Bất cập chính sách siết biệt phái, nhiều kiến nghị thay đổi (3)

18/11/2018 06:07
Tấn Tài
(GDVN) - Ngoài việc bổ sung nhân sự cho phòng giáo dục thì chính sách biệt phái giáo viên về phòng cũng đã lộ rõ nhiều bất cập, cần phải thay đổi.

Bất cập trong chính sách biệt phái về phòng Giáo dục

Mặc dù số lượng giáo viên biệt phái về phòng Giáo dục quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là 2 chỉ tiêu theo quy định nhưng đến nay chỉ mới một người đến nhận nhiệm vụ.

Biệt phái về phòng Giáo dục, ông Thái Vĩnh Hoàng bị cắt hết các khoản chế độ hỗ trợ của giáo viên đứng lớp. Ảnh: TT
Biệt phái về phòng Giáo dục, ông Thái Vĩnh Hoàng bị cắt hết các khoản chế độ hỗ trợ của giáo viên đứng lớp. Ảnh: TT

Ông Nguyễn Lâm – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, theo quy định của sở Nội vụ thì giáo viên biệt phái về phòng giáo dục bị cắt hết chế độ hỗ trợ của một giáo viên đứng lớp.

Đó là lý do khiến nhiều phòng Giáo dục không nhận đủ số lượng giáo viên biệt phái đến làm việc.

“Trước đây, giáo viên đi dạy theo tiết và được hưởng các chế độ hỗ trợ như: tiền đứng lớp, thâm niên…

Thi đua buồn ở trường Phan Phu Tiên

Giờ về phòng Giáo dục phải đi làm theo giờ hành chính, công việc nhiều hơn mà lại hưởng chế độ thấp hơn  nên họ không muốn lên.

Hiện Phòng mới chỉ có một giáo viên biệt phái theo quy định, còn một suất nữa không điều động được”, ông Lâm nói.

Từng có “thâm niên” trong việc biệt phái về phòng Giáo dục làm việc, thầy Thái Vĩnh Hoàng (phòng giáo dục quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thầy về làm việc tại Trường tiểu học Lê Lai.

Sau đó, được “biệt phái” về phòng Giáo dục quận Ngũ Hành Sơn đảm nhận công tác thống kê, kế hoạch và cơ sở vật chất. Từ năm 2003, thầy lại chuyển về Trường tiểu học Nguyễn Duy Trinh nhưng vẫn làm biệt phái tại phòng Giáo dục cho đến nay.

“Mình ở trường sẽ được hưởng các chế độ phụ cấp, đứng lớp… Nhưng lên biệt phái thì không được hưởng những chế độ này. Đây là một thiệt thòi của cán bộ phòng giáo dục”.

Giờ đây, thầy Hoàng phải “ôm” thêm công việc của một cán bộ đã nghỉ hưu bao gồm: xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, phần mềm công nghệ thông tin... Công việc tăng lên như vậy nhưng mức lương vẫn y cũ, không thay đổi – thầy Hoàng cho hay.

Một lãnh đạo phòng Giáo dục trên địa bàn Đà Nẵng cũng chia sẻ, giáo viên rất ngại khi nhận quyết định biệt phái lên phòng.

Ở phòng công việc nhiều, thời gian làm việc 8 tiếng nhưng mức lương cũng như các khoản hỗ trợ thấp hơn ở trường.

Nên xảy ra tình trạng giáo viên biệt phái nhưng vẫn đứng lớp, vẫn giảng dạy như trước để hưởng các chế độ. Ngoài giờ dạy, nếu rãnh thì giáo viên đến phòng Giáo dục làm việc, hỗ trợ thêm cho phòng.

Kiến nghị bổ sung nhân sự

Trước những bất cập về chính sách “siết” giáo viên biệt phái về phòng giáo dục làm việc, ông Nguyễn Lâm kiến nghị các cấp lãnh đạo từ quận, thành phố đến Bộ (Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ) nên tính đến tính đặc thù của giáo dục.

Phòng giáo dục cũng có điểm tốt, nhưng sao lại bị đòi giải tán?

Vì việc quản lý một phòng Giáo dục khác hoàn toàn với các phòng ban khác. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ huynh, hàng ngàn giáo viên và mười mấy ngàn học sinh.

“Cơ cấu quản lý có tính đặc thù như vậy nên để giải quyết công việc phải bố trí nhân sự tương ứng với đầu việc. Chí ít nó cũng quản lý đến chuyên môn của giáo viên.

Ví dụ như cán bộ phòng Giáo dục đi dự giờ thì phải biết được giáo viên dạy cái gì, cần gì...? Hoặc chí ít là có khuyến nghị đến cán bộ quản lý của các trường như Hiệu trưởng, Hiệu phó... để họ có chỉ đạo, quản lý kịp thời.

Để làm được những việc đó thì phòng Giáo dục phải có cán bộ đủ trình độ,  chuyên môn tương ứng. Không thể phân công một ông chuyên viên tổng hợp về trường để quản lý một Hiệu trưởng”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm thì trong nhiều lần giao ban với các sở, ngành đã có phản ánh bất cập trên nhưng đến giờ vẫn chưa có văn bản chỉ đạo nào để điều tiết.

Tấn Tài