Ba cái thiếu cơ bản về nhân lực cho ngành nguyên tử Việt Nam

12/12/2013 07:37
Xuân Trung
(GDVN) - Thừa nhận nguồn nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử hiện nay còn thiếu, Bộ GD&DDT cho biết, trước hết muốn đào tạo thì phải có người đào tạo, có khả năng đào tạo nhưng hiện nay chúng ta đang rất thiếu. Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho đào tạo cũng thiếu mặc dù đã có nhưng còn yếu kém.
Với xu thế chung toàn cầu khi mà tương lai nguồn năng lược như thủy điện, nhiệt điện sẽ dần cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện năng của con người mỗi lúc một tăng, không thể không tính tới chuyện phải phát triển ngành năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, ngành này ở Việt Nam vẫn còn khá mới, mặc dù đã có một số cơ sở đào tạo điện nguyên tử nhưng lượng người tham gia học không như mong muốn. 

Để khuyến khích nguồn nhân lực tham gia vào ngành này Chính phủ đã đôn đốc Bộ GD&ĐT quyết định ưu đãi đối với sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử như: Được miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá, sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp 15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng.

Ông Andrew Holt, Trưởng bộ phận Thịnh vượng, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
Ông Andrew Holt, Trưởng bộ phận Thịnh vượng, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, chính sách ưu tiên người học ở lĩnh vực này còn áp dụng đối với sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử năm cuối của chương trình đào tạo nếu đạt loại khá trở lên được xét tuyển đi học 6 tháng tại một số nước phát triển về ngành năng lượng nguyên tử. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử mà không phải thử việc.

Đặc biệt hơn là đối với những người tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành năng lượng nguyên tử được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI.

Theo báo cáo của Viện Năng lượng Nguyên tử, mặc dù chúng ta bước đầu đã có các cơ sở đào tạo ngành này nhưng các tài liệu, chương trình giáo dục và đào tạo ở các trường về hạt nhân chưa phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo về công nghệ và an toàn điện hạt nhân. Đội ngũ giảng viên trong các trường đại học thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Mặc dù Viện Năng lượng Nguyên tử có trên 700 cán bộ đã đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân ở nước ta, tuy nhiên số lượng các chuyên gia có trình độ cao về công nghệ và an toàn điện hạt nhân cũng còn ít, tuổi trung bình của chuyên gia cao, các cán bộ trẻ thì thiếu kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ và an toàn điện hạt nhân.

Ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân, của Bộ GD&Đ cho biết, Chính phủ đang xây dựng Nghị định về ưu tiên về lương cho đối tượng làm việc trong ngành điện nguyên tử.
Ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân, của Bộ GD&Đ cho biết, Chính phủ đang xây dựng Nghị định về ưu tiên về lương cho đối tượng làm việc trong ngành điện nguyên tử.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân, của Bộ GD&Đ cho biết, cơ chế chính sách đã có để ưu tiên cho nguồn nhân lực lĩnh vực này nhưng rất ít người tham gia vì lo lắng tính an toàn của nó. 

Ông Tấn cũng nói thêm, ngoài luật thì hiện nay Chính phủ đang xây dựng Nghị định quy định về những người làm việc trong lĩnh vực này sẽ có những ưu đãi về lương, điều kiện làm việc, chỗ ở. 

Cũng theo lãnh đạo của Cục An toàn và Bức xạ Hạt nhân, thì hiện nay chúng ta đang thiếu người đào tạo  cho giáo viên: “Trước hết  muốn đào tạo phải có người đào tạo, có khả năng đào tạo thì hiện nay chúng ta đang rất thiếu. Các cơ sở hạ tầng phục  vụ cho đào tạo cũng thiếu mặc dù chúng ta cũng đã có một số trường đào tạo nhưng nói chung là yếu kém. Sau nhiều năm điện hạt nhân của chúng ta không phát triển, học sinh tham gia học tại đây cũng không phải là xuất sắc nhất. Chúng ta đang thiếu thầy, thiếu học sinh giỏi, thiếu cơ sở đào tạo, đó là 3 cái thiếu cơ bản để phát triển ngành năng lượng hạt nhân” ông Tấn nêu thực trạng.

Để hỗ trợ về mặt kĩ thuật, đào tạo nguồn nhân lực những ngày qua Việt Nam và Vương quốc Anh đã có với nhau bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. 

Ông Andrew Holt, Trưởng bộ phận Thịnh vượng, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết, qua lần hợp tác này hai nước sẽ trao đổi về kĩ thuật, những bí quyết kinh nghiệm, đặc biệt Việt Nam đang trong bối cảnh bước đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì điều đó là rất cần thiết. Việc hợp tác trong lĩnh vực nguyên tử hạt nhân là bước đi dài chứ không phải ngắn giữa hai bên. 

Cũng theo ông Vương Hữu Tấn, văn bản hợp tác pháp quy giữa hai nước về phát triển điện hạt nhân được thể hiện trên các  mặt phát triển về bức xạ, nghiên cứu phát triển đào tạo cán bộ.  Trước mắt Việt Nam sẽ tập trung vào nghiên cứu hướng phát triển và đào tạo cán bộ. 

Đại diện Học viện đào tạo kĩ năng về nguyên tử (Vương quốc Anh) chia sẻ kinh nghiệm, tại Anh đang có nhiều lĩnh vực thu hút được các bạn trẻ tham gia vào khoa học công nghệ, về Toán, và các kĩ năng khác, thậm chí ngành năng lượng hạt nhân còn có đào tạo bậc sau đại học, và điều quan trọng là phải tuyên truyền, nhấn mạnh cho thanh niên biết điện hạt nhân là an toàn, và nó chỉ là cung cấp điện cho chúng ta, đó là những ích lợi của điện hạt nhân.

“Làm sao cho giới trẻ thấy được, việc làm trong điện hạt nhân  là việc làm phát triển, thịnh vượng cho một quốc gia, và muốn cho quốc  gia thịnh vượng thì họ muốn có đóng góp vào gì điều đó. Khi giới trẻ xác định được vấn đề như vậy và kể cả sau này các bạn ấy làm tư cách là người quản lí cũng sẽ đóng góp nhất định cho đất nước” vị này nói. 
Xuân Trung