ nghĩa đó đã trở thành rất cực đoan. Không nên vơ đũa cả nắm để mà cho rằng hệ ngoài công lập đều có chất lượng kém. 

Với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước mà UBND tỉnh Nam Định lại ban hành một văn bản mang tính chất định kiến như vậy là trái với tinh thần của luật pháp. Đồng thời làm chậm lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Đó là còn chưa kể chúng ta chưa hề có căn cứ xác đáng để đánh giá khả năng của đối tượng tuyển dụng.

“Việc không tiếp nhận bằng tại chức tại Nam Định làm người dân, công -viên chức có bằng này là thiệt thòi và quả thực không nên (chưa nói đến chuyện pháp lý). 

Đáng lý ra, UBND tỉnh phải có định hướng và có lộ trình công khai rõ ràng từ nhiều năm trước cho người dân biết. Cứ đụng đâu làm đó thì dân không biết đâu mà lần".  độc giả Vui Vui đặt ra câu hỏi: "Lỗi này tại người học tại chức, của cha mẹ họ hay của UBND tỉnh Nam Định?”. 

Độc giả Nguyễn Hòa Bình đưa ra ý kiến: “Có lẽ ông CT tỉnh Nam Định định nói là chất lượng đào tạo tại chức của ta quá kém, Còn nếu cho rằng Nam Định quá nhiều người học giỏi không cần tuyển tại chức thì có lẽ là hơi sai lầm, có 2 lý do sau đây:

(1) Không phải người nào học giỏi, thì đều làm giỏi; rất nhiều trường chính quy còn kém hơn một số trường đào tạo hệ tại chức. 

(2) Việc học tại chức là vì mục đích nâng cao trình độ cho những ai trước đây không có điều kiện học tập, vì vậy học tại chức không có gì sai. 

Do đó, nếu Nam Định thật sự muốn tuyển người giỏi thì có thể minh bạch việc tuyển dụng cán bộ công chức, để cho cả người có bằng đại học chính quy lẫn người có bằng tại chức cùng nhau thi, xem ai giỏi hơn thì  sẽ biết”.

Không nhận tại chức như Nam Định là đúng
Bên cạnh những luồng ý kiến đưa ra về quyết định  không nhận bằng tại chức trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2013 là chưa rõ ràng và hợp lý. Có một số độc giả bày tỏ quan điểm đồng tình với quyết định của UBND tỉnh Nam Định.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của tỉnh Nam Định. Vì chất lượng công chức tốt sẽ làm nên xã hội tốt. Mong rằng các tỉnh cũng nên có chủ trương định hướng này để người dân biết và tạo điều kiện cho con em nghề nghiệp, học tập. Cá nhân tôi không chấp nhận bằng tại chức? Vì thời gian học ít, không đủ như chính qui. mặt khác tại chức là người đang đi làm, lấy thời gian đâu mà học, thực tế là nặng về mua điểm”: quan điểm của độc giả Hoàng Hải.
Đồng tình với quan điểm đó, độc giả Nguyên Chương cũng đưa ra chia sẻ: “Đây là bước đi của lãnh đạo tỉnh Nam Định để vực dậy nền kinh tế tỉnh nhà. Trước tiên việc tuyển dụng cũng chú trọng đến người có trình độ. Xã hội hiện đại bây giờ đã khác xa ngày xưa nhiều và chúng ta nên nhìn thẳng vào hiện thực chất lượng đào tạo hệ tại chức.
Học tại chức còn tốn kém hơn nhiều so với học chính quy và phẩm chất người học tại chức liệu có giỏi hơn những người đào tạo bài bản ở các trường chính quy. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm này của lãnh đạo tỉnh Nam Định, một tỉnh với truyền thống hiếu học và học giỏi thì không nên  để thế hệ trẻ tại chức làm công chức!”.
Độc giả có tên Hà Hoàng cũng đưa ra nhận định ủng hộ việc tỉnh Nam Định đưa ra quyết định  hợp lý: “Tôi cũng rất ủng hộ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ngày nay không phải khó khăn như hồi chiến tranh, nên việc đào tạo cũng cần phải nghiêm ngặt hơn.

Hiện nay “hệ tại chức” thường là  những đối tượng không đủ trình độ để đỗ một trường đại học. Vậy hỏi sẽ như thế nào khi họ thuộc hàng lãnh đạo trong cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, việc tuyển hệ tại chức tại tỉnh Nam Định cần phải nghiêm ngặt và rõ ràng đối với những người học tại chức và chính quy”.

Đỗ Tuyết