Bao giờ Bộ mới công bố cách đánh giá học sinh trong chương trình mới?

23/01/2019 06:30
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Điều mà dư luận mong chờ là Bộ sẽ sớm công bố việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh trong chương trình mới.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình tổng thể, chương trình môn học thì vấn đề còn lại mà dư luận đang trông chờ là Bộ sớm công bố công cụ đánh giá, xếp loại học sinh như thế nào cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thực tế, kể từ khi manh nha chương trình giáo dục phổ thông mới thì dư luận đã nghe nhiều đến cụm từ “phát triển năng lực học sinh”, nghe nhiều về 5 phẩm chất và 10 năng lực.

Nhưng để mọi người tường tận vấn đề một cách cụ thể thì hiện nay vẫn chưa thấy Bộ có công bố nào liên quan.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đánh giá, xếp loại học sinh ra sao cho hiệu quả. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ  được đánh giá, xếp loại học sinh ra sao cho hiệu quả. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nói về việc kiểm tra, đánh giá người học của chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã từng chia sẻ với báo chí như sau:

Nếu vẫn kiểm tra, thi cử theo kiểu hỏi kiến thức học sinh, đánh giá kỹ năng giải bài tập của học sinh thì rất khó đổi mới, vì thầy cô sẽ phải tranh thủ thời gian để cung cấp cho học sinh của mình càng nhiều kiến thức càng tốt, luyện cho học sinh càng nhiều kỹ năng làm bài càng nhiều càng tốt.

Vì vậy phải có cách kiểm tra thi cử mới để đánh giá được năng lực học sinh, đồng thời hỗ trợ chương trình phát triển năng lực này”.

Như vậy, việc đổi mới trong việc kiểm tra, đánh giá trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều thay đổi để hướng tới việc phát triển năng lực cho học sinh.

Tuy nhiên, thay đổi ra sao thì gần như chúng tôi vẫn chưa mường tượng được.

Theo hướng dẫn của chương trình giáo dục phổ thông mới đã công bố thì phần Định hướng về đánh giá kết quả giáo dục được giới thiệu như sau:

Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Phạm vi đánh giá bao gồm toàn bộ các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp, chuyên đề học tập và môn học tự chọn.

Đối tượng đánh giá là sản phẩmquá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế.

Kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.

Bao giờ Bộ mới công bố cách đánh giá học sinh trong chương trình mới? ảnh 2Chương trình phổ thông mới sẽ tạo ra học sinh có phẩm chất, năng lực gì?

Như vậy, việc đánh giá học sinh sẽ "Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục".

 Hình thức đánh giá bằng hình thức “định lượng” và “định tính”.

Nếu vậy, theo chủ ý của người viết bài này thì chương trình mới tới đây sẽ vừa đánh giá bằng nhận xét và vừa đánh giá bằng điểm số.

Tuy nhiên, nếu đánh giá kết hợp cả "định lượng" và "định tính" thì sẽ nó na ná như Thông tư 22 ở cấp Tiểu học hiện nay. Quá trình học trên lớp thì dùng nhận xét và cuối kỳ thì tổ chức kiểm tra để lấy điểm số để xếp loại học trò.

Hiện nay, Thông tư 22 hướng dẫn cách đánh giá học trò theo 3 mức độ: Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt).

Đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện đang thực hiện việc đánh giá, xếp loại học trò theo Thông tư 58 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những môn dùng nhận xét (đạt; chưa đạt) là Âm nhạc, Mỹ thuật và Thể dục. Các môn còn lại là dùng điểm số để đánh giá và xếp loại học sinh.

Những cách đánh giá, xếp loại học trò cho chương trình hiện hành đang đan xen nhiều hạn chế và bất cập. Thông tư 22 thì còn nhận xét chung chung, Thông tư 58 thì có những môn quá nhiều bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và gây áp lực rất lớn cho cả thầy và trò.

Lấy gì để đo 5 phẩm chất và 10 năng lực của học trò trong chương trình mới?

Chương trình mới đưa ra yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh phổ thông. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Chương trình cũng hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi gồm:

Những năng lực chung, được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Những năng lực chuyên môn, được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất địnhnăng lực ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

Bao giờ Bộ mới công bố cách đánh giá học sinh trong chương trình mới? ảnh 3Bảy kỳ vọng của giáo viên với chương trình, sách giáo khoa mới

Nhìn vào hướng dẫn việc phát triển năng lực cho học sinh trong chương trình mới, chúng ta thấy rằng những phẩm chất và năng lực của chương trình mới rõ hơn so với chương trình hiện hành.

Nhưng việc đánh giá học trò ra sao lại vẫn còn rất mơ hồ cho giáo viên khi tiếp cận chương trình mới.

Bởi cũng trong phần Định hướng về đánh giá kết quả giáo dục thì Ban soạn thảo chương trình đã viết:

“Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ công tác phát triển chương trình.

Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ công tác phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội". 

Với cách định hướng như thế này, rõ ràng những ai tiếp cận với Định hướng về đánh giá kết quả giáo dục cũng rất khó hình dung được việc đánh giá, xếp loại học sinh trong chương trình mới ra sao.

Bởi ngoài việc đánh giá của giáo viên giảng dạy bộ môn lại có thêm cả phụ huynh – học sinh tự đánh giá- học sinh trong tổ, lớp- cấp quốc gia- cấp địa phương...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã mời Trung tâm Đo lường và kiểm định chất lượng giáo và dục của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nghiên cứu đề tài này.

Vì vậy, điều mà dư luận mong chờ là Bộ Giáo dục sẽ sớm công bố hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, xếp loại  học sinh trong chương trình mới càng sớm càng tốt.

NGUYỄN CAO