Bây giờ cử nhân, thạc sĩ đi làm công nhân nhiều quá

24/10/2017 14:26
Trinh Phúc
(GDVN) - Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: “Cử nhân, thạc sĩ đi làm công nhân vì thiếu việc làm ngày càng đông đảo, đây là cảnh báo cho chúng ta về giáo dục”.

Sáng 24/10, ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, các đại biểu làm việc thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017;

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.

Giáo dục là lĩnh vực được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Lê Quân, đoàn Hà Nội (Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: “Giáo dục nghề nghiệp có lãng phí. Chi phí đào tạo đại học cho một em sinh viên sau 3- 4 năm học rất lớn.

Chi phí nhà nước, xã hội và gia đình đầu tư cho các em ăn học phải hơn trăm triệu đồng để có bằng tốt nghiệp đại học, bằng nghề”.

Đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội) - ảnh Trinh Phúc.
Đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội) - ảnh Trinh Phúc.

Với chi phí đầu tư lớn như vậy nhưng theo vị đại biểu Quốc hội này: "Hiện đang tồn tại bất cập trong 5 năm qua số lượng tạo việc làm mới ở trình độ đại học, trình độ cao không phải nhiều.

Tình trạng, người học ra thất nghiệp trong khi một số vị trí việc làm ở các tập đoàn lớn lại khát nhân lực.

Với văn hóa, cách thức học khoa cử, người dân luôn luôn mong muốn học xong làm thầy.

Cách dạy và học hiện nay đang dẫn đến thực tế doanh nghiệp khát nhân lực chất lượng cao nhưng người tốt nghiệp thì không có việc”.

Bây giờ cử nhân, thạc sĩ đi làm công nhân nhiều quá ảnh 2Chuyên gia bày cách để thí sinh học ngành dễ kiếm việc làm

Thêm một bất cập nữa trong đào tạo giáo dục theo ông Lê Quân: "Bình quân thu nhập của cử nhân ra trường đi làm 5- 7 triệu đồng/tháng.

Như vậy, phải mất rất nhiều năm đi làm thì sinh viên mới bù được khoản tiền bỏ ra cho đào tạo.

Đặc biệt, ở trình độ cao học, học xong lại ở trạng thái chờ việc gây lãng phí. Nếu quay lại làm những việc phổ thông, lao động giản đơn hơn thì không phù hợp.

Tôi cho rằng, nếu lộ trình đào tạo làm thợ mà người ta chăm chỉ, yêu lao động và chịu khó lao động thì có thể nâng nghề, dễ kiếm việc và mức thu nhập có thể nuôi được bản thân và gia đình.

Cần thay đổi nhận thức xã hội không phải trượt đại học mới học nghề”.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại thảo luận. ảnh Trinh Phúc).
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại thảo luận. ảnh Trinh Phúc).

Cũng  liên quan đến giáo dục, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng: Nên có đánh giá về kỳ thi quốc gia vừa qua. Có ý kiến cho là xuất hiện sự thiếu công bằng, cần chấn chỉnh. Nhất là không làm chảy máu nhân lực chất lượng cao.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (ảnh Trinh Phúc).
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (ảnh Trinh Phúc).

Liên quan đến giáo dục, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội than phiền: “Chưa bao giờ cử nhân, thạc sĩ đi làm công nhân vì thiếu việc làm như hiện nay.

Những em học sinh giỏi trước đề cao giáo viên nay đổ xô thi công an quân đội là nghịch lý chưa bao giờ tồn tại ở nước ta.

Đây là cảnh báo cho chúng ta.”

Trinh Phúc