Bao giờ Bình Thuận làm được như Đà Nẵng?

31/08/2018 08:54
Đỗ Quyên
(GDVN) - Để tạo sự cạnh tranh công bằng, để tuyển chọn được những người giỏi cần tổ chức cuộc thi tuyển công khai.

LTS: Trước thông tin thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường tiêu học và trung học, cô giáo Đỗ Quyên bày tỏ mong muốn tỉnh Bình Thuận cũng có thể học tập cách làm của Đà Nẵng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 29/8, Ủy ban nhân dân quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã tiến hành triển khai việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cho các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận.

Có thể nói, cuộc thi là sự cạnh tranh công bằng giữa các ứng viên bằng chính năng lực thật sự của mình.

Thông qua cuộc thi, ngành giáo dục Đà Nẵng chắc chắn sẽ tuyển chọn được những người giỏi làm quản lý cho các trường học.

Đây là việc bổ nhiệm một cách quang minh chính đại mà không bị tai tiếng vì điều này điều kia. Và cũng là cú hích giúp cho ngành giáo dục địa phương có những bước tiến dài, vững chắc.

Thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm Hiệu trưởng thông qua thi tuyển. Ảnh: TT/ Giaoduc.net.vn
Thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm Hiệu trưởng thông qua thi tuyển. Ảnh: TT/ Giaoduc.net.vn

Nhìn Đà Nẵng, chúng tôi chợt liên tưởng đến quê hương mình và ước ao “bao giờ Bình Thuận tổ chức được những cuộc thi như thế?”

Dồn ghép trường dư nhiều cán bộ quản lý

Theo đề án tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021, tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện sáp nhập nhiều trường học có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn lại với nhau.

Việc sáp nhập này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của học sinh.

Vì cơ sở vật chất các trường vẫn không thay đổi, học sinh khu vực nào vẫn học tại nơi đó. Nhưng sáp nhập trường như thế sẽ dôi dư một số Ban giám hiệu, kế toán, văn thư, thư viện thiết bị…

Theo quy định, nếu nằm trong diện dôi dư thì hiệu trưởng sẽ được điều chuyển xuống làm hiệu phó. Hiệu phó sẽ xuống làm giáo viên. Các chức danh khác nếu không còn chỗ bố trí sẽ về thôi việc.

Bao giờ Bình Thuận làm được như Đà Nẵng? ảnh 2Chuyện "làm ăn" của các Hiệu trưởng ...lên quan nhờ thi tuyển

Vấn đề đang được nhiều người quan tâm nhất, hiệu trưởng nào sẽ xuống làm hiệu phó?

Hiệu phó nào sẽ xuống làm giáo viên? Và nhân viên nào sẽ nằm trong dạng bị thôi việc?

Năm học này, một số trường học ở nhiều xã phường được dồn ghép.

Một số hiệu trưởng, hiệu phó đã có sự thay đổi về vị trí việc làm. Mọi sự đổi thay ấy đều do phòng Nội vụ quyết định.

Thế là không ít ý kiến thắc mắc được nêu ra “căn cứ vào tiêu chí nào để phòng Nội vụ xét người này và bỏ người kia?”

Hàng chục câu chuyện được mang ra bàn tán ngoài lề. Không ít người làm “tổ chức” tại quán cà phê, tại những cuộc tán gẫu.

Họ phỏng đoán và bàn luận như việc cô H là em của cán bộ Y, cô B là chị của cán bộ X, thầy S là nhà đại gia thì làm sao có thể bị lung lay vị trí?…

Tuyệt nhiên chẳng có một ai nói rằng cô H vẫn được giữ làm hiệu trưởng vì năng lực giỏi.

Cô B là người có chuyên môn vững vàng. Hay thầy S là cán bộ gương mẫu dù cho sự thật là như thế.

Mọi sự đồn đoán không phải là vô căn cứ. Một vài xã phường đã làm thí điểm đầu tiên, cũng đã có không ít tiếng xì xào to nhỏ (dù chỉ là phỏng đoán và hoàn toàn không có chứng cứ xác nhận).

Cô L non kinh nghiệm và có cuộc sống tai tiếng nhưng vẫn được giữ lại cương vị hiệu trưởng.

Thầy M tay nghề chuyên môn thua cô V nhưng vẫn được giữ lại làm hiệu phó… Còn cô V dù giỏi nhưng lại xuống làm giáo viên.

Nhiều trường học khác dù chưa sáp nhập, Ban giám hiệu và các nhân viên cũng tỏ ra cuống cuồng. Họ lo cho bản thân mình sẽ nằm trong số những người không may mắn vì “không có ai chống lưng”.

Xóa tan nghi ngờ chỉ còn cách tổ chức thi

Bao giờ Bình Thuận làm được như Đà Nẵng? ảnh 3Hiệu trưởng được tuyển giáo viên - bước đột phá nhưng nhiều lo lắng

Để tạo sự cạnh tranh công bằng, để tuyển chọn được những người giỏi cần tổ chức cuộc thi tuyển công khai.

Các ứng viên sẽ phải trải qua ít nhất 2 vòng thi lý thuyết (bài viết) và thuyết trình.  

Phần thi viết các ứng viên phải trình bày được những kiến thức chung về chuyên ngành, về hiểu biết nghiệp vụ quản lý của lĩnh vực ứng tuyển….

Phần thi thuyết trình các ứng viên sẽ trình bày và bảo vệ đề án của mình. Trong đó, nêu được chương trình hành động, các kế hoạch, giải pháp về công việc để tạo ra hiệu quả tốt nhất nếu được bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn.

Bên cạnh việc tổ chức thi tuyển công khai, ban giám khảo cũng được tuyển chọn kĩ càng.

Người được tuyển chọn phải là người có am hiểu sâu, chuyên môn lĩnh vực làm giám khảo phải vững vàng. Hạn chế lấy người của địa phương sẽ tránh được việc chấm cho người nhà.

Năm học này, nhiều trường học ở Bình Thuận mới làm thí điểm. Hai năm tới việc sáp nhập trường sẽ được làm triệt để hơn. Và khi đó vị trí việc làm sẽ dôi dư không phải là ít.

Hy vọng tỉnh nhà sẽ học tập Đà Nẵng tổ chức cuộc thi tuyển chọn công khai cho các ứng viên vào từng vị trí.

Đỗ Quyên