Băn khoăn tìm lối ra cho các Trường Cao đẳng Sư phạm

22/04/2018 07:50
Hưng Long
(GDVN) - Ngày 20/4, Câu lạc bộ các Trường Cao đẳng Sư phạm đã tổ chức buổi Tọa đàm về Công tác tuyển sinh năm 2018 và định hướng phát triển các trường.

Buổi tọa đàm được tổ chức tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phát biểu chỉ đạo, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã nêu ra những vấn đề bất cập trong công tác tuyển sinh của các trường.

Giáo sư Trần Hồng Quân. (Ảnh: Nguyễn Kiên)
Giáo sư Trần Hồng Quân. (Ảnh: Nguyễn Kiên)

Tại buổi tọa đàm, Hiệu trưởng các trường đã đưa ra những ý kiến trao đổi, định hướng phát triển và tập trung vào thời cơ, thách thức và các Trường Cao đẳng sư phạm đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay.

Các ý kiến thảo luận tập trung vào vấn đề, cần có một đánh giá khoa học về sứ mạng, vị trí, vai trò của các Trường Cao đẳng Sư phạm trong giai đoạn hiện nay và định hướng phát triển trong tương lai.

Từ đó, làm căn cứ để quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, trong đó có hệ thống các trường cao đẳng sư phạm.

Định hướng các Trường Cao đẳng Sư phạm trở thành trường vệ tinh hoặc là phân hiệu của Trường Đại học Sư phạm, làm nhiệm vụ đào tạo lại, bồi dưỡng.

Điều này đã đặt ra các vấn đề mới, cần phải xác định rõ mô hình, lộ trình thực hiện. Qua quá trình xây dựng và phát triển, hiện nay các Trường Cao đẳng sư phạm đều có một đội ngũ có chất lượng về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở, Tiểu học và Mầm non.

Các trường cũng đề ra, khi tiến hành việc sáp nhập hoặc giải thể thì đội ngũ này giải quyết như thế nào, có gây lãng phí cho xã hội.

Việc đào tạo lại, bồi dưỡng gặp khó khăn do phụ thuộc vào chính sách của địa phương, phụ thuộc vào kinh phí, hiện đang thiếu tính ổn định.

Sau khi thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp các Trường Cao đẳng nghề thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các Trường Cao đẳng Sư phạm trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tọa nên có những khó khăn.

Toàn cảnh buổi tọa đàm về Công tác tuyển sinh năm 2018 và định hướng phát triển các trường. (Ảnh: Nguyễn Kiên)
Toàn cảnh buổi tọa đàm về Công tác tuyển sinh năm 2018 và định hướng phát triển các trường. (Ảnh: Nguyễn Kiên)

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý các ngành ngoài sư phạm, điều này gây khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, công tác tuyển sinh thiếu đồng bộ.

Do các Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nên các Trường Cao đẳng Sư phạm sinh hoạt cùng khối phổ thông. Nếu sinh hoạt cùng khối các trường cao đẳng thì phải theo các quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Điều này gây khó khăn trong công tác sinh hoạt chuyên môn, trong công tác thi đua…

Việc định hướng nâng chuẩn giáo viên phải có trình độ đại học ở các cấp học cần phải tiến hành song song, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục đại học, hệ thống các Trường Cao đẳng Sư phạm để định hướng sự tồn tại và phát triển của các trường.

Các trường băn khoăn trong công tác tuyển sinh, đề nghị không cắt giảm cơ học, đồng loạt chỉ tiêu các ngành sư phạm.

Bộ trưởng Nhạ tiết lộ số lượng thí sinh có nguyện vọng vào ngành sư phạm 

Cần căn cứ số liệu báo cáo, khảo sát nhu cầu xã hội, trong từng giai đoạn để xây dựng phương án phân bổ chi tiêu các ngành sư phạm.

Các Trường Cao đẳng Sư phạm đã đề ra phương án cần linh hoạt trong tổ chức đào tạo, liên thông ngang, liên thông dọc, đảm bảo hài hòa giữa đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng.

Việc triển khai thực hiện tự chủ sẽ thực hiện như thế nào đối với các Trường Cao đẳng Sư phạm khi công tác tuyển sinh khó khăn do nhu cầu giáo viên giảm?

Những vấn đề trên đã được Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Trường Cao đẳng Sư phạm gửi đến Hiệp Hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam để trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tìm ra hướng giải quyết hiệu quả cho các trường trong giai đoạn hiện nay.

Các trường cũng đã kiện toàn Ban điều hành câu lạc bộ, thảo luận công tác tuyển sinh năm 2018, tọa đàm về định hướng phát triển các Trường Cao đẳng Sư phạm, các đề nghị về chính sách đối với Trường Cao đẳng Sư phạm và một số vấn đề khác. 

Hưng Long