Ai đứng sau "cơn sốt tuyển sinh lớp 10 nhảy như chứng khoán" tại Hà Nội?

05/07/2018 07:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Giá như Sở Giáo dục Hà Nội cung cấp phổ điểm kịp thời, quy định thời hạn nộp hồ sơ nhập học rộng rãi như thành phố Hồ Chí Minh, đã không xảy ra những cơn sốt.

"Bấn loạn", điểm chuẩn tuyển sinh "nhảy như chứng khoán", "vật vã", "phụ huynh quay cuồng rút, nộp hồ sơ"...cho đến "phản giáo dục" là những mô tả trên truyền thông mấy ngày qua về hoạt động tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2018-2019.

Sự việc được ghi nhận tại 3 trường trung học phổ thông tư thục Lương Thế Vinh, Đào Duy Từ và Tạ Quang Bửu trước và sau thời điểm Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập chiều tối 29/6.

Tác giả Hà Vy, Báo Nhân Dân ngày 29/6 có bài viết "Những cách thức tuyển sinh phản giáo dục" phản ánh về các hiện tượng này và đưa ra một số nhận định của mình qua tiêu đề, nội dung bài viết. [1]

Sự việc tại Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cũng tương tự trường Đào Duy Từ. Còn tại Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu, sự việc có phần kịch tính hơn khi điểm chuẩn liên tục thay đổi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra công văn yêu cầu 2 trường Tạ Quang Bửu và Lương Thế Vinh phải hoàn trả toàn bộ các khoản lệ phí đã thu từ học sinh có nhu cầu rút hồ sơ.

Cơn sốt ảo tự phát hay có bàn tay ai đạo diễn?

Số lượng học sinh tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tăng đột biến do các em thuộc tuổi "Dê vàng" 2003, đó là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Hà Nội.

Phụ huynh và học sinh xem quy định về kì tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nay. Ảnh: NAM TRẦN / Báo Hà Nội Mới.
Phụ huynh và học sinh xem quy định về kì tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nay. Ảnh: NAM TRẦN / Báo Hà Nội Mới.

Nhưng tại sao cả nước tuyển sinh bình yên và trật tự, chỉ riêng mình Hà Nội "bấn loạn", "chụp giật" theo miêu tả của Báo Thanh Niên, "nhảy như chứng khoán", "vật vã" như đưa tin của tờ Lao Động, thậm chí là "phản giáo dục" như mô tả của Báo Nhân Dân?

Và nếu để ý hơn, có thể thấy rằng số lượng học sinh thi tuyển vào lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh năm nay tăng hơn 20 ngàn em so với năm ngoái, còn tại Hà Nội con số này là 22 ngàn học sinh.

Nhưng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh không xảy ra những hiện tượng như chúng tôi vừa dẫn. 

Đi tìm lý do cho sự khác biệt này, chúng tôi nhận thấy có mấy điểm đáng chú ý về cách thức tuyển sinh "có vấn đề" của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cũng như cách tiếp cận của truyền thông.

Thứ nhất, thông tin bị bít kín

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hạn chế thông tin đến cha mẹ học sinh có con thi vào lớp 10 năm nay, góp phần làm nóng thêm tâm trạng đứng ngồi không yên khi số lượng thí sinh tăng đột biến.

Ai đứng sau "cơn sốt tuyển sinh lớp 10 nhảy như chứng khoán" tại Hà Nội? ảnh 2

Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày?

Tại thành phố Hồ Chí Minh, sau khi công bố điểm thi vào lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp ngay thông tin phổ điểm.

Cha mẹ học sinh không chỉ biết điểm con mình, mà còn so sánh được với mặt bằng chung, bao nhiêu thí sinh đạt điểm mức điểm như con mình, trên và dưới mức điểm của con mình... 

Báo Tuổi Trẻ ngày 13/6/2018 đã có phân tích khá chi tiết về phổ điểm tuyển sinh lớp 10 tại thành phố Hồ Chí Minh. [2]

Ngược lại, học sinh và cha mẹ học sinh Hà Nội chỉ biết điểm thi tuyển sinh của con mình, và không ít người bất ngờ vì kết quả thi thấp hơn dự tính của các em, gia đình và kể cả thầy cô bộ môn trực tiếp giảng dạy.

Trong bối cảnh lượng thí sinh dự tuyển lớp 10 năm nay tăng đột biến và rất ít thông tin như vậy, việc các bậc cha mẹ học sinh lo lắng bất an, chạy đôn chạy đáo là điều hoàn toàn có thể dự đoán được, như cách thành phố Hồ Chí Minh đã làm. 

Các ví dụ mà nhà báo Hà Vy, Báo Nhân Dân chúng tôi đề cập trên đây là một điển hình.

Chính những thông tin đầy đủ và kịp thời này đã giúp ích rất nhiều cho cha mẹ học sinh và các em, giảm bớt rất nhiều tâm lý lo lắng, bất an không đáng có.

Tất nhiên cũng phải nói một cách sòng phẳng là, hiện không có quy định nào yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phải công bố phổ điểm thi tuyển sinh lớp 10.

Ảnh chụp màn hình bài viết trên Báo Nhân Dân.
Ảnh chụp màn hình bài viết trên Báo Nhân Dân.

Nhưng khi thực sự vì học sinh, vì giáo dục thì những gì có lợi cho các em và gia đình mà sở giáo dục và đào tạo có thể làm, mà Hà Nội chủ động làm, thì đã không có những cơn sốt vô lý và vô duyên như đã, đang xảy ra.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội "bận, không thống kê được" phổ điểm trong khi thành phố Hồ Chí Minh làm rất nhẹ nhàng, liệu có cần thiết phải xem lại năng lực cán bộ chuyên môn của mình?

Thứ hai, thời hạn nộp hồ sơ nhập học trường công sao phải gấp thế?

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hạn chế thời hạn nộp hồ sơ nhập học các trường công lập quá gấp, tạo tâm lý lo lắng bất an cho cha mẹ học sinh và hình thành cơn sốt ảo.

Theo phản ánh của nhà báo Thế Anh, Báo Lao Động ngày 4/7:

"So với Hà Nội, thời gian học sinh thành phố Hồ Chí Minh phải nộp hồ sơ nhập học được kéo dài tận 3 tuần, không phân biệt hồ sơ nộp sớm hay trễ (Hà Nội học sinh chỉ có 3 ngày để chuẩn bị và nộp hồ sơ). 

Việc này cũng giúp phụ huynh ở thành phố Hồ Chí Minh có thêm thời gian lựa chọn trường phù hợp, cũng như giảm áp lực, căng thẳng trong việc chuẩn bị hồ sơ." [3]

Chúng tôi kiểm tra lại chỉ đạo của 2 sở giáo dục và đào tạo này, thì quả đúng như vậy. 

Ai đứng sau "cơn sốt tuyển sinh lớp 10 nhảy như chứng khoán" tại Hà Nội? ảnh 4

Học sinh thủ đô còn mệt vì trường chất lượng cao, tư duy bao cấp

Công văn số 1353/SGDĐT-QLT ngày 13/4/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2018-2019 ghi rõ:

Học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học tại các trường trung học phổ thông công lập, các trường tiếng Pháp song ngữ từ ngày 1/7/2018 đến ngày 3/7/2018.

Học sinh trúng tuyển lớp 10 chuyên, song bằng tú tài nộp hồ sơ nhập học từ ngày 29/6/2018 đến ngày 1/7/2018. 

Các trường công lập tự chủ tài chính và các trường tư thục, thời gian cho học sinh nộp hồ sơ nhập học có rộng rãi hơn một chút, từ 1/7/2018 đến 15/7/2018. [4]

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, học sinh có hơn 3 tuần (22 ngày) để cân nhắc nộp hồ sơ nhập học vào trường nào, bất luận công - tư, với đầy đủ thông tin, và tất nhiên không thể có những cơn sốt vô lý như bạn bè các em ngoài Hà Nội.

Dù có trường tư nào đó "đóng cửa đi du lịch" trong thời gian này, thì cũng không thể đóng cửa suốt 22 ngày. Nhưng thời hạn nộp hồ sơ "nội trong 3 ngày" như quy định của Hà Nội, lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Công văn số 2237/GDĐT-KTKĐCLGD ngày 3/7/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh về một số quy định tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2018, 2019 cho biết:

Thời gian để học sinh nộp hồ sơ nhập học từ ngày 5/7/2018 đến 16 giờ 30 phút ngày 27/7/2018 (bất luận trường công hay trường tư, người viết lưu ý). [5]

Tâm lý nhiều cha mẹ học sinh muốn con mình học trường công vì chi phí rẻ, trong khi số lượng chỉ tiêu có hạn, số thí sinh lại tăng vọt so với mọi năm, điểm thi thấp hơn năm trước sẽ gây ra lo lắng bất an;

Thiết nghĩ là những điều Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoàn toàn có thể tiên liệu được. 

Chỉ cần một vài thao tác nhỏ mang tính kĩ thuật như Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã làm, chắc chắn Hà Nội sẽ không xảy ra những hiện tượng bất thường trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như năm nay.

Thứ ba là áp lực từ truyền thông

Những mô tả và bình luận từ truyền thông và những người được phỏng vấn về một vài hiện tượng bất thường trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Hà Nội cũng góp phần làm tăng độ nóng trong dư luận.

Ai đứng sau "cơn sốt tuyển sinh lớp 10 nhảy như chứng khoán" tại Hà Nội? ảnh 5

3 cách giảm áp lực sĩ số trường công Hà Nội hiệu quả, không tốn ngân sách

"Bấn loạn", "điểm chuẩn tuyển sinh nhảy như chứng khoán", "phụ huynh quay cuồng rút, nộp hồ sơ"...cho đến "phản giáo dục", những mô tả như vậy khiến không ít người cảm thấy bức xúc.

Có điều, người ta đã không chỉ ra được đâu là nguyên nhân thực sự của những hiện tượng này, và đó là hiện tượng nhỏ lẻ, cá biệt hay phổ biến, để rồi đổ hết lên đầu các trường tư thục.

Những nhận định về của một số tờ báo và một số vị được phỏng vấn về sự kiện này cho rằng, "nhiều trường công lập lợi dụng tâm lý phụ huynh" lúc "tranh tối, tranh sáng", "làm ăn chộp giật", "hồi hộp bấn loạn", "không thể chấp nhận", "phản giáo dục"...đã làm nóng vấn đề, nhưng không chỉ ra được nguyên nhân thực sự đằng sau sự kiện này là gì.

Về việc 3 trường tư thục không trả các khoản lệ phí phụ huynh đã đóng để xin nhập học cho con nhưng sau đó lại rút hồ sơ mà một số tờ báo cáo buộc là "chộp giật", "lợi dụng", "không thể chấp nhận"...chúng tôi xin phân tích trong bài viết tới.

Ở đây chúng tôi chỉ muốn trao đổi về sự đánh giá nguyên nhân và đối tượng gây ra những cơn sốt. 

Giá mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ động và kịp thời cung cấp thông tin phổ điểm cho cha mẹ học sinh, giá mà Hà Nội không quy định giới hạn nộp hồ sơ nhập học trường công "nội trong 3 ngày" mà rộng rãi thời gian hơn (so với 22 ngày của thành phố Hồ Chí Minh), thì chắc chắn ai đó có muốn "chụp giật" cũng không thể làm nổi.

Hơn nữa, số lượng trường xảy ra sự cố ngoài ý muốn không phải là nhiều.

Và cho đến nay cũng chưa có thống kê chính thức có bao nhiêu cha mẹ học sinh rút hồ sơ khỏi các trường này để cho con họ sang trường công sau khi biết điểm, để khẳng định rằng tỉ lệ này nhiều hay ít.

Nhưng có một điều chắc chắn, các trường này đang đứng trong tâm bão dư luận với rất nhiều cáo buộc, từ truyền thông, dư luận, cho đến cơ quan quản lý. 

Cái họ mất có thể lớn hơn nhiều so với khoản tiền phụ huynh đặt cọc chỗ học cho con trong lúc chông chênh mà báo chí gọi là "tranh tối, tranh sáng" vì thiếu thông tin từ Sở. 

Đó cũng sẽ là cái mất lớn của giáo dục Thủ đô, khi năng lực của hệ thống trường công đang ngày càng đuối trước nhu cầu và đòi hỏi của người dân.

Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn những cáo buộc này, cũng như trách nhiệm 3 bên cha mẹ học sinh - nhà trường - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội liên quan đến sự cố vừa qua.

Nguồn:

[1]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/36851602-nhung-cach-thuc-tuyen-sinh-phan-giao-duc.html

[2]https://tuyensinh.tuoitre.vn/tuyen-sinh-lop-10-tp-hcm-pho-diem-nam-nay-cao-hon-nam-truoc-20180613155124676.htm

[3]https://laodong.vn/giao-duc/tphcm-hon-50-bai-thi-toan-duoi-trung-binh-tai-sao-diem-chuan-vao-lop-10-van-tang-616713.ldo

[4]http://file2.hanoi.edu.vn//Data/hnedu/hanoi/Attachments/QLT/Tuyen_Sinh_Dau_Cap/2018-2019/1-HD%20TS%2010%20nam%202018_Sua(V6).pdf

[5]http://edu.hochiminhcity.gov.vn/thong-bao/mot-so-quy-dinh-ve-tuyen-sinh-lop-10-trung-hoc-pho-thong-nam-hoc-2018-2019-c39857-60322.aspx

Hồng Thủy