Bất ngờ, hàng nghìn độc giả ủng hộ đề thi... "trinh tiết"

24/04/2012 11:44
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Phần lớn độc giả bày tỏ quan niệm ủng hộ đề thi trinh tiết của ĐH FPT theo thống kê nhanh của Báo Giáo dục Việt Nam.
Sau kỳ thi tuyển sinh ngày 8/4/2012 của Trường Đại học FPT. Ngày 9/4/2012, Báo Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết: “Đại học FPT cho thí sinh phân tích về... cái màng trinh". Bài viết đã tạo nên làn sóng dư luận bằng một loạt ý kiến trái chiều thể hiện ở phe ủng hộ và phản đối đề thi.
Ngay sau đó, Báo Giáo dục Việt Nam liên tục cập nhật những bài viết liên quan thông qua PV chuyên gia, đánh giá của bạn đọc. Bên cạnh đó, trong mỗi bài viết, Báo Giáo dục Việt Nam đều đưa ra những câu hỏi thăm dò ý kiến dư luận. 
Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với GS.Trần Đình Sử quanh đề thi Đại học FPT trong bài viết Đề thi “trinh tiết” của ĐH FPT không tri thức, không giáo dục, thẩm mỹ. GS Trần Đình Sử có nói: “Đề thi của ĐH FPT không đạt yêu cầu của một đề thi tuyển sinh nghiêm chỉnh vì thiếu cả ba yếu tố quan trọng nhất: Tri thức, giáo dục và thẩm mĩ”

Khảo sát qua câu hỏi: Bạn có cho rằng đề thi bàn về trinh tiết của ĐH FPT yếu kém về mặt thẩm mỹ? Kết quả thu được là trong 1080 người thì chỉ có 222 người đồng ý, 868 người không đồng ý với ý kiến trên.

Lưỡng quốc TSKH Đỗ Văn Khang trong bài viết Ai ủng hộ đề thi Đại học FPT là những người...buông thả có nhận định: “Đề thi trinh tiết của Đại học FPT tạo ra suy nghĩ lệch chuẩn?”. Nhưng trong 1265 người bình chọn thì chỉ có 94 người đồng tình với ý kiến trên, còn 1170 người cho rằng nhận định đó là sai. 

Trong số các chuyên gia được PV, chỉ có nhà văn Nguyên Ngọc trong bài viết Coi trọng “trinh tiết” là một suy nghĩ tầm thường là ủng hộ đề thi của Đại học FPT. Trong đó nhà văn có nêu ra: “Sinh viên đã trưởng thành, đã là công dân, đã 18 tuổi, thì có thể chủ động suy nghĩ một vấn đề trong cuộc sống. Vấn đề tình dục cũng là một vấn đề của con người, sinh viên cũng phải suy nghĩ”. 

Bài viết đã thu hút được rất nhiều comment ủng hộ không kém sắc sảo: “Đã lâu quá rồi việc dạy văn học văn khô khan, xơ cứng, vô hồn. Nguyên nhân chính là tại những vị giáo sư tiến sĩ cổ lỗ sĩ và kinh viện. Các vị làm sao có thể biết văn là gì bằng nhà văn Nguyên Ngọc. Nhiều vị không bể bỏ bát cơm của mình vì một nền giáo dục, vì bao thế hệ học sinh, sinh viên. Các vị đang giết chết văn vì sự khô khan đó, nhưng lại cao đạo dạy bảo những nàng văn nàng thơ”.

Nội dung đề thi "trinh tiết" của FPT
Nội dung đề thi "trinh tiết" của FPT


Bên cạnh đó, có rất nhiều độc giả quan tâm đến đề thi của Đại học FPT, đã gửi thư về tòa soạn bày tỏ ý kiến của mình trong những bài viết dày dặn. Độc giả Lê Quang Minh, tác giả của bài viết:  Ai phản đối đề thi 'trinh tiết' của ĐH FPT là người quá cổ hủ có nhận định: Đề thi cho một đằng nhưng các Giáo sư, Nhà văn, Nhà phê bình... lại nói một nẻo. Như thế này có phải là “Bới bèo ra bọ” không?”. Bài viết này được đông đảo độc giả đón nhận, comment ủng hộ đồng quan điểm. 

Câu hỏi đặt ra là “Bạn có ủng hộ đề thi nói về trinh tiết của ĐH FPT?”. Khảo sát trong 2595 người tham gia trả lời thì có tới 2319 người ủng hộ đề thi Đại học FPT và 276 người phản đối. 

Sau một loạt những ý kiến trái chiều được đưa ra, ban lãnh đạo Đại học FPT có lên tiếng trong bài viết: Lãnh đạo Trường ĐH FPT lý giải về đề thi “trinh tiết”? Bài viết này lại càng tiếp sức hơn cho "phe phái" ủng hộ đề thi FPT. 

Lực lượng ủng hộ mạnh nhất cho đề thi Đại học FPT có lẽ là cư dân mạng Cư dân mạng phát sốt vì đề thi “trinh tiết” của Đại học FPT. Đề thi đã tạo nên hiệu ứng lan truyền đa dạng trên mạng ngay sau khi buổi thi kết thúc. Dạo một vòng face book, zing.vn, vozforums cũng như nhiều website khác đều thấy giới trẻ xôn xao bình luận về đề thi của Đại học FPT trong đó phần nhiều là ý kiến ủng hộ.
Tất cả chỉ là ý kiến của những người ngoài cuộc, còn những thí sinh trực tiếp tham dự cuộc thi, họ nghĩ sao? Trong bài viết Thí sinh nói gì về đề thi "trinh tiết" của Đại học FPT?, đã lấy ý kiến của một số thí sinh bày tỏ sự háo hức khi đọc đề thi, cũng như thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mỗi người về "trinh tiết"
Đề thi của Trường ĐH FPT được đa số độc giả ủng hộ, hào hứng, phải chăng vì hai đặc điểm mới và lạ? Hơn nữa, đề thi đề cập đến vấn đề nhạy cảm, thu hút được sự tò mò, quan tâm của nhiều bản trẻ. Bởi đây là vấn đề thiết thực của đời sống, là dịp hiếm có để học sinh tự do bày tỏ chủ kiến cá nhân của mình. Chỉ điều đó cũng đủ khiến cho đề thi của Đại học FPT “ăn khách”, chưa cần xét đến yếu tố ngôn từ, tư duy hay logic của đề thi. 

Đề thi ĐH FPT trở thành chủ đề Hot trên cộng đồng mạng
Đề thi ĐH FPT trở thành chủ đề Hot trên cộng đồng mạng

ĐỀ THI CỦA ĐH FPT CÁC NĂM GẦN ĐÂY:

Đề thi tuyển sinh Đại học FPT kỳ thi tháng 4/2009: 

Có người cho rằng: “Ngoài giá trị giải trí, tiểu thuyết, truyện cổ tích, thần thoại, khoa học viễn tưởng… và nói chung những câu chuyện về những nhân vật và sự kiện không có thật - đều vô bổ. Chúng không mang lại thông tin giá trị nào về thế giới thực và chẳng giúp gì ta trong sự phát triển cá nhân cũng như việc nhận biết về thế giới xung quanh”

Đề bài:

Liệu những nhân vật, sự kiện không có thật trong văn học có dạy cho chúng ta điều gì ích lợi không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề thi tuyển sinh Đại học FPT kỳ thi tháng 4/2010:

“Khi không hài lòng với hoàn cảnh, việc đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến là thay đổi nó mà không nghĩ đến cách thay đổi quan trọng và hiệu quả hơn: thay đổi chính quan niệm của chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta không nên lo lắng tìm cách thay đổi thế giới cho nó trở nên tốt đẹp hơn mà nên tìm cách thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với thế giới đó”.

Đề bài:

Bạn có đồng ý với quan điểm trên không? Điều gì là tốt hơn: thay đổi quan niệm của bản thân hay thay đổi hoàn cảnh? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề thi tuyển sinh Đại học FPT kỳ thi tháng 8/2010: 

Có người luôn muốn mọi việc trong cuộc sống của mình được kiểm soát theo một kế hoạch nhất định. Họ kiểm tra kỹ dự báo thời tiết trước mỗi chuyến đi xa, họ cân nhắc cẩn thận trước khi mua một món đồ, họ dùng lý trí phân tích tất cả các lợi hại trước mỗi quyết định. Một số người khác lại có quan điểm trái ngược: tại sao chúng ta phải cố gắng kiểm soát những thứ mà về bản chất chúng ta không thể kiểm soát một cách tuyệt đối? Bởi đôi khi mạo hiểm và liều lĩnh lại có thể cho chúng ta nhiều bài học và đem đến những cơ hội bất ngờ.

Đề bài:

Liệu đôi khi dám chấp nhận rủi ro và hành động một chút liều lĩnh theo sự mách bảo của trái tim có tốt hơn việc chỉ làm theo lý trí? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề thi tuyển sinh Đại học FPT kỳ thi tháng 4/2011:

Một nhà văn nổi tiếng đã viết: “Đừng bao giờ nghĩ rằng tình bạn cho ta quyền được nói những điều khó nghe. Tình bạn càng trở nên thân thiết lại càng cần phải lịch sự, xã giao. Đừng bao giờ nói với người bạn thân về những khuyết điểm của cậu ấy. Việc đó chỉ dành cho những người coi nhau là kẻ thù”.

Đề bài:

Bạn có đồng ý với phát biểu trên không? Hay đã là bạn tốt thì phải luôn luôn chân thành với nhau, kể cả khi sự thật có thể làm bạn của mình bị tổn thương? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đề thi tuyển sinh Đại học FPT kỳ thi tháng 8/2011:

“Mục tiêu biện minh cho phương tiện. Nói một cách khác, nếu mục tiêu là đáng giá, thì bất kỳ phương tiện nào thực hiện để đạt được mục tiêu đó đều là chính đáng.”

Đề bài:

Bạn có đồng ý với phát biểu trên không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.

Đỗ Quyên Quyên