Băn khoăn phí chất lượng giáo dục cao

12/10/2012 10:51
Theo PL.TP HCM
Thu phí chất lượng cao sẽ tạo ra sự phân biệt giàu nghèo trong học sinh, chênh lệch thu nhập giáo viên và bệnh chạy trường chất lượng cao.
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập (dự thảo) để lấy ý kiến góp ý.
Giải thích chung chung
Theo dự thảo, việc ban hành quy định này nhằm: Khuyến khích các trường phát huy khả năng đầu tư của gia đình học sinh (HS) để thực hiện chất lượng giáo dục cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; làm căn cứ để các trường mầm non, phổ thông công lập tổ chức thực hiện chất lượng giáo dục cao; làm căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc xác định mức học phí chất lượng giáo dục cao, việc thanh tra thực hiện theo cam kết chất lượng giáo dục cao của nhà trường đối với HS và trách nhiệm thu, sử dụng học phí chất lượng giáo dục cao đúng quy định…
Nhưng thế nào là giáo dục chất lượng cao? Dự thảo giải thích rất chung chung: “Chất lượng giáo dục cao là chất lượng giáo dục được cam kết cùng với điều kiện thực hiện ở mức độ cao hơn so với mức độ đạt được tại thời điểm cam kết”.

Một tiết học thực hành thí nghiệm môn Hóa học của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn khi thực hiện mô hình trường chất lượng cao.
Một tiết học thực hành thí nghiệm môn Hóa học của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn khi thực hiện mô hình trường chất lượng cao.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Theo dự thảo, mô hình giáo dục chất lượng cao được thực hiện đối với một số nhóm, lớp hoặc toàn trường. Dù việc thu phí chất lượng cao không nhằm mục tiêu lợi nhuận nhưng có các khoản “Chi thù lao giáo viên hoặc chuyên gia tham gia giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục chất lượng cao”, ‟Chi thù lao công tác quản lý” đương nhiên sẽ dẫn đến hệ quả thu nhập giáo viên, cán bộ quản lý của trường, lớp bình thường và trường lớp chất lượng cao sẽ khác nhau.
Giáo dục công là phúc lợi xã hội nên nó phải được phục vụ một cách công bằng cho mọi người dân. Việc thu phí chất lượng sẽ tạo sự bất công trong HS. Dù là cùng HS công lập nhưng HS của trường, lớp, nhóm chất lượng cao sẽ có khoảng cách với HS thường. Đặc biệt với những nơi áp dụng chất lượng cao theo lớp sẽ xảy ra sự phân hóa giàu, nghèo ngay trong một trường. Sẽ có HS học phòng máy lạnh, sĩ số lớp ít, giáo viên được tuyển chọn…. Tình trạng tương tự nếu áp dụng chất lượng cao theo nhóm.
Có “chạy” kiểm định?
Thực tế vừa qua, việc xây dựng trường chuyên, lớp chọn đã tạo một cuộc đua trong hoạt động giáo dục. Các thầy, cô chạy đua để được công nhận là trường chuyên lớp chọn. Cha mẹ HS cũng lo cho con vào trường chuyên lớp chọn. Ngành giáo dục đã phải chấn chỉnh chủ trương này. Điều 5 của dự thảo nêu: “Trường mầm non, phổ thông công lập được phép thực hiện chất lượng giáo dục cao khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, công nhận đã đạt yêu cầu theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá nhà trường của Bộ GD&ĐT”. Theo đó, tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non, tiểu học, trung học là các yêu cầu đối với nhà trường cần đạt để đảm bảo chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia...
Hiện nay, các nước tiên tiến, việc kiểm định đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục do các tổ chức đánh giá, kiểm định thực hiện để bảo đảm tính khách quan. Còn theo dự thảo, Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT sẽ trực tiếp hướng dẫn và kiểm tra công tác đánh giá chất lượng giáo dục của các trường. Trên cơ sở đánh giá này, ngành giáo dục sẽ tham mưu để UBND cấp huyện, tỉnh ra quyết định công nhận trường chất lượng cao! Với một quy trình như vậy, liệu có tránh khỏi cơ chế xin-cho?

TP.HCM đã có ba trường chất lượng cao

Tính đến tháng 9-2012, TP.HCM có chín trường mầm non, phổ thông đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 (cấp độ cao nhất). Ngoài Trường THPT Lê Quý Đôn tiếp tục đào tạo theo mô hình trường chất lượng cao thì TP phát triển thêm hai trường là THPT Nguyễn Du (quận 10) và THPT Nguyễn Hiền (quận 11).

Theo PL.TP HCM