Ai nên viết đơn xin phép nghỉ học?

06/01/2017 08:47
Đỗ Thành Dương
(GDVN) - Kiến thức về đơn từ, học sinh đã được học từ cấp Tiểu học. Lên các lớp học sau, học sinh đã được hướng dẫn cặn kẽ cách viết đơn theo đúng chuẩn.

LTS: Việc viết đơn xin nghỉ học tưởng chừng đơn giản, chẳng có gì phải bàn. Bởi học sinh muốn nghỉ học thì phải tự viết đơn xin phép.

Tuy nhiên, học sinh ngày càng được cưng chiều, các bậc phụ huynh lại muốn làm thay công việc này cho con dù các em đã lớn và có khả năng tự làm.

Thầy giáo Đỗ Thành Dương chia sẻ một vài ý kiến của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Gần đây, chuyện viết đơn xin phép nghỉ học được nêu ra trên một diễn đàn đã gây nên sự chú ý cho bạn đọc với nhiều ý kiến tranh biện, băn khoăn; đồng tình nhiều và phản đối cũng không ít. 

Tựu trung lại có hai luồng ý kiến chính là “Đơn nghỉ học chỉ cần đủ nội dung là được” và “Đơn phải đạt cả về nội dung lẫn hình thức”.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm dạy học, trong đó phần lớn thời gian là giảng viên ở trường sư phạm, chúng tôi nhận thấy nhiều bạn đọc không còn nhớ ít nhiều kiến thức về một loại văn bản hành chính là đơn từ - mà ở đây cụ thể là “Đơn xin phép nghỉ học” của học sinh các cấp.

Học sinh đã được học về cách “Viết đơn” từ lớp Ba

Thực ra, kiến thức về đơn từ, học sinh đã được học từ cấp Tiểu học. Từ tuần thứ 2 của chương trình Tiếng Việt lớp 3 các em đã được học bài “Viết đơn” trong phân môn Tập làm văn.

Lên Trung học cơ sở, các em lại được củng cố, mở rộng thêm kiến thức về đơn từ trong bài “Viết đơn” ở tuần 29 và bài “Luyện tập cách viết đơn và sửa lỗi” ở tuần 30, môn Ngữ văn lớp 6.

Trong những bài học đó, học sinh đã được hướng dẫn cặn kẽ cách viết đơn - mà cụ thể là “Đơn xin phép nghỉ học” và được luyện tập, thực hành kỹ lưỡng, thuần thục.

Mẫu “Đơn xin phép nghỉ học” in trong sách Tiếng Việt 3, tập một (trang 28), Nxb Giáo dục. (Ảnh: Đỗ Thành Dương)
Mẫu “Đơn xin phép nghỉ học” in trong sách Tiếng Việt 3, tập một (trang 28), Nxb Giáo dục. (Ảnh: Đỗ Thành Dương)

Vậy, việc viết đơn xin nghỉ học không phải là việc của phụ huynh, mà là trách nhiệm của chính bản thân học sinh (trừ trường hợp học sinh nhỏ từ lớp 2 trở xuống, hoặc đau ốm không thể tự mình viết đơn được).

Phụ huynh chỉ nên xác nhận vào trong đơn mà thôi, còn người đứng đơn, chính là học sinh. 

Đây cũng là cơ hội cho học sinh thực hành kiến thức mà mình đã học ở trường theo phương châm giáo dục mang tính thực tiễn: “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế”.

Bài học ở chương trình lớp 6 đã khắc sâu kiến thức cho học sinh trong phần ghi nhớ: 

- Đơn được viết ra giấy (theo mẫu hoặc không theo mẫu) để đề đạt một nguyện vọng với một người hay một cơ quan, tổ chức có quyền hạn giải quyết nguyện vọng đó.

- Phải trình bày trang trọng, ngắn gọn và sáng sủa theo một số mục nhất định. Những nội dung bắt buộc trong đơn là: Đơn gửi ai? Ai gửi đơn? Gửi để đề đạt nguyện vọng gì?
”. [Trang 134, Ngữ văn 6, tập hai, Nxb Giáo dục]

Hãy để học sinh tự viết đơn

Vậy thì rõ ràng không còn lý do gì để biện minh cho việc viết đơn xin nghỉ học “chỉ cần đủ nội dung là được”, mà nhất thiết phải yêu cầu “đạt cả về nội dung lẫn hình thức” và do học sinh tự viết.

Ai nên viết đơn xin phép nghỉ học? ảnh 2

Lá đơn xin phép nghỉ học làm "rúng động" ngành giáo dục

Một số nhà trường vì nhiều lý do đã yêu cầu chính phụ huynh phải viết đơn xin nghỉ học cho học sinh là không đúng theo tinh thần, phương châm giáo dục mà Bộ yêu cầu, đồng thời tước đi của học sinh cơ hội thực hành các kiến thức đã học.

Một bộ phận phụ huynh cũng nên khắc phục tâm lý luôn muốn “làm thay” cho con trong mọi việc, nên để các em (từ lớp 3 trở lên) tự tay mình viết đơn xin phép nghỉ học.

Được biết, một số trường đã in sẵn mẫu đơn: “Đơn xin phép nghỉ học” ngắn gọn phát cho học sinh vào đầu năm học, học sinh chỉ việc điền vào những thông tin cần thiết và phụ huynh xác nhận là đủ.

Khi học sinh nghỉ học trong trường hợp gấp gáp, bất khả kháng thì không nhất thiết phải viết đơn xin phép nghỉ học, mà có thể bằng cách nào đó thuận lợi như điện thoại, tin nhắn (đã thỏa thuận trước giữa gia đình và nhà trường), phụ huynh cần thông báo cho giáo viên chủ nhiệm biết để đảm bảo quy định của nhà trường và thầy cô được an tâm.

Đỗ Thành Dương