Bắc Ninh có nhiều lợi thế để xây dựng khu đô thị đại học

15/12/2015 07:44
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 14/12, tại Bắc Ninh diễn ra Hội thảo “Phát triển khu đào tạo và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Bắc Ninh”.

Hội thảo do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Bắc Ninh phối hợp với Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức. 

Tham dự hội thảo có GS.TS Trần Hồng Quân-Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; KTS.TS Trần Thanh Bình-Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế trường học; đồng chí Nguyễn Hữu Thành-Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh; TS.Nguyễn Phương Bắc-Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh, Đại diện Trung tâm dịch vụ và xúc tiến đầu tư (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh)...
 
Xuất phát từ thực trạng “chật hẹp-thiếu đồng bộ” của các khuôn viên Đại học hiện nay và sự “quá tải” tạo ra áp lực đối với các Đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu di dời các trường Đại học ra vùng ngoại vi, tạo lập nên những Đô thị Đại học mới ngày càng trở nên cấp bách. 

Hơn 10 năm trước, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu, hoàn thiện đề án “Di dời một số trường Đại học, Cao đẳng từ nội thành TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến các khu quy hoạch” nhằm giảm mật độ sinh viên tại một số khu vực của hai thành phố lớn này.

Đồng thời, đề án tạo điều kiện cho các trường Đại học, Cao đẳng có cơ sở vật chất-kỹ thuật đạt quy chuẩn, đáp ứng các yêu cầu phục vụ đào tạo và sinh hoạt của cán bộ, sinh viên Nhà trường, hướng đến xây dựng Nhà trường tiên tiến và nền giáo dục Đại học Việt Nam hiện đại, chuẩn hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa. 

Hội thảo “Phát triển khu đào tạo và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Bắc Ninh”. (Ảnh: Thùy Linh)
Hội thảo “Phát triển khu đào tạo và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Bắc Ninh”. (Ảnh: Thùy Linh)

Khi đó, các tỉnh trong vùng Thủ đô đã nhanh chóng đón nhận cơ hội, quy hoạch các khu đô thị đại học để đón nhận sự di dời. Tuy nhiên, việc quy hoạch các khu đô thị Đại học ở các tỉnh trong vùng thủ đô với diện tích rất lớn, xu hướng cạnh tranh thu hút đầu tư là rất rõ ràng. Vì vậy, tìm ra những lợi thế riêng để thu hút các Trường Đại học là yếu tố quyết định đến sự thành công. 

Hiện cả nước có một số khu đô thị Đại học đã quy hoạch như:

- Đô thị Đại học Phố Hiến (Hưng Yên)

- Khu đô thị Đại học Nam Cao (Hà Nam)

- Khu đô thị Đại học Vĩnh Phúc
 
- Khu đô thị Đại học Tây Nam Hà Nội

- Khu đô thị Đại học Bắc Ninh

- Đô thị Hòa Lạc

- Đô thị Đại học Đà Nẵng

-Đô thị khoa học và giáo dục tỉnh Bình Định

-Đô thị Đại học TP.Hồ Chí Minh.

Bắc Ninh được đánh giá cao về vị trí để phát triển khu đô thị đại học

Phát biểu tại buổi lễ, TS.Nguyễn Phương Bắc-Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: 

Bắc Ninh được coi là tỉnh tiên phong trong xây dựng đô thị Đại học (theo đánh giá của Báo Xây dựng đăng vào năm 2012). 

Về quy hoạch, địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 2 Khu đào tạo đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 với tổng diện tích khoảng 920 ha. Trong đó, khu I với diện tích khoảng 420 ha tại phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh và xã Liên Bão, huyện Tiên Du; khu II với diện tích khoảng 500 ha tại xã Lạc Vệ, Minh Đạo, Hiên Vân và Việt Đoàn thuộc huyện Tiên Du. 

Ông Bắc cho biết thêm: Hai khu đào tạo đã được tỉnh Bắc Ninh quan tâm hỗ trợ trong việc khảo sát, thực hiện triển khai dự án, hiện có 19 dự án đầu tư xây dựng và với vị trí địa lý thuận lợi mang đến cho Bắc Ninh nhiều ưu thế nổi trội đối với các khu nghiên cứu và đào tạo. 

Trao đổi về khu đô thị đại học, ông Nguyễn Hữu Thành- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Theo quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn, mục tiêu của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2050 là xây dựng thành phố không chỉ mạnh về công nghệ công nghiệp cao mà còn hướng tới nền giáo dục, nguồn nhân lực. 

Trước đó, đại diện Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, GS.TS Trần Hồng Quân cho rằng: Đã có nhiều nơi đề xuất xây dựng khu đô thị đại học nhưng chưa nơi nào thành công. Chỉ riêng Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh thì tạm gọi là thành công. 

GS.TS Trần Hồng Quân-Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phát biểu tại buổi Hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)
GS.TS Trần Hồng Quân-Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phát biểu tại buổi Hội thảo (Ảnh: Thùy Linh)

GS.TS Trần Hồng Quân chia sẻ: “Khi tham quan khu đô thị đại học tại Myanmar tôi thấy người trực tiếp điều hành khu đô thị đó là người đứng vị trí thứ hai trong chính phủ Myanmar để thuyết phục chứ không giao cho riêng Bộ nào. 

Bắc Ninh với vị trí địa lý thuận lợi, là đất học và quyết tâm xây dựng của tỉnh. Đây là một tín hiệu vô cùng tốt để khởi đầu dự án. 

Tôi nghĩ rằng chúng ta quyết tâm xây dựng khu đô thị đại học này thành công thì không chỉ là đóng góp hoành tráng cho tỉnh hay cả nước mà còn đánh dấu bước quan trọng cho nền giáo dục nước nhà
”. 

Với bài trình bày “Nghiên cứu thiết kế Khu đại học tập trung”, KTS. Tiến sỹ Trần Thanh Bình Viện nghiên cứu thiết kế trường học của Bộ GD&ĐT cho biết: 

Mô hình này chúng tôi đã nhen nhóm đặt tại Bắc Ninh cách đây 10 năm. Bởi chúng tôi thấy việc tập hợp các trường Đại học vào một chỗ thì sự thu hút sẽ rất thấp. 

Trong khi đó,việc tổ chức khu đại học tập trung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển từ nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực, thay đổi cấu trúc dân cư và đẩy mạnh khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế
”. 

Còn, theo Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bắc Ninh, ông Cao Văn Hà: Bắc Ninh cần nhận thức cơ hội phát triển khu đô thị đại học như một thời cơ để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo, kinh tế tri thức.

Mặc dù hiện nay, Bắc Ninh đang phát triển chủ đạo là lĩnh vực công nghiệp nhưng muốn phát triển lâu dài và bền vững thì cần quy hoạch chuyển dần để đưa dịch vụ lên hàng đầu. Khu đô thị đại học sẽ làm bộ mặt đô thị phát triển nhanh chóng và hiện đại.

Mà để so sánh thì không có tỉnh nào gần Hà Nội bằng Bắc Ninh trong khi chủ trương của Nhà nước là di dời các trường đại học thì tỉnh Bắc Ninh là nơi có vị trí địa lý tốt nhất, nơi giao thoa giữa hai nền kinh tế phát triển. Xu thế di chuyển các trường ra khỏi địa bàn Hà Nội là rất rõ và nhiều trường sẽ cho rằng về Bắc Ninh là tối ưu hơn cả. 

Đưa ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Trần Quang Qúy – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: Khu đô thị đại học Bắc Ninh khi xây dựng thì cần gắn với khu công nghiệp bằng cách kêu gọi vốn ODA từ Hàn Quốc, Nhật Bản bởi họ luôn muốn đầu tư vào Việt Nam ở nguồn nhân lực.

Tới tham dự buổi Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Khang-Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội hi vọng Trường Đại học Bách Khoa có cơ sở 2 tại Bắc Ninh bởi theo ông, Bắc Ninh có cơ chế chính sách đất sạch để xây dựng-đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển giáo dục. 

Khó khăn còn vướng mắc 

Trong khi tỉnh Bắc Ninh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị nên việc cần có tầm nhìn xa về phát triển giáo dục là cần thiết tạo tiền đề để xây dựng trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. 

Tuy nhiên, theo TS.Nguyễn Phương Bắc khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu nghiên cứu và đào tạo; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; cơ chế chính sách thu hút đầu tư và phân định trách nhiệm trong quản lý nhất là cấp huyện, xã trong giải phóng mặt bằng; thiếu kinh nghiệm, chiến lược tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư vào nghiên cứu đào tạo. 

Còn theo KTS. Tiến sỹ Trần Thanh Bình Viện nghiên cứu thiết kế trường học của Bộ GD&ĐT, những khó khăn mà Bắc Ninh cần giải quyết: “Để hình thành và tổ chức không gian khu đại học tập trung thì cần có sự đóng góp của các yếu tố như: quy mô, cơ sở vật chất kỹ thuật, đất đai; sự liên thông sử dụng hiệu quả tài nguyên; đô thị và quy hoạch đô thị; cấu trúc quy hoạch tổ chức không gian; cấu trúc chức năng và cấu trúc dân cư kinh tế xã hội”. 

Nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn trên thì việc điều chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển nghiên cứu và đào tạo cho phù hợp với điều kiện mới gắn với phát triển cụm ngành; Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; Tăng cường quản lý và hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý và hỗ trợ đầu tư; Xây dựng quy chế phối hợp quản lý, phân công rõ trách nhiệm của các ngành vào lúc này là vô cùng cần thiết và cấp bách. 

Kết thúc buổi Hội thảo, GS.TS Trần Hồng Quân đưa ra phương hướng thực hiện rằng: Để đợi cơ chế chính sách từ Nhà nước, Trung ương thì rất khó ví như Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh việc giải phóng mặt bằng là vô cùng khó khăn. Cho nên, tỉnh Bắc Ninh cần tiến hành giải tỏa, giao đất cho trường. 

Qua hội thảo này, tôi thấy quyết tâm của tỉnh Bắc Ninh rất đáng quý và chúng ta cần khai thác nhanh chóng những thuận lợi có được để có thể tiến hành mặc dù còn nhiều cạnh tranh nhưng đầu tư cho giáo dục càng chậm thì sẽ càng khó. 

Hiện tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh thiên về công nghiệp nhưng nếu tăng trưởng thiên về yếu tố con người, về chất xám thì sự phát triển ấy sẽ bền vững và tạo đột phá trong tương lai
”, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam hi vọng. 

Thùy Linh