Áo thụng mũ cân đai để làm gì?

24/06/2015 09:22
Đỗ Quyên
(GDVN) - Ngày lễ ra trường cho học sinh lớp 5, nhiều trường đã vô tình biến một ngày vui, ý nghĩa trở nên nặng nề, mệt mỏi và vô cùng tốn kém.

LTS: Với tư cách là một giáo viên Tiểu học, cô giáo Đỗ Quyên đã nhìn nhận những bất cập trong việc tổ chức ngày lễ ra trường cho học sinh lớp 5 vô cùng mệt mỏi, tốn kém.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này. 

Vài năm trở lại đây, ở các trường tiểu học quê tôi, nở rộ phong trào tổ chức lễ ra trường cho học sinh lớp 5. Nhiều trường đã quá coi trọng hình thức nên vô tình biến một ngày vui, ý nghĩa và tràn ngập cảm xúc trở nên nặng nề, mệt mỏi và vô cùng tốn kém.

Theo trào lưu của các trường, học sinh lớp 5 trong lễ ra trường phải mặc áo thụng và mũ trạng nguyên để chụp hình làm kỉ niệm.

Trước đó, các thầy cô chủ nhiệm phải thu tiền học sinh để đặt may mũ, còn áo do giá thành quá mắc nên nhà trường xuất quỹ may vài chục bộ tượng trưng. 

Dù chỉ phải đóng vài chục ngàn may mũ nhưng những gia đình nghèo cũng không có tiền để nộp.

Dù thương trò, giáo viên cũng chỉ hỗ trợ được vài em, đâu có thể bao tất cả. Thế là ngày nào lên lớp, thầy cô cũng phải đòi tiền và đòi tiền liên tục khi nào đủ mới thôi.

Trường TH Tân Lợi tổ chức Lễ ra trường cho học sinh lớp 5 (Ảnh: dongphu.edu.vn)
Trường TH Tân Lợi tổ chức Lễ ra trường cho học sinh lớp 5 (Ảnh: dongphu.edu.vn)

Lễ ra trường của học sinh lớp 5 thường được tổ chức ngay trong buổi lễ tổng kết năm học của trường. 

Vào chương trình, bắt đầu là tổ chức duyệt đội, nghi thức chào cờ, màn tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần khách mời tham dự, đến đọc diễn văn khai mạc, báo cáo thành tích dài lê thê của Hiệu trưởng.

Kế đó là công bố quyết định thi đua khen thưởng của Phó Hiệu trưởng, đọc quyết tâm thư của Công đoàn, lời phát biểu của khách mời địa phương, Phòng Giáo dục, của Hội cha mẹ học sinh, lời tri ân của đại diện học sinh và trao phần thưởng cho gần một trăm em gương mẫu của các lớp.

Cuối cùng là lễ công bố ra trường cho những học sinh lớp 5. Đây là phần kéo dài và mất thời gian nhiều nhất bởi từng lớp, học sinh phải mặc áo thụng, đội mũ trạng nguyên bước lên sân lễ. 

Vì không có nhiều đồ nên lớp này vừa xong, lớp khác đã đứng chờ thay đồ…Có lẽ đã hết kiên nhẫn ngồi giữa trời nắng nóng, học sinh bắt đầu nhốn nháo, ồn ào hẳn lên. Mặc cho thầy cô ra sức dẹp trật tự thì các em vẫn như cái chợ. 

Áo thụng mũ cân đai để làm gì? ảnh 2

Xét tuyển lớp 6, chủ trương thống nhất nhưng mỗi trường một kiểu

(GDVN) - Với phương án xét tuyển vào lớp 6 tại Hà Nôi, các trường đang trong giai đoạn khẩn trương xây dựng phương án phù hợp để tuyển sinh trình Phòng GD&ĐT.

Cuối cùng thì buổi lễ cũng kết thúc trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của bao người.

Lúc này cả trò, cả thầy cô đều đã mệt nhoài, thầy cô giáo thì nhanh chân vào văn phòng họp rút kinh nghiệm về buổi lễ cũng chẳng còn thời gian lưu luyến chia tay trò.

Học sinh cũng không còn hứng thú nói lời tri ân, lời tâm sự với thầy cô đã dạy dỗ mình suốt năm năm trời. Các em chia tay mái trường trong lặng lẽ. 

Chứng kiến nhiều những buổi lễ như thế này, tôi cứ thầm ước:“Giá bớt đi một chút hình thức như những diễn văn khai mạc dài dòng kia, màn giới thiệu cùng những tràng pháo tay khiên cưỡng, những lời phát biểu mang tính giáo điều…để thời gian cho thầy trò gặp gỡ, giao lưu, kể chuyện và nhắc về những kỉ niệm vui buồn của các em.

Tạo điều kiện để các em tự bộc lộ những nghĩ suy của mình, từ đó nhắc nhở các em những điều thật bổ ích có lẽ sẽ tác dụng hơn nhiều việc xúng xính trong những bộ đồ thụng, mũ cân đai như thế”.

Đỗ Quyên