Bản chất sáng kiến kinh nghiệm rất tốt sao lại bị phản đối?

24/12/2017 07:00
NHẬT KHOA
(GDVN) - Sáng kiến không có tội, cái sai, cái không tốt ở đây là những người làm cho sáng kiến trở nên “bát nháo” như hiện nay.

LTS: Việc viết sáng kiến kinh nghiệm vốn là một hoạt động rất ý nghĩa nhằm nâng cao nghiệp vụ cho các nhà giáo.

Thầy giáo Nhật Khoa chỉ ra những nguyên nhân khiến phong trào này liên tục bị các thầy cô kêu ca, phàn nàn trong những năm gần đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việc các giáo viên thực hiện các sáng kiến kinh nghiệm và vận dụng nó vào thực tiễn dạy học đã mang lại rất nhiều hiệu quả thiết thực vào nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhờ những sáng kiến tốt mà giáo viên dạy hiệu quả hơn, học sinh học tập tốt hơn.

Có những sáng kiến làm cho hệ thống quản trị giáo dục hiệu quả hơn giúp tiết kiệm ngân sách cho nhà nước, làm cho nền giáo dục cởi mở, sáng tạo hơn.

Sáng kiến là gì? Sáng kiến kinh nghiệm là gì?

Theo từ điển Tiếng Việt, “sáng kiến là những ý kiến (giải pháp) mới có tác dụng làm cho công việc tiến hành tốt đẹp hơn”.

Từ đây chúng ta suy rộng ra: sáng kiến là các ý tưởng hay, các giải pháp mới được sử dụng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong chuyên môn.

Nhờ đó mà công việc trở nên có chất lượng hiệu quả hơn.

Kiên quyết xử lý giáo viên vay mượn, “đạo” sáng kiến của người khác làm sáng kiến cho mình. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Kiên quyết xử lý giáo viên vay mượn, “đạo” sáng kiến của người khác làm sáng kiến cho mình. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Có thể hiểu nôm na khi thực hiện nhiệm vụ quản lý, chuyên môn khi gặp những khó khăn vướng mắc, phức tạp thì sẽ huy động trí lực của cán bộ quản lý, giáo viên tìm những giải pháp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất.

Từ đó xuất hiện những sáng kiến.

Kinh nghiệm là những hiểu biết của con người về thực tiễn hoạt động xã hội, bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ được chọn lọc, tích lũy trong quá trình tương tác với môi trường và kết quả những tương tác đó mang lại.

Kinh nghiệm là những tri thức tổng hợp mà con người đã trải nghiệm, hệ thống hóa, trở thành vốn sống, kinh nghiệm sống thực tế của mỗi cá nhân.

Vậy sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục có thể định nghĩa là:

Những đúc kết, kinh nghiệm, sáng tạo của cá nhân đem lại thành công cho cá nhân, nhà trường, địa phương hay cao hơn nữa là đem lại lợi ích thiết thực cho cả ngành giáo dục, khắc phục các khó khăn mà những biện pháp thông thường không thể giải quyết được.

Như vậy, trong quá trình làm công tác quản lý, giảng dạy gặp những khó khăn, vướng mắc như quản lý chưa hiệu quả, về chương trình, sách giáo khoa,… nhiều cán bộ quản lý, giáo viên tìm cách để thay đổi cho nó tốt hơn, hiệu quả hơn, áp dụng rộng rãi trong nhà trường, ngành giáo dục.

Đó chính là bản chất của những sáng kiến kinh nghiệm.

Tại sao phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm lại bị “ném đá”?

Như đã trình bày ở trên, bản thân sáng kiến kinh nghiệm là những điều tốt đẹp mà giáo viên mong muốn mang lại cho mình để giảng dạy tốt hơn, học sinh học tập tích cực hơn, tốt hơn.

Bản chất sáng kiến kinh nghiệm rất tốt sao lại bị phản đối? ảnh 2Giáo viên vào mùa tìm kiếm sáng kiến kinh nghiệm

Vậy tại sao sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục lại bị kêu ca, nhiều giáo viên kêu gọi bỏ sáng kiến kinh nghiệm?

Theo tôi, bỏ sáng kiến kinh nghiệm thì còn đâu những giải pháp tốt của giáo viên chia sẻ cho nhau để cùng hướng đến mục tiêu tốt đẹp là cải thiện tình hình dạy và học của giáo viên và học sinh.

Sáng kiến không có tội, vậy cái sai, cái không tốt ở đây là những người làm cho sáng kiến trở nên “bát nháo” như hiện nay.

Theo tôi có các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, việc triển khai và chấm sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên có quá nhiều bất cập.

Các sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên tập hợp về Sở/ Phòng giáo dục sau đó triển khai chấm có quá nhiều bất cập.

Giáo viên nào có “tên tuổi”,  những giáo viên nằm trong danh sách chấm sáng kiến kinh nghiệm hay những người thường xuyên đạt sáng kiến kinh nghiệm các năm trước thì thường dễ “đạt” hơn.

Vác giáo viên khác dù rất cố gắng, giải pháp tốt của mình nhưng rất khó đạt nên giáo viên dễ bị “nản” và luôn tìm cách né sáng kiến.

Thứ hai, lực lượng giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm cũng có nhiều bất cập.

Nhiều giám khảo dù chưa thực hiện được một sáng kiến nào cũng có tên trong danh sách chấm, có giám khảo do quen biết nên được đưa vào danh sách ban giám khảo.

Ban giám khảo cũng là giáo viên trong huyện nên khi chấm có nhiều người không công bằng mà ưu ái, nâng đỡ những người quen biết,…

Bản chất sáng kiến kinh nghiệm rất tốt sao lại bị phản đối? ảnh 3Thành tích làm giáo viên quá tải, mệt mỏi, giảm động lực làm việc!

Thứ ba, nhiều giáo viên không lấy giải pháp, kinh nghiệm, sáng kiến của mình mà vay mượn, “đạo” sáng kiến kinh nghiệm của người khác, hay trên mạng,… để nộp sáng kiến.

Ban giám khảo cũng không thể nào kiểm soát hết nên vẫn có trường hợp “lọt” qua nên vẫn đạt.

Hành vi này nên xử lý nghiêm khắc.

Thứ tư, các sáng kiến kinh nghiệm sau khi chấm xong không triển khai cho giáo viên trong huyện/tỉnh áp dụng mang lại hiệu quả trong ngành mà thường “xếp xó”.

Thế nên giáo viên tâm huyết với các sáng kiến kinh nghiệm cảm thấy “không mặn mà” vì những sáng kiến không được trân trọng, không được triển khai và áp dụng.

Phải đổi mới cách thực hiện, chấm sáng kiến kinh nghiệm

Có nhiều giáo viên giảng dạy rất tốt, lôi cuốn học sinh vào giảng dạy nhưng không bao giờ thực hiện sáng kiến kinh nghiệm.

Thật ra trong quá trình giảng dạy, các giáo viên đó chắc chắn cũng có nhiều sáng kiến tốt, đã và đang áp dụng có hiệu quả.

Tuy nhiên, họ không triển khai vì họ chưa thấy hiệu quả thật sự mà sáng kiến kinh nghiệm mang lại.

Bản chất sáng kiến kinh nghiệm rất tốt sao lại bị phản đối? ảnh 4Nhân viên phục vụ bàn cũng làm sáng kiến kinh nghiệm

Và khi thực hiện xong cũng chỉ áp dụng cho mình mà không triển khai cho đồng nghiệp áp dụng.

Rất nên khuyến khích, tạo những động lực để các giáo viên trên thực hiện các sáng kiến kinh nghiệm của mình để triển khai tại đơn vị hay ngành.

Cũng có nhiều giáo viên dạy “tàng tàng” không có bất kỳ một sáng kiến nào có hiệu quả tích cực trong dạy và học.

Phải quán triệt tư tưởng cho toàn thể cán bộ giáo viên, sáng kiến kinh nghiệm là những giải pháp mới của cá nhân để áp dụng vào thực tế giảng dạy, khắc phục khó khăn vướng mắt trong quá trình giảng dạy.

Kiên quyết xử lý giáo viên vay mượn, “đạo” sáng kiến của người khác làm sáng kiến cho mình.

Khi giáo viên hoàn thành sáng kiến kinh nghiệm, phải thành lập hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm có đạo đức, chuyên môn vững vàng.

Giáo viên phải trình bày sáng kiến của mình, nêu những giải pháp trước hội đồng chấm và có quyền phản biện, bảo lưu ý kiến.

Nếu hội đồng xét sáng kiến kinh nghiệm đạt, phải triển khai các sáng kiến, giải pháp này cho giáo viên trong bộ môn ở các phiên sinh hoạt chuyên môn ở các cụm theo công văn 5555 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Càng có nhiều sáng kiến tốt, thiết thực và hiệu quả thì cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy càng hiệu quả, chất lượng được nâng lên. Bớt đi gánh nặng cho giáo dục.

Điều quan trọng là không tạo áp lực thành tích cho giáo viên trong việc viết sáng kiến kinh nghiệm.

Kết quả sáng kiến kinh nghiệm chỉ nên áp dụng trong việc xếp các danh hiệu thi đua từ cấp tỉnh trở lên, việc xếp danh hiệu từ chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nên để các trường tự chủ, tự quyết định.

NHẬT KHOA