Ấm lòng giáo viên, học sinh vùng lũ

20/10/2016 13:57
Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ
(GDVN) - “Chúng tôi được vơi đi nỗi đau thương mất mát, vì sự sẻ chia đùm bọc không chỉ của nhân dân trong nước mà còn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài”.

Đó là lời chia sẻ của thầy Trịnh Xuân Lợi (chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cảm động trước tinh thần “lá lành đùm lá rách” của nhân dân cả nước với đồng bào miền Trung.

Những tấm lòng đến với giáo viên, học sinh vùng lũ

Ông Đặng Đình Hùng (phường Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh) trao đổi:

Gia đình tôi có con làm việc ở Hàn Quốc, nghe tin quê nhà lụt bão, nhắn tin và gửi tiền về nhờ hai gia đình (gia đình tôi  và gia đình ông Đinh Nho Lý - thông gia) ở Hương Sơn mua lương thực, mì tôm, các nhu yếu phẩm khác để giúp đỡ đồng bào bị lũ.

Cũng may nhờ đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam biết các trường học trên địa bàn Hương Khê bị thiệt hại nhiều trong lũ, nên sáng hôm nay sau khi tài trợ ở Hương Sơn, chúng tôi dùng xe cứu trợ đến một số trường vùng “rốn” lũ”.

Được biết, để có mấy xe hàng tài trợ, hai gia đình thông gia đã vất vả suốt ngày, bốc dỡ hàng, lăn lộn suốt một ngày ròng, đưa tận tay các nhu yếu cho phụ huynh, học sinh, giáo viên bị thiệt hại trong lũ.

Bà Đinh Thị Liên (bà nội) bị mù lòa, anh Nguyễn Văn Hùng (bố) bên bàn thờ con Nguyễn Văn Hải.
Bà Đinh Thị Liên (bà nội) bị mù lòa, anh Nguyễn Văn Hùng (bố) bên bàn thờ con Nguyễn Văn Hải.

Vợ chồng Tiến sĩ Đinh Nho Tuấn (thành phố Hồ Chí Minh) nhắn tin cho tôi: “Thầy ơi, em đã đọc bài trên Báo Điện tử Giáo dục Việt nam của thầy viết về những trường học  hai bên bờ Ngàn Sâu tan hoang trong lũ.

Em chia sẻ với thầy là các trường tổ chức bán trú, sau khi tủ lạnh, máy lọc nước bị hư hỏng, rất cần máy mới để có điều kiện tổ chức bán trú cho học sinh. Một cái máy vài triệu nhưng hàng trăm học sinh, giáo viên được sử dụng và nếu bảo quản tốt có thể sử dụng lâu dài.

Vợ chồng em nhờ thầy mua cho hai tủ lạnh mi ni hỗ trợ cho trường Mầm non Hương Trạch và Hương Đô. Em đã gửi tiền vào tài khoản của thầy rồi”.

Nhận được thông tin từ Tuấn tôi điện thoại ngay cho thầy Trịnh Xuân Lợi, nhờ mua ngay 2 tủ lạnh và ngay chiều ngày 19/10, hai tủ lạnh đã được trao đúng địa chỉ.

Cô Lê Thị Hải Yên (Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Trạch) cảm động: “Tuần sau chúng em có thể đón các cháu đến trường, và nhờ có tủ lạnh để đựng mẫu thức ăn nên ngay từ tuần sau chúng em cũng có thể tổ chức bán trú cho các cháu rồi.

Em không biết nói gì hơn là cảm ơn anh Tuấn, cảm ơn các nhà hảo tâm”.

Tác giả (đứng trước) và các nhà hảo tâm, nhận tài trợ.
Tác giả (đứng trước) và các nhà hảo tâm, nhận tài trợ.

Sẽ còn rất nhiều trường Mầm non, Tiểu học ở vùng rốn lũ cần các thiết bị để dạy học, tiêu biểu như trường Tiểu học Lộc Yên, Hòa Hải, Hương Giang, Phú Phong, Phương Mỹ, Hà Linh.

Sau lũ, thiếu thốn trăm bề, thiếu máy tính, máy lọc nước, sách vở, bút giấy cho đến chăn màn phục vụ bán trú cho học sinh”, cô Lê Thị Kim Lợi (Hiệu trưởng trường Mầm non Lộc Yên) cho biết.

Nhiều hoàn cảnh giáo viên học sinh bất hạnh cần giúp đỡ

Về trường Tiểu học Hương Đô, giáo viên ai cũng ái ngại cho hoàn cảnh của cô Nguyễn Thị Định (Phó Hiệu trưởng) nhà trường.

Trước lũ mấy ngày, chồng cô Định ốm nặng phải chuyển bệnh viện ra điều trị ở Hà Nội, nhờ bà ngoại (71 tuổi) trông nhà.

Cơn lũ đến một cách bất ngờ, bà không thể chuyển đồ đạc nên sau khi lũ đi qua, toàn bộ tài sản trong nhà của cô Định bị nhấn chìm trong bùn lũ.

Chỉ trong một địa bàn hẹp của thôn 4, xã Hương Đô đã xảy ra không biết bao nhiêu cảnh đau buồn trong lũ.

Em Phan Văn Bảo (học sinh lớp 4A1, Tiểu học Hương Đô) trước lũ bị điện giật,  bỏng nặng phải chuyển viện Bỏng Quốc gia Hà Nội.  Nhà em ở cạnh chỗ thấp trũng, lũ vào tất cả gia sản trôi sông trôi bể, ngay cả sách vở, bút giấy cũng không còn.

Cách đó 500 m là gia đình của em Nguyễn Văn Hải. Chúng tôi đến thăm gia đình, xót xa trong cảnh tang thương.

Theo ông  Nguyễn Văn Hùng (bố Hải) Hải là học sinh lớp 11 trường Trung học Phổ thông Phúc Trạch.

Gia đình ông Đặng Đình Hùng và ông Đinh Nho Lý đại diện cho hai con và một số bà con người Việt sinh sống làm ăn ở Hà Quốc trao quà cho giáo viên, học sinh trường tiểu học Hương Đô, mầm non Hương Trạch, Hương Đô.
Gia đình ông Đặng Đình Hùng và ông Đinh Nho Lý đại diện cho hai con và một số bà con người Việt sinh sống làm ăn ở Hà Quốc trao quà cho giáo viên, học sinh trường tiểu học Hương Đô, mầm non Hương Trạch, Hương Đô.

Ngày 14/10 nước lũ đột ngột dâng cao, Hải không về nhà được, tránh lũ ở nhà bạn. Ngày 15/10, trên đường về nhà, Hải bị tai nạn và  mất. Đám tang của Hải mới tổ chức cách đây 2 ngày sau khi nước lũ rút.

Tận cùng nỗi xót xa vì mất con, ông Nguyễn Văn Hùng nghẹn ngào không nói được nên lời. Ông chỉ vào cặp sách của con để trên bàn thờ, nức nở. 

Bà Đinh Thị Liên (72 tuổi, bà nội ) bị mù đã lâu than vãn với chúng tôi:

Bố mẹ nó thì không ăn ở với nhau mấy năm nay. Tôi thương nó lắm, thiếu thốn tình cảm; khi nào đi học về, cháu cũng gọi bà, hỏi thăm bà, tôi nghe tiếng cháu là ra vịn cửa, lúc nào nó cũng ôm lấy tôi, mà bây giờ cháu bỏ tôi đi, thân tôi mù lòa cơ cực lắm”.

Mỗi gia đình phụ huynh một hoàn cảnh. Về Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh), đến chia sẻ với gia đình em Nguyễn Hữu Cơ (học sinh lớp 3) chúng tôi vô cùng ái ngại.

Trên đường đi học về, em không may trượt chân sẩy xuống cống, Cơ bị nước lũ cuốn. Cơ là con duy nhất của gia đình, mất con, chị Nguyễn Thị Lan vô cùng đau đớn: “Nhà tôi con hiếm hoi, chỉ được một nó. Nó bỏ tôi đi… nhà tôi trắng tay”.

Bao nhiêu hoàn cảnh tang thương sau lũ dọc hai bên bờ sông Ngàn Sâu khiến cho lòng chúng tôi nặng trĩu trên đường về.

Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ